Đà Nẵng “đậy nắp” sông Phú Lộc: Những cái sai lớn từ dự án không nhỏ!

03/08/2015 03:45
KTS Tô Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng: “TP Đà Nẵng cần dừng ngay dự án “đậy nắp” sông Phú Lộc để mai sau không phải hổi tiếc!”

Sau khi phản ảnh dự án “Cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc”, Đà Nẵng dự định đổ sàn bê tông cốt thép “đậy nắp” hơn 200m ngay đoạn cửa sông này để ngăn ô nhiễm, báo điện tử INFONET tiếp tục nhận được bài “Đà Nẵng “đậy nắp” sông Phú Lộc: Những cái sai lớn từ dự án không nhỏ” của KTS Tô Văn Hùng, Trưởng khoa Kiến trúc trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội KTS TP Đà Nẵng, phân tích thêm nhiều điểm bất cập của dự án này.

alt
KTS Tô Văn Hùng: "TP Đà Nẵng cần dừng ngay dự án "đậy nắp" sông Phú Lộc để mai sau không phải hối tiếc!" (Ảnh: HC)

Để thêm rộng đường dư luận, báo điện tử INFONET xin đăng tải nguyên văn bài viết của KTS Tô Văn Hùng:

Dự án “Cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc” với mục tiêu cải tạo cảnh quan đoạn cuối tuyến kênh Phú Lộc, hình thành khu công viên cây xanh, vườn dạo và sân chơi là một chủ trương mang tính nhân văn và được người dân địa phương hoan nghênh bởi dòng sông Phú Lộc đang ngày càng bị ô nhiễm.

Tuy nhiên, với cách làm như dự án đề ra thì quả thật khó lòng chấp nhận được bởi nó bộc lộ quá nhiều sai sót, không khoa học mà chắc chắn nếu hiện thực hóa thì hậu quả rất nghiêm trọng. Dưới gốc độ người dân và cũng là người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan, tôi xin nêu lên những những cái sai nghiêm trọng cụ thể như sau:

Thứ nhất, ngay từ tên gọi, dự án “Cải tạo môi trường kênh thoát nước sông Phú Lộc” là hoàn toàn sai, bởi từ xưa đến nay bất kỳ người dân Đà Nẵng nào cũng điều biết đây là sông Phú Lộc. Việc dự án tự ý đổi tên sông thành kênh đã là sự xúc phạm nghiêm trọng đến lịch sử. Ngay cả nếu thật sự Phú Lộc là kênh (tất nhiên điều này hoàn toàn không thể) cũng không thể ứng xử với nó một cách thô bạo như vậy.

TP Đà Nẵng cần thiết phải học bài học từ việc cải tạo kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè của TP.HCM được xã hội hoan nghênh, từ một con kênh ô nhiễm trầm trọng nay đã có thể nhìn từng đàn cá tung tăng bơi lội.

Hay với dự cải tạo suối Cheonggyecheon, nguyên Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã xóa bỏ con đường cao tốc được xây dựng ngay trên dòng suối này, vốn trước kia bị ô nhiễm. Đây là dự án gây nhiều tranh cãi, tiêu tốn 900 triệu USD nhưng là một trong những thành công giúp thị trưởng Seoul Lee Myung-bak trở thành tổng thống. Ngày nay, suối Cheonggyecheon đã được khôi phục, trở thành kỳ quan của thủ đô Seoul là bài học đắt giá cho mọi quốc gia phát triển.

Thứ hai, dự án cho rằng sông Phú Lộc bị ô nhiễm là do 2 nguyên nhân: nước thải từ hệ thống xử lý nước thải sông Phú Lộc và tình trạng gây mất vệ sinh do chính người dân sinh sống dọc 2 bên bờ của dòng sông.

Tuy nhiên, hiện nay TP Đà Nẵng đang triển khai dự án nâng cấp trạm xử lý nước thải sông Phú Lộc cùng với hệ thống kè chắn sóng tại vị trí cửa sông. Nếu các công trình này được triển khai đúng với các yêu cầu và tiêu chí của dự án thì chắc chắn nguyên nhân thứ nhất sẽ được khắc phục khi nước thải ra sông đã qua xử lý và nước sông lưu thông tốt do hết tình trạng bồi lắng cửa sông.

