Đề xuất giải pháp chống ngập úng khu vực nội thị Tam Kỳ
13/11/2022 20:51
Sáng nay 5/11, TP.Tam Kỳ tổ chức tọa đàm “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chống ngập úng khu vực nội thị Tam Kỳ”.
Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Trần Nam Hưng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phù hợp nhằm giúp đô thị Tam Kỳ chống ngập lụt hiệu quả
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ Trần Nam Hưng; Chủ tịch UBND thành phố Bùi Ngọc Ảnh; PGS-TS. Nguyễn Chí Công - Trưởng khoa Xây dựng công trình thủy (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) chủ trì tọa đàm. Đại diện các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo TP.Tam Kỳ qua các thời kỳ cùng dự.
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh, từ năm 2018 đến nay tình trạng ngập của đô thị Tam Kỳ ngày càng tăng lên cả về tần suất, mức ngập cũng như diện tích ngập. Nhiều câu hỏi về vấn đề ngập lụt tại Tam Kỳ đã được đặt ra và việc tổ chức nghiên cứu tổng thể, tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp kỹ thuật khả thi nhằm hạn chế tác động của lũ lụt nhằm ổn định đời sống của người dân, phục vụ phát triển của thành phố là hết sức cần thiết.
PGS-TS. Nguyễn Chí Công trình bày kết quả nghiên cứu
Tiếp nối thành công của hội thảo “Đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt TP.Tam Kỳ và vùng phụ cận” do UBND tỉnh tổ chức vào tháng 11/2021, UBND TP.Tam Kỳ đã phối hợp Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng khảo sát, đánh giá hiện trạng thoát nước để lập Đề án thoát nước đô thị Tam Kỳ.
Đến nay, sau gần một năm tích cực khảo sát và nghiên cứu, đơn vị tư vấn đã cơ bản phác họa được bức tranh toàn cảnh về ngập lụt đô thị Tam Kỳ và các giải pháp khắc phục.
Nguyên Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Bùi Quốc Đinh phát biểu tại tọa đàm
Trên cơ sở đó, TP.Tam Kỳ tổ chức tọa đàm “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chống ngập úng khu vực nội thị Tam Kỳ” để đơn vị tư vấn báo cáo kết quả nghiên cứu của đề án; đồng thời mong muốn nhận được ý kiến góp ý để hoàn thiện đề án với các góc nhìn đa chiều.
Trong đó, tập trung xoay quanh một số nội dung: xác định các nguyên nhân gây ngập úng khu vực nội thị Tam Kỳ và giải pháp; vấn đề đô thị hóa và ngập lụt đô thị Tam Kỳ hiện nay; biến đổi khí hậu và ảnh hưởng đến các đô thị, trong đó có Tam Kỳ; ngập lụt và phòng chống ngập lụt đô thị Tam Kỳ; vận hành các hồ thủy điện, hồ chứa trong phòng chống ngập lụt.
Ông Lê Tú - Giám đốc Công ty CP Viện quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam đề xuất đầu tư hạ tầng xanh, hợp khối
PGS-TS. Nguyễn Chí Công cho biết, qua nghiên cứu, Tam Kỳ có 2 dạng ngập lụt, đó là ngập diện rộng do nước sông Tam Kỳ và Bàn Thạch dâng cao khiến nước nội đô không thoát ra sông được, thậm chí có hiện tượng chảy ngược (trận lũ lụt tháng 10/2021); dạng thứ hai là ngập nội đô, mức nước sông Bàn Thạch, Tam Kỳ thấp, nước nội đô vẫn thoát ra sông được (trận lũ lụt tháng 10/2022).
Nguyên nhân được xác định là lượng mưa quá lớn, nhưng hệ thống thoát nước không đáp ứng nên nước nội đô rút chậm gây ngập úng. Đồng thời lượng nước ngoại lai từ phía tây và bắc đổ về đô thị Tam Kỳ rất lớn, thậm chí gấp vài chục lần nước nội đô gây nên ngập lụt.
Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh phát biểu tại tọa đàm
Vì vậy, để nâng cao năng lực thoát lũ, cần cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước cho nội thị, hạ thấp mực nước sông Bàn Thạch, Tam Kỳ để nước nội đô tiêu thoát nhanh; đồng thời chia bớt lượng nước phía tây qua tuyến kênh ra ngả sông Trường Giang, khơi thông tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương… Ngoài ra, cần bảo tồn các khu dự trữ nước tự nhiên như ao hồ, khu trũng phía tây.
Nhiều ý kiến đề xuất thêm giải pháp như đầu tư hạ tầng xanh, hợp khối, duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước, nạo vét lòng sông Bàn Thạch, Kỳ Phú; tăng khả năng chứa nước cho đô thị; nghiên cứu thấu đáo hệ thống thoát nước từ tây sang đông, bắc vào nam.
Nguyên Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Hoàng Xuân Việt nêu ý kiến cần tăng khả năng chứa nước cho đô thị Tam Kỳ
Kết luận buổi tọa đàm, Bí thư Thành ủy Trần Nam Hưng cho rằng chống ngập úng hiện nay là vấn đề rất khó đối với đô thị cả nước chứ không riêng đô thị Tam Kỳ. Trong phạm vi của mình, thành phố giới hạn đề tài ngập lụt nội đô trong bức tranh tổng thể chống ngập lụt cho Tam Kỳ và vùng phụ cận gồm Núi Thành, Thăng Bình mà UND tỉnh đang tập trung nghiên cứu.
Thống nhất với các giải pháp và kiến nghị của đại biểu tại cuộc tọa đàm, ông Trần Nam Hưng đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu theo hướng xây dựng các đường thoát cắt lũ, từ phía bắc sang sông Trường Giang, sông Đầm ra Trường Giang, cắt bớt nước phía tây, thoát nước qua cống ngầm đường Trưng Nữ Vương; nạo vét sông Kỳ Phú, Tam Kỳ; bảo tồn thoát nước tự nhiên; khơi thông dòng chảy hệ thống thoát nước hiện nay.
Nguồn: XP - baoquangnam.vn