Trường Đại học Bách khoa đồng hành cùng Cuộc thi sáng tạo robot dành cho học sinh THPT Đà Nẵng mở rộng năm 2024 (DERICHS 2024)New

03/07/2024 08:29

Sáng ngày 02/7/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức Hội nghị tập huấn “Công nghệ chế tạo Robot”.


Quang cảnh hội nghị

Mục đích của hội nghị tập huấn là giới thiệu cho học sinh, sinh viên các công nghệ chế tạo Robot hiện nay. Qua đó, giúp các em nắm bắt thêm các công nghệ mới, lựa chọn công nghệ phù hợp phục vụ cho việc nghiên cứu và chế tạo Robot để tham gia Cuộc thi sáng tạo robot dành cho học sinh Trung học phổ thông (THPT) Đà Nẵng mở rộng năm 2024 (DERICHS 2024) với chủ đề “Chiến thắng thành Điện Hải - Gìn giữ non sông” và ứng dụng các kiến thức lĩnh hội được tại buổi tập huấn phục vụ cho việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tương lai. Hơn nữa, hình thành phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên nói riêng và trong cộng đồng nói chung.


Bà Nguyễn Thị Hoài Nam - Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Đà Nẵng thông qua chương trình hội nghị

Tham dự chương trình, có PGS.TS Tào Quang Bảng - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN; ông Hồ Vĩnh Hòa - Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Quảng Nam; ông Trần Quốc Tuấn - Tổng Thư ký Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Đà Nẵng; bà Nguyễn Thị Hoài Nam - Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội KH&KT thành phố Đà Nẵng.

Các chuyên gia báo cáo các chuyên đề tại buổi tập huấn, về phía Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN có sự tham gia của các giảng viên đến từ Khoa Cơ khí và Khoa Điện, gồm: TS. Hoàng Văn Thạnh - Phó Trưởng khoa Khoa Cơ khí; PGS.TS. Đặng Phước Vinh, TS. Phạm Văn Trung - Giảng viên Khoa Cơ khí; TS. Đỗ Thế Cần - Phó Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Giảng viên Khoa Cơ khí; TS. Ngô Đình Thanh - Giảng viên khoa Điện; về phía Liên hiệp các hội KH&KT TP. Đà Nẵng có ông Võ Tiến Dũng - Chuyên viên Ban Khoa học và Công nghệ.

Chương trình có sự tham dự của gần 200 học sinh đến từ 22 đội đăng ký tham gia thi đấu đến từ các Trường THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Trường THPT chuyên Quốc học Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; các sinh viên đến từ các Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, ĐHĐN; các tình nguyện viên.


PGS.TS Tào Quang Bảng - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN phát biểu đề dẫn

Năm 2024, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và đảm nhận việc xây dựng chủ đề, luật thi đấu và demo chủ đề và luật thi đấu; tư vấn kỹ thuật, giới thiệu tình nguyện viên hướng dẫn kỹ thuật cho các đội tham gia thi đấu.

Chương trình tập huấn mang đến cho học sinh các chủ đề vô cùng thú vị và hữu ích trong hoạt động chế tạo robot, các kỹ năng mềm quan trọng để các em tự tin, bản lĩnh, nắm chắc kiến thức khi tham gia Cuộc thi sáng tạo robot dành cho học sinh THPT Đà Nẵng mở rộng năm 2024.

Các chủ đề được báo cáo tại hội nghị tập huấn được trình bày bởi các giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chế tạo robot và đồng hành xuyên suốt các mùa giải của cuộc thi sáng tạo robot dành cho học sinh THPT.

Chủ đề 1: “ROBOT với giáo dục STEM” do TS. Ngô Đình Thanh - Giảng viên khoa Điện, Trường Đại học Bách Khoa, ĐHĐN trình bày. Giáo dục STEM là cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học qua trải nghiệm mà qua đó người học áp dụng kiến thức lý thuyết vào giải quyết dự án/vấn đề thực tế trong đời sống, quy trình thiết kế dự án kỹ thuật. Qua đó các em có thể áp dụng vào việc chế tạo robot để tham gia cuộc thi năm nay.


TS. Ngô Đình Thanh - Giảng viên khoa Điện, Trường Đại học Bách Khoa trình bày Chủ đề 1 “ROBOT với giáo dục STEM”

Chủ đề 2: “Cơ cấu và kỹ thuật trong việc thiết kế và chế tạo robot” do TS. Phạm Văn Trung - Giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN· trình bày. Các nội dung trong báo cáo bám sát với yêu cầu của đề thi năm 2024 giúp các em nắm được các kết cấu cơ khí quan trọng để thực hành chế tạo robot


TS. Phạm Văn Trung - Giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa trình bày Chủ đề 2: “Cơ cấu và kỹ thuật trong việc thiết kế và chế tạo robot”

Chủ đề 3: “Các phần tử điều khiển & cảm biến cơ bản dùng trong Robot” do PGS.TS. Đặng Phước Vinh - Giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN trình bày. PGS.TS. Đặng Phước Vinh đã giới thiệu về sơ đồ khối, các phần tử điều khiển và nhiều loại cảm biến có chức năng và giá thành phù hợp để chế tạo robot cho mùa giải năm nay của các em học sinh.


PGS.TS. Đặng Phước Vinh - Giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa trình bày “Các phần tử điều khiển & cảm biến cơ bản dùng trong Robot”

Chủ đề 4: “Các kỹ năng mềm trong tổ chức và triển khai hoạt động thi đấu robot” do TS. Đỗ Thế Cần - Phó Trưởng phòng Phòng Tổ chức - Hành chính, Giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN trình bày.


TS. Đỗ Thế Cần chia sẻ về một số kinh nghiệm khi tham gia cuộc thi Robocon

Chủ đề 5: “Những kỹ năng mềm cần thiết khi tham gia cuộc thi” do anh Võ Tiến Dũng - Ban Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội KH&KT TP. Đà Nẵng trình bày.


Anh Võ Tiến Dũng - Ban Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội KH&KT TP. Đà Nẵng chia sẻ các kỹ năng mềm cần thiết khi tham gia cuộc thi DERICHS 2024


Các chuyên gia giải đáp thắc mắc của học sinh về cách tối ưu khi chế tạo và vận hành robot; thể lệ và nội quy cuộc thi năm nay

Sau các phần báo cáo, học sinh cùng các chuyên gia đã có phần thảo luận, hỏi đáp sôi nổi về các vấn đề liên quan đến cuộc thi; kỹ năng trong chế tạo Robot… Các thắc mắc của học sinh được các chuyên gia, tổ ra đề và Ban tổ chức giải đáp đầy đủ, cặn kẽ.


Ảnh lưu niệm

Cuộc thi là sân chơi bổ ích vào dịp hè cho học sinh, nhằm cổ vũ cho phong trào nghiên cứu, thiết kế và chế tạo robot của học sinh THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành lân cận. Các giảng viên, chuyên gia, sinh viên của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN cùng tham gia cố vấn, tập huấn, làm ban giám khảo... cho các các sân chơi về khoa học kỹ thuật, sáng tạo robot dành cho học sinh là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, hướng đến cộng đồng các bạn trẻ yêu thích đam mê về khoa học kỹ thuật. Bằng những kinh nghiệm và trải nghiệm quý báu tại các đấu trường khoa học công nghệ được chia sẻ tại hội nghị sẽ góp phần giúp các em học sinh có cái nhìn tổng thể và sâu hơn trong việc chế tạo robot.

Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN