DHKT

Bộ GD-ĐT nói về lợi thế của sinh viên 4 trường đại học đạt kiểm định quốc tế

16/06/2017 07:52

Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội cùng ĐH Xây dựng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng và ĐH Bách khoa TP HCM vừa được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp ra kết luận đạt chuẩn kiểm định trường đại học với hiệu lực 5 năm. Đây là sự kiện được ghi nhận lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, với việc kiểm định được triển khai bởi một tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín.

Nhân sự kiện này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: Sinh viên tốt nghiệp 4 trường đạt kiểm định chất lượng quốc tế sẽ có nhiều lợi thế trong tìm kiếm việc làm

Sinh viên ở 4 trường đạt kiểm định chất lượng quốc tế sẽ có nhiều lợi thế

PV: Thưa Thứ trưởng, thông tin 4 trường ĐH đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế sẽ tác động như thế nào đến sinh viên đang học và tốt nghiệp ở những trường này?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi thực hiện tự chủ các trường phải thi đua nâng cao chất lượng để thu hút người học nên chất lượng đào tạo của các trường có thể khác nhau. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Khung trình độ quốc gia tương thích với Khung trình độ tham chiếu ASEAN để các trường làm căn cứ xây dựng chuẩn đầu ra cho các chương trình và trình độ đào tạo. Đây có thể xem là ngưỡng tối thiểu mà các trường phải đạt được. Các trường tùy theo điều kiện của mình mà xây dựng chuẩn đầu ra cao hay thấp nhưng không được thấp hơn ngưỡng tối thiểu. Điều này tạo nên tên tuổi, uy tín của từng trường.

Để đánh giá các trường có đảm bảo chất lượng đào tạo hay không thì phải kiểm định dựa vào bộ tiêu chuẩn. Mức độ khắc khe của bộ tiêu chuẩn phụ thuộc vào tổ chức kiểm định và nó được áp dụng công bằng cho tất cả các trường, không phân biệt đó là trường trong nước hay nước ngoài.

Bốn trường: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa- Đại học Đà Nẵng, ĐH Bách khoa-ĐHQG TPHCM và ĐH Xây dựng đã được HCERES công nhận đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn Châu Âu. HCERES là thành viên chính thức của Hiệp hội đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Châu Âu (ENQA) và thực hiện kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn và Hướng dẫn về bảo đảm chất lượng (ESG) trong hệ giáo dục đại học Châu Âu (EHEA). Vì thế kết quả này giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn khi so sánh điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của 4 trường ĐH nước ta với chuẩn mực quốc tế mà lâu nay chúng ta chưa có điều kiện để làm.

Kết quả này khẳng định uy tín của 4 trường, không chỉ trong nước mà thế giới biết đến. Từ đó các trường có thêm điều kiện mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút sinh viên nước ngoài đến học, tạo điều kiện quốc tế hóa chương trình đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp ở các trường này có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường lao động.

PV: Vậy bằng cấp của những sinh viên tốt nghiệp 4 trường ĐH trên liệu có được công nhận như bằng cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế hay không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kiểm định chất lượng là điều kiện cần nhưng chưa đủ để công nhận bằng cấp lẫn nhau. Bởi việc công nhận văn bằng còn phụ thuộc vào qui định của từng nước, từng trường. Tuy nhiên sinh viên tốt nghiệp các trường đạt chuẩn kiểm định quốc tế có điều kiện thuận lợi hơn để được xét chọn học tiếp hoặc có tính cạnh tranh cao hơn khi tìm việc làm. Đây là lợi thế của sinh viên 4 trường ĐH nước ta đã được HCERES công nhận đạt chuẩn chất lượng khi tham gia dịch chuyển lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN.


ĐH Xây dựng là một trong 4 trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế

Cần có cơ chế kiểm định các trung tâm kiểm định trong nước

PV: Việt Nam đã có 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Tiêu chuẩn kiểm định nước ta có khác gì so với tiêu chuẩn kiểm định các nước không?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Việc kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục ĐH là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình thực hiện Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.

Từ khi có Luật Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT đã thành lập 4 Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục để các Trung tâm căn cứ thực hiện. Bộ tiêu chuẩn này mới đây đã được cập nhật theo tiêu chuẩn của mạng lưới các trường ĐH châu Á. Như vậy, hoạt động kiểm định chất lượng ĐH nước ta đã tương thích dần với sự kiểm định chất lượng giáo dục ĐH các nước trong khu vực.

PV: Có nhiều ý kiến chưa thực sự tin tưởng vào sự kiểm định của các trung tâm trong nước. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về ý kiến trên?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Yêu cầu quan trọng của kiểm định chất lượng là phải khách quan, công bằng, đánh giá đúng thực chất của cơ sở. Các tổ chức kiểm định quốc tế xem đây là việc sống còn trong hoạt động nghề nghiệp. Các tổ chức kiểm định phải luôn đảm bảo các điều kiện cần thiết để hoạt động. Vì thế các trung tâm kiểm định cũng phải được đánh giá, kiểm định bởi những tổ chức khác.

Ví dụ HCERES, tổ chức kiểm định của Pháp phải chịu sự kiểm định định kỳ của tổ chức kiểm định châu Âu để đảm bảo hiệu lực của kết quả kiểm định mà HCERES ban hành.

Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ĐH ở nước ta vẫn còn mới mẻ. Vì thế những qui định về hoạt động này chưa thật đầy đủ. Hiện tại các trung tâm kiểm định nước ta hiện chưa chịu sự kiểm định của các tổ chức kiểm định khác. Trong quá trình sửa đổi Luật Giáo dục Đại học sắp tới, vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục, phân tầng, xếp hạng các cơ sở ĐH sẽ được bàn thảo kỹ. Trên cơ sở đó Bộ GD-ĐT sẽ ban hành những qui định chặt chẽ hơn về kiểm định chất lượng.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo http://vov.vn