Nhiều sự kiện công nghệ thông tin có quy mô lớn diễn ra tại Đà Nẵng trong năm nay

28/01/2018 16:27

Đó là “Ngày hội lập trình DevDay” ; “Sự kiện Công nghệ phát triển Web DotFes”; “Hội nghị quốc tế về Công nghệ thông tin (CNTT) SoICT và “Hội nghị quốc gia về An toàn - An ninh thông tin”.


Các chuyên gia cao cấp của Acxon Active truyền cảm hứng sáng tạo trên nền tảng CNTT và Truyền thông đến đông đảo bạn trẻ tham dự "Ngày hội lập trình DevDay 2017"

Chia sẻ với các đại biểu tại hội nghị “Tổng kết công tác 2017 – Triển khai nhiệm vụ 2018 Ngành Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng” (diễn ra chiều qua, 25/1/2018); Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng Khoa CNTT Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết:

Trong năm nay, Khoa CNTT và Nhà trường sẽ đăng cai các sự kiện CNTT có quy mô lớn: Phối hợp với Công ty Axon Active tổ chức Ngày hội lập trình DevDay 2018 (dự kiến ngày 14/4/2018 với trên 1.500 người tham dự, gần 30 diễn giả đến với chương trình). Phối hợp với các Công ty Nhật Bản (Cshool, DeNA, IFV Asia) và Đại học Kyoto Seika tổ chức “Sự kiện Công nghệ phát triển Web DotFes 2018” (dự kiến diễn ra vào 18/3/2018). Đây là lần đầu tiên các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản về web chia sẻ kinh nghiệm, trình bày các báo cáo chuyên đề về xây dựng, phát triển web.

Phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tổ chức Hội nghị quốc tế CNTT “SoICT 2018” và “Hội nghị quốc gia về An toàn, An ninh thông tin 2018” (dự kiến tháng 12/2018).

Trước đó, Khoa CNTT và Nhà trường sẽ tổ chức riêng Hội thảo chuyên đề thường niên “Nhà trường và Doanh nghiệp CNTT 2018”.

“Năm nay, chúng tôi vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo như: tổ chức các seminars về kỹ thuật, công nghệ mới cho sinh viên; mời chuyên gia doanh nghiệp giảng dạy môn học chính khóa và định hướng nghề nghiệp” - Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm.


"Ngày hội lập trình DevDay 2017" được ghi nhận là "một trong những ngày hội của Cộng đồng IT trẻ trên cả nước, thu hút đông đảo các bạn sinh viên, lập trình viên và nhân viên trong lĩnh vực CNTT đến tham dự"

Sẵn sàng cho đợt kiểm định AUN-QA đối với chương trình đào tạo CNTT

Được biết, vào tháng 4/2018, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) sẽ đón và làm việc với Đoàn kiểm định của AUN (ASEAN University Network, mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á). Trong chuyến công tác lần này, đại diện AUN sẽ thực hiện kiểm định đánh giá quốc tế về QA (Quality Assurance – bảo đảm chất lượng) đối với chương trình đào tạo chuyên ngành CNTT.

Như vậy, Khoa CNTT Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) trở thành đơn vị khoa đầu tiên trong chuyên ngành CNTT được đánh giá về QA theo chuẩn AUN.

Trong hơn 30 ngành đào tạo khác nhau, CNTT được xác định là một trong những ngành đào tạo mũi nhọn của Nhà trường.

Qua hơn 25 năm đào tạo ngành CNTT, Nhà trường đã đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư, hơn 1.100 thạc sỹ và 14 tiến sỹ chuyên ngành. Hiện tại Trường đang có khoảng 1.400 SV hệ kỹ sư, 100 học viên cao học và 30 NCS CNTT.

Năm 2018, Nhà trường dự kiến tuyển 200 sinh viên cho chương trình đào tạo truyền thống; 45 sinh viên cho chương trình đào tạo chất lượng cao theo chuẩn Nhật Bản; 30 sinh viên  chuyên ngành Công nghệ phần mềm cho chương trình đào tạo chất lượng cao Việt – Pháp (PFIEV), một chương trình đào tạo hợp tác với Đại học Polytech Marseille (Cộng hòa Pháp); và 90 sinh viên cho chương trình đào tạo chất lượng cao “Hợp tác doanh nghiệp”.

Chương trình đào tạo chất lượng cao “Hợp tác doanh nghiệp” (hợp tác cùng Đại học Monash, Úc) là chương trình hoàn toàn mới. Học kỳ 1 năm học đầu tiên chỉ học tiếng Anh (nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ); trong đó 30% thời lượng được các chuyên gia doanh nghiệp đào tạo và đào tạo ngay tại doanh nghiệp. Trong 4 năm học, sinh viên có 3 kỳ thực tập tại doanh nghiệp (1 tháng, 2 tháng và 5 tháng).

Chương trình đào tạo chất lượng cao “Hợp tác doanh nghiệp” được xây dựng theo hướng đạt chuẩn kiểm định ABET (Mỹ) và đáp ứng, thỏa mãn cao nhu cầu của doanh nghiệp…

“Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia CNTT đã đồng ý tham gia chương trình chất lượng cao này. Chúng tôi dự kiến, sau Tết nguyên đán sẽ tổ chức sớm một phiên hội thảo với các doanh nghiệp, các chuyên gia để triển khai chương trình này” - Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Như vậy tính đến 2018, Khoa CNTT của Nhà trường đã có 4 chương trình đào tạo khác nhau, trong đó có 3 chương trình đào tạo chất lượng cao.

Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình cũng cho biết, hôm qua (25/1/2018), tại Hà Nội, lãnh đạo 2 Bộ (Giáo dục – Đào tạo và Thông tin – Truyền thông) đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của đại diện Đại học Đà Nẵng và Trường Cao đẳng CNTT hữu nghị Việt – Hàn.

Đây là cuộc họp rất quan trọng, nhằm thảo luận và đi đến thống nhất trong triển khai thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ (tại Thông báo số 542/TBVPCP ngày 22/11/2017).

Theo đó, xúc tiến việc thành lập Trường Đại học CNTT và Truyền thông hữu nghị Việt -  Hàn trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị đào tạo CNTT trong Đại học Đà Nẵng và Trường Cao đẳng CNTT Việt hữu nghị – Hàn.

Trường Đại học CNTT và Truyền thông hữu nghị Việt -  Hàn ra đời trong thời gian đến, sẽ góp phần quan trọng, là cơ sở để nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại Đà Nẵng; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp cũng như nhằm đạt được mục tiêu của Quyết định số 6843/QĐ-UBND về “Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp CNTT TP Đà Nẵng giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025”  được Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng ban hành (ngày 8/12/2017).

T.Ngọc