Giảng viên trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng tham dự và báo cáo tại Hội nghị Quốc tế về Nền móng và Triển lãm Thiết bị (The International Foundations Congress and Equipment Expo - IFCEE 2018) tại Florida - Hoa kỳ
12/03/2018 05:11
Hội nghị Quốc tế về Nền móng và Triển lãm Thiết bị - IFCEE 2018 được tổ chức tại Hilton Orlando Buena Vista Palace in Orlando, Florida, Hoa Kỳ từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 3 năm 2018. Hội nghị IFCEE 2018 được phối hợp tổ chức bởi Hiệp hội quốc tế thi công móng sâu (The International Association of Foundation Drilling - ADSC), Viện móng sâu (Deep Foundations Institute - DFI), Viện Địa kỹ thuật của Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Hoa kỳ (G-I Geo-Institute of American Society of Civil Engineers) và Hiệp hội nhà thầu thi công móng sâu (Pile Driving Contractors Association - PDCA) của Hoa kỳ.
Toàn cảnh tại Hội nghị IFCEE2108
Tham dự IFCEE 2018 có hơn 2000 đại biểu với 10 báo cáo Special lectures và Keynote lectures, 5 Short Courses, 50 Session và gần 300 báo cáo khoa học chuyên ngành. TS. Đỗ Hữu Đạo, giảng viên Khoa xây dựng Cầu đường, trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN đã được cử tham dự và báo cáo tại Hội nghị với chủ đề “Kết quả thử tải trọng ngang cho cột đơn và nhóm trụ/cọc đất xi măng - Lateral load test result for single and group soil cement columns”. Đây là kết quả của đề tài cấp cơ sở năm 2017 do trường Đại học Bách khoa quản lý, mã số: T2017-02-103 và là một trong các hoạt động khoa học công nghệ được khuyến khích khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học bên cạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, xuất bản khoa học và đăng ký phát minh sáng chế.
TS. Đỗ Hữu Đạo báo cáo đề tài “Kết quả thử tải tải trọng ngang cho cọc/trụ đơn và nhóm cọc/trụ đất xi măng - Lateral load test result for single and group soil cement columns” tại IFCEE 2018
Báo cáo của TS. Đỗ Hữu Đạo trình bày về khả năng chịu tải trọng đứng và tải trọng ngang của cọc/trụ đất xi măng chịu lực cho móng nhà cao tầng. Đây là điểm khác biệt của công nghệ vì các nghiên cứu khác thường áp dụng cọc/trụ đất xi măng để xử lý cho nền đất yếu. Công nghệ này thể hiện nhiều ưu điểm như sử dụng vật liệu đất cát tại chỗ, giảm sử dụng thép, cát, đá xay, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng tiến độ thi công và giảm giá thành công trình. Công nghệ này đã và đang được ứng dụng cho hơn 10 công trình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như Chung cư Đại Địa Bảo, Chung cư An Trung 2, Vĩnh Trung Plaza, Khách sạn Sanouva, đặc biệt là dự án FPT Complex của tập đoàn FPT. Báo cáo của TS. Đỗ Hữu Đạo với nhiều kết quả thí nghiệm thực tế trên mô hình thực và dự án thực tế được hội nghị đánh giá rất cao.
Bên cạnh báo cáo tại IFCEE 2018, TS. Đỗ Hữu Đạo đã có các tiếp xúc, trao đổi khoa học làm cơ sở cho việc hợp tác trong nghiên cứu và đồng tổ chức các Hội nghị quốc tế tại trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN.
Trao đổi khoa học với GS Địa kỹ thuật Jie Han, University of Kansas và TS. Kord Wissman - Geopier Foundation Company