Hợp tác với các trường Đại học Nauy
27/03/2012 12:46
Theo kế hoạch của chuyến đi, ngày 21/3/2012, đoàn đại biểu Đại học Đà Nẵng rời Phần Lan để đến Na Uy. Tại đây, đoàn thực hiện những hoạt động trao đổi học thuật và thảo luận khả năng phát triển các chương trình hợp tác với Đại học Vestfold (Vestfold University College – VUC), Đại học Oslo và Akershus (Oslo and Akershus University College of Applied Sciences - HiOA), và Tổ chức Giáo dục Văn hoá Kulturstudier (Culture Studies).
Đại học Khoa học ứng dụng Vestfold (VUC) nằm ở thành phố biển Vestfold, cách thủ đô Oslo khoảng 100 km về phía Đông. VUC có thế mạnh về ngành vi điện tử, nano, kỹ thuật hàng hải, tàu thuyền. Nhiều Phòng thí nghiệm, nghiên cứu về nano, vi mạch điện tử, phòng sạch, mô phỏng hàng hải hiện đại bậc nhất thế giới đã được các doanh nghiệp trang bị cho VUC để phục vụ đào tạo và nghiên cứu chung. Trường Công nghệ và Khoa học hàng hải thuộc Đại học Vestfold có truyền thống lâu đời (thành lập từ năm 1885), hiện đào tạo nhiều chương trình đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ hệ thống Nano.
Ngoài thế mạnh về công nghệ và hàng hải, Đại học Vestfold còn đào tạo các ngành Khoa học Y tế, Khoa học xã hội và kinh doanh, Nhân văn, Sư phạm và Ngôn ngữ, trong đó ngành Sư phạm Mẫu giáo và Sư phạm Tiểu học cũng là lĩnh vực được nhiều sinh viên Na Uy lựa chọn. Học đại học và sau đại học ở Na Uy không phải trả học phí, chất lượng cao, sinh hoạt phí vừa phải, bảo hiểm cao, vì vậy đây cũng là điểm đến của nhiều sinh viên Việt Nam.
Tham quan Phòng Thí nghiệm mô phỏng hàng hải hiện đại nhất, được tài trợ bởi doanh nghiệp
Từ năm 2008 đến nay, đại diện của Đại học Vestfold đã nhiều lần đến thăm và làm việc với trường Đại học Bách khoa về khả năng phát triển các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên, phát triển những hoạt động học thuật và nghiên cứu khoa học. Với mục tiêu phát triển sinh viên quốc tế có chất lượng cao, trong tháng 1 năm 2012 vừa qua, các giáo sư trường Công nghệ và Khoa học hàng hải Đại học Oslo đã đến Đà Nẵng và trực tiếp phỏng vấn một số sinh viên năm cuối của Chương trình ECE tại trường Đại học Bách khoa và bàn xây dựng chương trình tiên tiến ngành vi điện tử. Giám đốc VUC cũng gửi thư mời đoàn đại biểu Đại học Đà Nẵng sang thăm cơ sở của trường và tiếp tục trao đổi ký kết những chương trình hợp tác hai bên quan tâm.
Sáng 22/3/2012, đại diện hai đại học đã có buổi sinh hoạt học thuật, giới thiệu những chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay trong lĩnh vực giáo dục đại học nói chung và của hai đại học nói riêng. Hoạt động đảm bảo chất lượng cũng được hai bên quan tâm trao đổi trong chương trình nghị sự. Đoàn đại biểu Đại học Đà Nẵng đã tham quan phòng thí nghiệm, cơ sở học tập, nghiên cứu và gặp gỡ sinh viên Việt Nam đang theo học tại VUC.
Trong phần nhận định về sinh viên, Đại học Vestfold đánh giá cao năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và tính năng động của sinh viên chương trình tiên tiến. VUC vui mừng thông báo, với kết quả đợt phỏng vấn vừa qua, 3 sinh viên chương trình tiên tiến ECE sẽ được nhận học bổng toàn phần sang học Master tại VUC (đạt tỉ lệ 100% hồ sơ nộp xin học bổng). Đây là một tin vui đối với các sinh viên được nhận học bổng, đồng thời là tín hiệu khích lệ cho những sinh viên có tiềm năng và hoài bão tiếp tục học sau đại học tại nước ngoài. Hiện nay có 20 sinh viên Việt Nam đang theo học Master (12 học viên) và Tiến sĩ (8 NCS) tại VUC, trong số đó, 02 NCS có quê quán ở Miền Trung rất mong muốn về làm việc tại ĐH Bách khoa sau khi tốt nghiệp.
Kết thúc buổi làm việc, Giám đốc Đại học Vestfold Petter Aasen và Giám đốc Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam đã ký kết văn bản hợp tác chung. Nội dung chính bao gồm các chương trình trao đổi giảng viên; hợp tác nghiên cứu và phát triển quan hệ hợp tác với doanh nghiệp; tiếp nhận sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh theo học bổng của chính phủ Na Uy, của VUC và theo đề án 911; công bố báo khoa học và xuất bản tài liệu chung.