Với nguyên nhân thứ 2, chúng ta có cả một hệ thống chính trị hoàn chỉnh, từ chính quyền đến các tổ chức đoàn thể (Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh…) thì không thể nói là không làm được. Giải pháp tuyên truyền, vận động xưa nay vẫn làm, nay tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vứt rác xuống sông hoàn toàn có thể.

Thứ ba, lấy lý do không còn quỹ đất nên lắp mặt sông để tạo công viên phục vụ nhu cầu vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho người dân thì đây quả là sự ngớ ngẩn đến không tưởng. Thực tế với Đà Nẵng và ngay tại địa bàn quận Thanh Khê, Liên Chiểu, ai cũng biết quỹ đất còn khá nhiều, các dự án treo không ít, chưa kể có thể nghĩ đến việc khai thác đất các công trình phúc lợi xã hội từ các cơ quan khác trên địa bàn.

alt
Theo KTS Tô Văn Hùng, dự án "đậy nắp" sông Phú Lộc thể hiện lối tư duy lệch lạc và thái độ ứng xử thiếu trách nhiệm với môi trường tự nhiên! (Ảnh: HC)

Với mức đầu tư 128 tỉ đồng cho khuôn viên 1,4ha liệu có thật sự kinh tế không? Đặc biệt, khu vực này là nơi đón gió trực tiếp từ biển và là nơi chịu tác động gió bão lớn nhất hàng năm. Vậy thì với hệ thống cây xanh trồng trên 1 lớp đất dày từ 0,5-1m được đổ trên lớp nền bê tông mặt sông liệu có thể tồn tại được mấy mùa mưa bão? Ngoài ra, việc TP đầu tư  vườn hoa, sân chơi cho một khu vực dân cư với số tiền lên đến hàng trăm tỷ, trong khi rất nhiều nơi khác chưa có được các thiết chế văn hóa cơ bản là chưa đảm bảo sự công bằng xã hội.

Thứ tư, việc lắp mặt sông sẽ là nguyên nhân hủy hoại hệ sinh thái sông Phú Lộc. Một trong những nguyên tắc cơ bản khi triển khai các dự án cảnh quan là phải đảm bảo duy trì ổn định,  đảm bảo tính đa dạng của hệ sinh thái. Việc ngăn chặn ánh sáng mặt trời sẽ hủy diệt toàn bộ hệ sinh vật trong nước, góp phần tạo nên mùi hôi thối từ các sinh vật chết, càng nguy hiểm hơn khi bề mặt không thông thoáng và không có quá trình đối lưu không khí.

Thứ năm, dự án sẽ làm tắc đường thông thương của con sông, ngay tại cửa sông tiếp giáp với Vịnh Đà Nẵng. Với mạng lưới cọc bê tông dày đặt với cự ly 10m/cọc được đóng xuống lòng sông rộng trên dưới 50m sẽ là những chướng ngại vật đối với tàu thuyền khi ra vào trong điều kiện không có ánh sáng (chui vào hầm). Chưa kể mùa mưa lũ, tàu thuyền sẽ va đập vào các cây cọc này và ngư dân di chuyển trong môi trường yếm khí thì rất nguy hiểm đến tính mạng.

Thứ sáu, cái sai lớn nhất của dự án này theo tôi chính là lối tư duy lệch lạc và thái độ ứng xử thiếu trách nhiệm với môi trường tự nhiên. Tại các nước văn minh, người ta luôn xem yếu tố tự nhiên, con người và yếu tố nhân tạo là một một chỉnh thể; trong đó yếu tố thiên nhiên luôn là nhân tố quan trọng tạo lập không gian cảnh quan đô thị, góp phần hình thành bản sắc. Con người trong xã hội văn minh với vai trò là chủ thể luôn biết trân trọng và gìn giữ thiên nhiên, mọi tác động có nguy cơ hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên điều được xem là thiếu văn minh.

Thực tế đã cho thấy không ít sự trả giá khi con người sẵn sàng lấn sông, bạt núi để có quỹ đất phát triển đô thị. Liệu Đà Nẵng có còn là TP đáng sống hay không khi không còn sông, không còn núi? Con cháu đời sau sẽ nghĩ gì về thế hệ ông cha khi chúng ta không biết gìn giữ và trân trọng tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta?

Thiết nghĩ các cấp lãnh đạo TP Đà Nẵng, các nhà chuyên môn, các nhà đầu tư cần phải xem xét, dừng ngay dự án này để mai sau không phải hối tiếc!

KTS TÔ VĂN HÙNG