DHBK

Hoạt động của Trường Đại học Bách Khoa trong Chương trình Phát triển Nông thôn mới Huyện Hòa Vang

02/10/2013 02:15

Trong thời gian từ đầu năm 2013, được sự chỉ đạo đạo của Đảng ủy trường Đại học Bách khoa và theo tinh thần thỏa thuận hợp tác giữa nhà trường và huyện Hòa Vang, nhằm giúp Huyện phát triển xây dựng nông thôn mới, bộ môn Công nghệ Sinh học (CNSH) đã triển khai các nghiên cứu cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu tại huyện Hòa Vang.

alt

Lãnh đạo trường Đại học Bách khoa làm việc với Huyện ủy Hòa Vang về Chương trình Phát triển Nông thôn mới

 Cụ thể có 2 chủ đề sau đang triển khai thực tế tại địa phương:

1/ Thử nghiệm than sinh học để chống nhiễm mặn cho cây lương thực tại đồng ruộng xã Hòa Phước

Xã Hòa Phước nằm ở phía nam thành phố Đà Nẵng. Đây là địa phương có nhiều khó khăn của thành phố, nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp. Đất đai ở đây cằn cỗi, thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt và nhiễm mặn nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong liên tiếp 2 năm 2012-2013, nhiều cánh đồng ở xã Hòa Phước dọc sông Đô Toa bị thiếu nước vào mùa khô dẫn đến tình trạng nhiễm mặn. Theo tư vấn của cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang và Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Phước, nhóm nghiên cứu đã chọn ruộng đất hộ ông Dương Thôn để thử nghiệm khả năng cải tạo đất nhiễm mặn của than sinh học. Diện tích thử nghiệm là 200 m2. Khu thử nghiệm được chia làm 3 lô tương ứng với 3 nghiệm thức khác nhau (gồm có lô đối chứng, lô dùng than đốt tự nhiên-char, lô dùng than sinh học-biochar).

Tuy diện tích thử nghiệm còn hạn chế, còn có một số khó khăn trong việc so sánh kết quả (do phương thức canh tác- gieo sạ, kế hoạch cày, bừa, thu hoạch được cơ giới hóa cho cả cánh đồng khó thích hợp với ruộng thử nghiệm), nhưng các cán bộ, sinh viên của bộ bộ môn CNSH đã tích cực thử nghiệm và theo dõi kết quả của cả một mùa vụ lúa vừa qua. Việc thử nghiệm này đã thể hiện những kết quả bước đầu như sau:

-          Bổ sung than sinh học nhằm mục tiêu cải tạo đất nhiễm phèn, mặn bước đầu cho kết quả tốt, thể hiện việc tăng chiều cao thân lúa và chiều dài bông trên ruộng lúa có bổ sung than sinh học so với mẫu đối chứng không bổ sung than. Dưới đây là 1 số hình thể hiện kết quả trên đồng ruộng Hòa Phước (diện tích thử nghiệm 200 m2).

alt

Hình 1. Hình ảnh minh chứng sự phát triển của lúa giữa lô đất đối chứng và lô đất được xử lý than sinh học

alt

 -          Tỉ lệ than bổ sung ban đầu 0,5kg/m2 chưa tạo được sự khác biệt rõ rệt, cần tăng lượng than dần sau mỗi vụ. Than sinh học tồn tại lâu bền và có lợi trong đất, do đó sau mỗi vụ nông dân có thể sử dụng rơm rạ để tạo ra than sinh học bổ sung vào đất. Mỗi vụ người nông dân có thể bổ sung từ 0,1kg đến 0,5kg/m2. Với tỷ lệ này thì sau khoảng 2 năm sẽ có chuyển biến rất rõ rệt ở cánh đồng.

-          Việc bổ sung than từ đốt rơm tự nhiên cũng cho kết quả tốt. Tuy nhiên có lưu ý rằng khi đốt tự nhiên thu được than và tro, tỉ lệ than thu được rất thấp so với phương pháp đốt kị khí. Lượng tro sau đốt thường làm chai đất, không có tác dụng cải tạo đất. Do đó phương pháp sử dụng than sinh học có ưu điểm hơn về khả năng cải tạo đất lại không gây ô nhiễm môi trường do việc giảm thiểu khí thaair khi đốt rơm rạ.

Từ đó, cho thấy việc sử dụng than sinh học thu được từ phụ phẩm nông nghiệp để cải tạo đất chống nhiễm mặn ở vùng nông nghiệp ven biển và gần các cửa sông của huyện Hòa Vang có triển vọng tốt. Hiện tại bộ môn CNSH đang xây dựng chương trình với Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn của huyện và Trung tâm Khuyến Nông-Lâm-Ngư thành phố Đà Nẵng để mở rộng mô hình thử nghiệm cho vụ lúa tới.

2/ Phát triển cây chè dây bản địa ở xã Hòa Bắc để làm sản phẩm dược phẩm có giá trị.

Trong quá trình làm việc thực tế với các địa phương ở huyện Hòa Vang, cán bộ trường Đại học Bách khoa đã phát hiện loại cây bản địa ở xã Hòa Bắc là cây chè dây có khả năng là nguồn dược liệu tốt và trở thành sản phẩm dược phẩm có giá trị kinh tế cao. Hiện tại cây chè dây mọc hoang ở các khu rừng ở xã Hòa Bắc và được thu hái tự phát của một số người dân địa phương. Theo nghiên cứu các tài liệu sẵn có, cây chè dây này chè dây có tác dụng giúp tiêu hoá tốt, chữa đau dạ dầy đặc biệt là bệnh loét dạ dầy, và còn có tác dụng an thần, dễ ngủ. Hiện đã có một sản phẩm chè dây ở vùng Cao bằng ở phía bắc đã được bán thương mại. Giá một kg sản phẩm này có thể từ 100 đến 200 nghìn đồng.

Để duy trì nguồn cây dược liệu có giá trị này cho địa phương và góp phần tạo ra sản phẩm mới bền vững cho xã Hòa Bắc, một trong những xã còn khó khăn nhất của huyện Hòa Vang, các cán bộ của bộ môn CNSH đã nhiều lần đi thực tế ở địa phương, làm việc với Ủy ban nhân dân xã Hòa Bắc và người dân ở đó để lấy mẫu cây để nhân giống bảo quản và nghiên cứu tạo ra sản phẩm dược phẩm có chất lượng tốt ổn định. Hiện tạo bộ môn CNSH đã trồng thành công cây chè dây ở vườn thực nghiệm ở trường Đại học Bách khoa (xem hình 5), đảm bảo việc duy trì giống cây bản địa; đồng thời đã xác định được những yếu tố cần thiết để sản xuất ra sản phẩm thương mại từ cây chè dây này.

Nhóm nghiên cứu đã có quy trình trồng và chăm sóc cây chè dây ở vườn ươm có thể nhân ra diện rộng cho người dân. Bộ môn CNSH đang bàn bạc với Huyện và Xã để xây dựng chương trình trồng và chế biến cây chè dây này ở địa phương và ý tưởng đã được các cấp chính quyền và người dân ủng hộ.

Các nghiên cứu này cũng là cơ sở cho việc đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng và cấp cao hơn.

Trong thời gian tới, Trường Đại học Bách khoa sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đơn vị ở huyện Hòa Vang để thúc đẩy đưa các kết quả tiềm năng vào cuộc sống thực tế một cách có hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy ĐHĐN và Đảng ủy trường Đại học Bách Khoa.