DHBK

Hội thảo khoa học Trình diễn hệ thống mô phỏng Vpanel và lò phản ứng hạt nhân GPWR

29/03/2012 14:34

Việc phát triện điện hạt nhân đã được chính phủ Việt nam nghiên cứu và lựa chọn để tham gia vào cơ cấu nguồn điện tương lai để đáp ứng nhu cầu điện năng, góp phần đảm bảo an ninh cung cấp năng lượng của đất nước. Trên cơ sở đó, dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm 2 Nhà máy, tổng công suất 2000 MW với công nghệ hiện đại. Hai nhà máy này hiện nay đang được lập báo cáo lựa chọn địa điểm và báo cáo đầu tư. Để bảo đảm được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chương trình phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của đất nước, đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2010 với tổng kinh phí là 3.000 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án là đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đảm bảo về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu chương trình phát triển điện hạt nhân, yêu cầu phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Với đề án này, đến năm 2020 nước ta phải đào tạo được một đội ngũ cán bộ chuyên môn có đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, bảo dưỡng, quản lý nhà máy điện hạt nhân, tiến tới từng bước nội địa hóa, tự chủ về công nghệ nhà máy điện hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân.

TS Trương Hoài Chính – Phó Hiệu trưởng Nhà trường 

Nhằm từng bước tiếp cận với các công nghệ đào tạo tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong hai ngày 29 và 30/3/2012, tại hội trường khu F, Đại học Đà Nẵng, trường Đại học Bách Khoa, phối hợp với công ty GSE Systems (Hoa kỳ) tổ chức hội thảo về “Giới thiệu và Trình diễn hệ thống mô phỏng Vpanel và lò phản ứng hạt nhân GPWR”. Được thành lập từ năm 1929, GSE Systems là một công ty hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và mô phỏng áp dụng trong lĩnh vực năng lượng như: Năng lượng hạt nhân, năng lượng hóa thạch, Lọc Hóa dầu và Chế biến Khí.

Đến khai mạc Hội thảo, ban Tổ chức rất han hạnh được đón tiếp ông George Mc Cullough Sr., Phó Chủ tịch Công ty GSE Systems,  PGS TS Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng, TS Trương Hoài Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa và đặc biệt là sự quan tâm, tham dự đông đảo của các giảng viên và sinh viên của các ngành đào tạo trong trường Đại học Bách Khoa như Điện Kỹ thuật, Công nghệ Nhiệt Điện lạnh, Công nghệ Hóa học, Công nghệ Môi trường, Quản lý Dự án, Xây dựng.

Báo cáo viên Ông George McCullough 

Tại buổi hội thảo này, ông George Mc Cullough Sr. đã bắt đầu buổi hội thảo bằng việc trình bày các kiến thức cơ bản cũng như cấu trúc của các thiết bị chính của một nhà máy Điện hạt nhân và tiếp theo là giải pháp cho phép kết hợp các yêu cầu của việc đào tạo bao gồm mô phỏng, trực quan và công nghệ giáo dục nhằm cung cấp cho người học: 

-          Kiến thức cơ bản của quá trình vận hành: toán, vật lý vật liệu, điện, cơ khí, thủy lực, nhiệt động học, hóa học, kỹ thuật vận hành, an toàn…

-          Kỹ thuật hệ thống: mục đích hệ thống, các thiết bị chính, sơ đồ dòng, thiết bị đo và điều khiển, điều khiển logic.

-          Kinh nghiệm điều khiển trong các quá trình khởi động, ngừng hoạt động, hoạt động thường xuyên, các sự cố, khẩn cấp.

Nhiều câu hỏi và trao đổi khoa học cũng đã được đặt ra và thảo luận trong hội thảo này, ngoài ra, với hệ thống mô phỏng VPanel của lò phản ứng hạt nhân GPWR của GSE Systems được lặp đặt và thử nghiệm ngay tại phòng hội thảo, những người tham dự hội thảo có điều kiện tiếp cận và thực hành một số thao tác trên hệ thống mô phỏng này.  Đây là một hệ thống mô phỏng của một nhà máy điện hạt nhân có độ trung thực cao để có thể thực hiện công việc thiết kế hệ thống và chiến lược điều khiển trước khi hoàn thành công việc xây dựng nhà máy.