DHKT

Cần những đột phá cho kiến trúc Đà Nẵng từ nền tảng ứng dụng công nghệ số

18/08/2017 07:57

“Những xu thế kiến trúc của tương lai đều dựa trên nền tảng công nghệ số và công nghệ môi trường phù hợp. Tuy phần lớn các cấu trúc còn đang ở dạng tiềm năng, nhưng ý tưởng và phương pháp của chúng gợi mở những hướng đi đột phá cho kiến trúc Đà Nẵng và các đô thị trẻ khác. Những xu hướng này sẽ gia tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của đô thị trong kỷ nguyên số hiện nay” - TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn – Phó Trưởng khoa Kiến trúc, trường Đại học (ĐH) Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh trong tham luận khoa học “Những xu hướng kiến trúc trong kỷ nguyên số cho đô thị du lịch Đà Nẵng”.


Đà Nẵng - Xưa và Nay (một bên là Thành Điện Hải, một bên là Trung tâm hành chính, tòa nhà Novotel).

Sáng nay (17/8), tại bảo tàng Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Thiết kế không gian công cộng và New Urban Agenda” do Khoa Kiến trúc trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó GS.TS Trương Hoài Chính- Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội trong những năm gần đây, đã kéo theo những thách thức lớn cho nhiều thành phố lớn ở nước ta. Chúng ta phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước; vấn đề quy hoạch hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, thiếu sự điều tiết dẫn đến thường xuyên ùn tắc, xảy ra tai nạn. Công tác quy hoạch, khai thác, sử dụng đất không hợp lý.

Về xây dựng, nhiều công trình nhà cao tầng đã triển khai thi công chưa đúng quy định các nguyên tắc kiến trúc, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị,…


Phó GS.TS Trương Hoài Chính- Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội thảo “Thiết kế không gian công cộng và New Urban Agenda”

Những điều này đòi hỏi các nhà khoa học cần có các nghiên cứu, phản biện cần thiết giúp các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp   cải tiến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong quá trình triển khai đầu tư và xây dựng công trình kiến trúc hạ tầng.

Trong tham luận khoa học với chủ đề “Những xu hướng kiến trúc trong kỷ nguyên số cho đô thị du lịch Đà Nẵng”, TS. KTS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng đã chia sẻ những xu thế kiến trúc của tương lai dựa trên nền tảng công nghệ số và công nghệ môi trường phù hợp.

Ông cho rằng, tuy phần lớn các cấu trúc còn dang ở dạng tiềm năng, nhưng ý tưởng và phương pháp của chúng, lại gợi mở những hướng đi đột phá cho kiến trúc Đà Nẵng và các đô thị trẻ khác. Những xu hướng này sẽ gia tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của đô thị trong kỷ nguyên số hiện nay.

Chúng tôi xin trích giới thiệu một số xu hướng mà TS. KTS. Nguyễn Anh Tuấn đề cập:

Kiến trúc và nội thất sử dụng công nghệ in 3D

Công nghệ in 3D  hứa hẹn một cuộc cách mạng trong kiến trúc, cho phép người thiết kế bấm chuột và in một công trình với chi phí xây dựng thấp hơn và rút ngắn được thời gian so với hiện tại. Công nghệ cũng cho phép hiện thực hóa các cấu trúc không gian hữu cơ mà không thể làm bằng biện phép thông thường.

Vào năm 2015, công trình hoàn chỉnh đầu tiên của thế giới nhờ Công nghệ in 3D  được công bố là tòa nhà Văn phòng cho Tương lai, nằm trong khu phức hợp Emirates Towers ở Dubai. Tòa nhà có diện tích 250 m2 này được “in” đùn từng lớp bởi một máy in khổng lồ (6 x 36 x 12 m) với vật liệu là vữa xi măng. Thời gian để in xong là 17 ngày, không kể thời gian hoàn thiện trong và ngoài. Ngoài máy in 3D lớn còn một vài máy in nhỏ di động hỗ trợ.


 
Minh họa: Công trình có khả năng giao tiếp với công dân đô thị (ảnh trích từ tham luận của TS. KTS. Nguyễn Anh Tuấn).
 

