DHBK

Khởi động hợp tác sâu rộng trong đào tạo và nghiên cứu giữa ĐH quốc gia Yokohama Nhật Bản và ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng

25/11/2015 09:05

Hội thảo trao đổi nghiên cứu trong lĩnh vực Xây dựng giữa Đại học (ĐH) quốc gia (QG) Yokohama Nhật Bản và trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng vừa diễn ra hôm 23/11 với nhiều báo cáo chuyên sâu thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn.

alt 

Toàn cảnh hội thảo trao đổi nghiên cứu trong lĩnh vực Xây dựng giữa Đại học (ĐH) quốc gia (QG) Yokohama Nhật Bản và trường ĐH Bách khoa–ĐH Đà Nẵng vừa diễn ra hôm 23/11.

- Ảnh: T.N

alt

“16 Giáo sư và SV của ĐHQG Yokohama , các giảng viên và SV, học viên của khoa Xây dựng Dân dụng và Công Nghiệp, khoa Xây dựng Cầu Đường trường ĐH Bách khoa đã có cơ hội tốt nhất để cùng trao đổi, chia sẻ, giới thiệu với nhau các vấn đề nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực Xây dựng” TS. Trần Quang Hưng- Trưởng khoa, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, ĐH Bách khoa–ĐH Đà Nẵng cho biết. Còn theo nhìn nhận của Phó GS.TS Trương Hoài Chính–Phó Hiệu Trưởng Nhà trường: Đây là bước khởi đầu, đặt nền móng hết sức quan trọng trong hợp tác sâu rộng về đào tạo và nghiên cứu giữa ĐH quốc gia Yokohama Nhật Bản và ĐH Bách khoa– ĐH Đà Nẵng.

Như vậy, trong khuôn khổ hợp tác giữa ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) với ĐHQG Yokohama, chỉ trong tháng 11/2015 này đã liên tiếp diễn ra 2 phiên hội thảo học thuật.

Trước đó, hôm 3/11/2015, tại ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cũng đã diễn ra Hội thảo khoa học “Phát triển giao thông đô thị bền vững - Development of Sustainable Urban Transport System” do khoa Xây dựng cầu đường (ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng) phối hợp với ĐHQG Yokohama tổ chức.

alt

Phó GS.TS Trương Hoài Chính–Phó Hiệu Trưởng ĐH Bách khoa (bìa trái ảnh) và TS.Trần Quang Hưng- Trưởng khoa, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, ĐH Bách khoa–ĐH Đà Nẵng (bìa phải ảnh).

-Ảnh: T.N

Cũng theo TS Trần Quang Hưng-Trưởng Khoa, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, ĐH Bách khoa–ĐH Đà Nẵng, tại hội thảo đã có nhiều báo cáo nổi bật, có thể kể đến:

1) Báo cáo của TS Đào Ngọc Thế Lực: Numerical modeling of reinforced concrete structures’ behaviors subjected to corrosion in marine environment (Mô phỏng số ứng xử của kết cấu bê tông cốt thép chịu ăn mòn trong môi trường nước biển)

Đây là nghiên cứu để đánh giá về mức độ xâm thực Clo trong nước biển vào kết cấu bê tông, dẫn đến suy giảm khả năng chịu lực và làm giảm tuổi thọ công trình. Tác giả đã mô phỏng được tốc độ xâm thực Clo vào kết cấu cũng như dự đoán được sức khỏe của kết cấu theo thời gian. Nghiên cứu này rất có ý nghĩa đối với Đà Nẵng cũng như khu vực Miền Trung có nhiều công trình nằm dọc bờ biển.

2) Báo cáo của GS. Akira Hosoda: Practical Challenges to Achieve Durable Concrete Structures - Surface Water Absorption Test (SWAT) and Visual Evaluation Method (VEM) (Vấn đề về thực nghiệm kiểm tra độ bền vững của kết cấu bê tông – Phương pháp hấp thụ nước bề mặt và Phương pháp đánh giá chủ quan bằng quan sát).