Giám đốc Đại học Vestfold Petter Aasen và Giám đốc Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam
ký kết văn bản hợp tác (MOU)
Với việc phát triển hợp tác này, sinh viên và giảng viên các ngành Điện tử viễn thông, Điện, Công nghệ vật liệu, Kỹ thuật tàu thuỷ, Cơ khí, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Sư phạm Mẫu giáo Mầm non,… sẽ có cơ hội đến học tập, nghiên cứu và giảng dạy tại VUC.
Ngày 23/3, Đoàn đã đến làm việc với Trường Đại học khoa học và ứng dụng Oslo (www.hioa.no), vừa mới đổi tên thành Oslo and Akershus University College of Applied Sciences (HiOA). Đây là mô hình trường tương tự như VUC, nhưng lại có thế mạnh về Tự động hoá, Cơ khí, Điện, Công nghệ thông tin, Nghiên cứu phát triển, Quốc tế học, Sư phạm… lại nằm ở trung tâm thủ đô Oslo. Đại diên hai trường đã có buổi trao đổi học thuật và kinh nghiệm đào tạo một số chuyên ngành mà hai bên quan tâm.
Qua trao đổi, hai bên nhận thấy, các chuyên ngành của HiOA rất phù hợp để phát triển hợp tác với các khoa Sư phạm kỹ thuật của trường Đại học Bách khoa, các chương trình đào tạo cao đẳng của trường Cao đẳng công nghệ và Cao đẳng công nghệ thông tin, Khoa Giáo dục Mầm non và Tiểu học của trường Đại học Sư Phạm. Ngoài giảng dạy, nghiên cứu, quan hệ doanh nghiệp, hợp tác quốc tế,… hàng năm trường thường xuyên tổ chức các khoá học ở nước ngoài cho sinh viên Na Uy (field trip) tại các nước châu Phi và các nước đang phát triển khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để sinh viên các chuyên ngành của Đại học Đà Nẵng có dịp học hỏi trao đổi kinh nghiệm và tăng cường giao lưu với sinh viên Na Uy.
Lãnh đạo hai trường đã ký văn bản hợp tác chung, trên cơ sở đó, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi để phát triển các chương trình hợp tác cụ thể theo tinh thần thảo luận của buổi họp của hai đoàn đại biểu.
Hoạt động tiếp theo của đoàn tại Na Uy là đến thăm Tổ chức Giáo dục Văn hoá Kulturstudier (Culture Studies). Kulturstudiers là một tổ chức văn hoá giáo dục, liên kết với VUC và HiOA, có mục đích giúp sinh viên Na Uy và sinh viên các nước khu vực Bắc Âu nâng cao kiến thức thực tế và tăng cường giao lưu về các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và các chuyên ngành đang theo học. Kultustudiers thường xuyên tổ chức đưa sinh viên sang học các khoá ngắn hạn tại các nước đang phát triển. Ngoài văn phòng chính đặt tại Oslo, Kulturstudiers còn có các chi nhánh tại Argentina, Ghana và Ấn Độ. Tại Việt Nam, Kulturstudiers có quan hệ với Đại học Đà Nẵng từ 10 năm nay, phối hợp mở các khoá đào tạo tại Hội An. Hàng năm Kulturstudiers đưa hàng trăm sinh viên và một số giảng viên từ các nước Bắc Âu sang giảng dạy và học tập tại Hội An. Chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh. Sinh viên sinh hoạt nội trú trong thời gian học tập 11 tuần. Đại học Đà Nẵng được cử hai sinh viên cùng tham gia chương trình trên với học bổng toàn phần. Đến nay, những sinh viên Đại học Đà Nẵng tham gia chương trình nói trên đều thành công trong công việc và trong học tập. Nhiều sinh viên đã được nhận học bổng tiếp tục các chương trình sau đại học tại nước ngoài, trong đó có một số sinh viên đang học các chương trình Tiến sĩ.
Thăm và làm việc với Tổ chức Giáo dục Văn hoá Kulturstudier
Ngoài việc nhận sinh viên của Đại học Đà Nẵng tham dự các khoá học tại Hội An, Kulturstudiers cũng tổ chức những đợt giao lưu giữa sinh viên Bắc Âu và sinh viên Đại học Đà Nẵng, mời giảng viên Đại học Đà Nẵng giảng một số chuyên đề đồng thời giới thiệu các giảng viên các trường Na Uy đến trao đổi chuyên môn với giảng viên Đại học Đà Nẵng. Phát huy tính hiệu quả cao của các khoá học thực tế, trong dịp đến thăm văn phòng Kulturstudiers tại Oslo, Giám đốc Đại học Đà Nẵng Trần Văn Nam và Chủ tịch Kulturstudiers June Tjelland đã ký văn bản thoả thuận tiếp tục phối hợp triển khai các khoá học nói trên.
Như vậy qua gần một tuần làm việc tại Phần Lan và Na Uy, đoàn đại biểu Đại học Đà Nẵng đã ký kết nhiều văn bản hợp tác, phát triển các chương trình nghiên cứu chung, hợp tác với doanh nghiệp, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển các dự án xin tài trợ của EU (Asia Link) và ODA của Phần Lan, Na Uy,… tạo cơ hội cho giảng viên và sinh viên sang học tập và nghiên cứu tại các trường đại học có uy tín ở Bắc Âu trong thời gian sắp đến.