Dường như công trình được in từng phần ở một nơi khác và đem đến lắp ghép tại đây. Lực lượng lao động bao gồm một nhân viên duy nhất theo dõi tiến trình của máy in, 7 người để lắp đặt các bộ phận xây dựng, và 10 thợ điện và các chuyên gia khác để xử lý các vấn đề kỹ thuật. Chính quyền Dubai cho biết chi phí nhân công ước giảm một nửa so với phương pháp truyền thống. Ngoài công trình này, thế giới đã chứng kiến nhiều cấu trúc xây dựng và nội thất bởi in 3D khác, chứng tỏ rằng công nghệ này đã ở rất gần với thực tế.

Công trình có khả năng giao tiếp với công dân đô thị

Với quan điểm cho rằng công trình của tương lai phải thay thổi theo môi trường và cung cấp bộ mặt về tình trạng sức khỏe của đô thị, có thể giao tiếp với công dân, làm cho những thứ không nhìn thấy cũng phải hiển thị, TP Seoul đã lắp đặt một cấu trúc cố định gọi là Living Light với khả năng phát sáng và nhấp nháy theo chất lượng môi trường không khí hiện thời, cũng như các mối quan tâm của công chúng về môi trường trên toàn bộ các quận khác nhau của thành phố.

Living Light bừng sáng về đêm, có các bề mặt cảm ứng và cung cấp thông tin tinh tế. Living Light cũng có thể tương tác với điện thoại di động của cá nhân.

Kiến trúc có khả năng chống chịu với thiên tai

Trong chuỗi thiết kế "Đảo Dauphin", họa sĩ Dionisio González đã thiết kế những ngôi nhà có cấu trúc tương lai mơ ước, làm từ sắt và bê tông, hoà trộn vai trò của nghệ sĩ với KTS, kỹ sư và nhà quy hoạch đô thị. Những kiến trúc đặc biệt - vừa giống một ngôi nhà bãi biển, một bunker hay một tàu vũ trụ - được thiết kế cùng với những cư dân của đảo Dauphin.

Nằm ngoài khơi bờ biển Alabama ở Vịnh Mêhicô, vùng đất này đã trải qua những trận bão lớn và thảm khốc, khiến người dân phải xây dựng lại nhà cửa của họ nhiều lần.González đã tạo ra những bản thiết kế với các cấu trúc bê tông và phiến, phù hợp với điều kiện khí hậu của quần đảo đông đúc này. Tuy các cấu trúc này chưa được thực hiện, nhưng chắc chắn González đã vẽ ra một bức tranh thú vị về những ngôi nhà tương lai ở vùng biển.

“Kiến trúc không ngừng thay đổi. Nhưng chưa bao giờ kiến trúc thay đổi nhanh chóng như trong kỷ nguyên số hiện nay. Kiến trúc thay đổi từ chỗ chỉ là phần cứng đến chỗ có phần mềm, có sức sống, từ tĩnh đến động, từ đóng thành mở, từ thực thành ảo...

Với khả năng sáng tạo mở rộng, tri thức mới và công nghệ thông minh, môi trường xây dựng đang xích lại gần với môi trường tự nhiên, thân thiện với tự nhiên, bắt chước tự nhiên, phản ánh chân thực văn hóa và truyền thống, có khả năng thay đổi hay cung cấp thông tin, thậm chí giao tiếp với con người.Kiến trúc đang phá vỡ những giới hạn của chính nó.

Trong cuộc chơi kiến trúc hiện nay, hoặc là chúng ta chấp nhận thay đổi và tích cực thích ứng với thay đổi, hoặc là chúng ta tụt lại phía sau số đông. Đà Nẵng đang thay đổi nhanh chóng, bước đầu tạo được dấn ấn riêng trên nền tảng sẵn có.

Để tiếp tục duy trì ưu thế cạnh tranh, kiến trúc Đà Nẵng phải tích cực thích ứng với thay đổi, hướng đến tương lai. Những mục tiêu thành phố thông minh, thành phố môi trường, những đường skylines đô thị mới, những điểm nhấn kiến trúc, những cây cầu con phố, những cột mốc mới đang rất cần cảm hứng từ 10 xu hướng kiến trúc của tương lai nói trên” - TS. KTS. Nguyễn Anh Tuấn phân tích.


"Kiến trúc Đà Nẵng phải tích cực thích ứng với thay đổi, hướng đến tương lai" - TS. KTS. Nguyễn Anh Tuấn.

T.Ngọc thực hiện