DHKT

Khoa Hóa tham dự Hội nghị quốc tế về Công nghệ Lọc - Hóa dầu IRPC Việt Nam 2017

03/05/2017 05:14

Trong các ngày 20 - 21 tháng 4 năm 2017, đoàn công tác của bộ môn Kỹ thuật Dầu khí, khoa Hóa, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã tham dự hội nghị Lọc - Hóa dầu Việt Nam 2017 lần thứ 3 tại Hà Nội.

Việt Nam đang là trở thành một trung tâm sản xuất công nghiệp Dầu khí mới nổi và được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo. Đây sẽ là động lực để thúc đẩy đầu tư và sự hợp tác giữa các nước trong khu vực, mặc dù có những rủi ro dài hạn liên quan đến việc thu hồi đất cũng như sự phức tạp của thủ tục hành chính và các chính sách cũng như sự cung cấp quá mức của thị trường so với nhu cầu của các sản phẩm trong khu vực cũng như trên thế giới.


Hình 1: Toàn cảnh hội nghị

Đối với Việt Nam hiện nay, năng lực sản xuất và cung cấp các sản phẩm cuối từ dầu mỏ, hóa dầu như các loại nhựa (PE, PE, PS, PET, PVC, ABS, polyurethane,...), hóa chất (methanol, ethylene glycol, dioctyl phthalate, styrene, paraxylene, alkyl benzene, PTA,…) đang còn rất hạn chế và đang phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Với các dự án nhà máy lọc dầu trong những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tăng năng suất đáng kể, đặc biệt là polypropylene và polyethylene. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng và những khó khăn về tài chính sẽ trì hoãn các dự án này thêm một vài năm hoặc nhiều năm nữa. Bên cạnh đó, sức ép từ sự cung cấp lớn các sản phẩm từ Mỹ sẽ làm giảm giá thành của các sản phẩm xuống trong những năm tới hoặc dài hạn.


Hình 2: Gian triển lãm của tập đoàn Exxon-Mobil tại Hội nghị

Trong bối cảnh này, hội nghị được tổ chức bởi viện nghiên cứu chiến lược thị trường UMS – Trung Quốc nhằm thảo luận về năng lực và các hướng phát triển của ngành Lọc dầu – Hóa dầu của Việt Nam trong 5-10 năm tới và nhằm tìm hiểu thị trường, thiết lập các mối quan hệ giữa các nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ ở các nước Đông Nam Á cũng như trên thế giớ và chủ đầu tư, các đơn vị sản xuất ở Việt Nam. Hội nghị đã quy tụ nhiều chuyên gia trên thế giới và đã chia sẻ nghiên cứu tình huống, thảo luận về cơ hội và cung cấp các giải pháp cho những thách thức lớn phải đối mặt trong ngành công nghiệp này. Điều này làm nền tảng lý tưởng cho các công ty Lọc - Hóa dầu để cập nhật và khám phá những cơ hội hợp tác để giữ vững được vị thế của mình.


Hình 3: Đại diện Bộ môn Kỹ thuật dầu khí báo cáo tại Hội thảo

Đoàn công tác của bộ môn Kỹ thuật dầu khí do TS. Đặng Kim Hoàng làm trưởng đoàn đã báo cáo tại hội nghị và nhấn mạnh về vai trò của khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng trong đào tạo nhân lực cho ngành Lọc – Hóa dầu và các cơ hội và thách thức trong sự phát triển chung. Hơn 50% kỹ sư công nghệ của nhà máy lọc dầu Dung Quất tốt nghiệp từ ngành kỹ thuật Dầu khí. Bộ môn cũng đã cung cấp nhân lực cho các nhà máy công ty như PVGas (Đạm phú Mỹ, Khí Cà Mau, nhà máy chế biến khí Dinh Cố,…), JGC, Technip, PVE, PVoil, Petrolimex, Skypec, Nalco hay các trường Đại học hay viện nghiên cứu như PVpro, VPI, PVMTC,… Đồng thời đoàn cũng đã trao đổi nhiều nội dung với các công ty cung cấp thiết bị, dịch vụ Dầu khí trên thế giới như ExxonMobil, DuPont, GTC Technology, Shell, HIS Global, Foster Wheeler, KBR Technology, Kumhu P&B Chemicals, Ametek,... cũng như các công ty trong nước như Công Ty trách nhiệm Hữu hạn một Thành viên Bình Sơn BSR, Tổng công ty Dung dịch Khoan và hóa phẩm Dầu khí, công ty Hi-Pec, Bureau Veritas Vietnam,…


Hình 4: Thảo luận bên lề Hội nghị

Từ hội nghị, đoàn công tác cũng nhận ra được các xu hướng phát triển của công nghiệp Lọc Hóa Dầu trong 10 năm tới. Và Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc mở rộng và xây dựng mới các dự án Lọc dầu, dự án phức hợp Lọc hóa dầu nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu (xăng, diesel, dầu đốt DO, FO, khí đốt,…),  nhắm đến các hướng phát triển sản xuất các sản phẩm trung gian (ethylene, BTX, khí tổng hợp,…) và các sản phẩm cuối của hóa dầu (hóa chất, phân bón, nhựa…).

Khoa Hóa