Báo cáo trình bày một phương pháp rất đơn giản và hiệu quả do tác giả phát minh (SWAT) để đánh giá chất lượng bề mặt của bê tông, đặc biệt là bê tông trong các kết cấu cầu thì vấn đề này rất quan trọng vì nó là chỉ tiêu để đánh giá khả năng chống ăn mòn của kết cấu. Ngoài ra phương pháp đánh giá bằng cách lấy ý kiến điều tra thông qua quan sát trực quan các vết nứt xuất hiện trên bề mặt kết cấu cũng được sử dụng để phân loại mức độ nguy hiểm của kết cấu khi xuất hiện vết nứt. Với phương pháp SWAT, chỉ cần mất 10 phút là có thể thu được kết quả.

alt

Các Giảng viên đến từ ĐHQG Yokohama và phiên báo cáo của NCS trẻ Nhật bản. -Ảnh: T.N

alt

3) TS Nguyễn Lan: Geotechinal monitoring system of high embankment on soft soil of Danang-Quang Ngai Highway Express- Some achievements (Hệ thống quan trắc địa kỹ thuật đường cao tốc Đà Nẵng–Quảng Ngãi– Một vài kết quả) 

Báo cáo đã trình bày phương quy mô và các giải pháp kỹ thuật của đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cách thiết lập và lắp đặt hệ thống quan quan trắc để giám sát chất lượng công trình. Tác giả cũng đã giới thiệu kết quả thu được từ việc đo đạc một số đoạn đường chính.

4) GS. Hiroshi Katsuchi: Stay cable vibration subjected to rain and wind effects (Dao động của cáp cầu dây văng dưới tác động của mưa và gió bão)

Nghiên cứu này tác giả đã thực hiện một số thí nghiệm về dao động của dây cáp dưới tác động thực của môi trường bao gồm gió bão, mưa và nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Kết quả nghiên cứu giúp việc mô phỏng và thiết kế cầu dây văng sát với thực tế hơn.

alt

Các Giảng viên, NCS trẻ của ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). -Ảnh: T.N

alt

Các bạn SV và học viên cao học cũng có những bài tham luận rất thú vị.

Trong đó, các bạn sinh viên đến từ Nhật Bản chú trọng đến việc giới thiệu về môi trường học tập và văn hóa Nhật Bản, tuy vậy vẫn có những báo cáo rất thú vị như báo cáo của SV. Daisuke Nagashima về thí nghiệm tìm hình dạng tối ưu của tiết diện cầu nhằm giảm các hiện tượng dao động do mất ổn định khí động học, báo cáo của nữ SV. Anna Ishikawa về tổ chức giao thông đô thị trong đó chú trọng đến điều tra mối liên quan giữa phương tiện cá nhân va mức thu nhập ở Hà Nội.

SV và học viên trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cũng đã đóng góp các báo cáo, nghiên cứu chuyên sâu:

- Tác giả Trần Đình Mạnh Linh (học viên cao học K27): Sự suy giảm khả năng chịu uốn của dầm bê tông cốt thép do bị ăn mòn. Tác giả đã mô phỏng được vết nứt xuất hiện trong bê tông khi cốt thép bị ăn mòn, tính toán khả năng chịu uốn của dầm bang mô phỏng Monte Carlo và mạng trí tuệ nhân tạo NNA.

- Nhóm tác giả Lê Tuấn Anh và Ngô Quang Thành (SV lớp 11X1C trình bày các thí nghiệm Xác định cơ chế phá hủy của vách thấp bê tông cốt thép, tính toán vách theo mô hình Softened Strut and Tie.

"Hội thảo thực sự diễn ra đúng với tinh thần phản biện khoa học, không khí trao đổi liên tục và sôi nổi, để lại nhiều ấn tượng rất sâu sắc cho cả 2 ĐH" - TS Trần Quang Hưng chia sẻ thêm.