DHBK

Chung kết toàn quốc Monokon-2016

23/05/2016 01:12

Đề tài chế tạo “Thiết bị đeo hỗ trợ tìm kiếm người bị nạn sử dụng công nghệ truyền thông LoRa” của các bạn Nguyễn Phú Cường, Bùi Văn Xứng, Trần Thanh Toản và Trần Hoàng Lộc trường ĐH Công nghệ thông tin-ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã xuất sắc giành giải Nhất tại vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Monokon 2016 (diễn ra sáng nay, 21/52016) tại ĐH Bách khoa (ĐH vùng Đà Nẵng). Kết quả này của Hội đồng Giám khảo được nhìn nhận là chính xác, thuyết phục được giới chuyên môn lẫn các đại biểu và HSSV đến tham dự.

 alt

 

Đại diện nhóm tác giả giới thiệu “Thiết bị đeo hỗ trợ tìm kiếm người bị nạn sử dụng công nghệ truyền thông LoRa” (ảnh trên) - (ảnh tiếp theo) Giới thiệu thiết bị với thường trực BTC: ông Đặng Hoàng Long - Giám đốc chi nhánh Công ty CP Global Cybersoft (Vietnam) tại Đà Nẵng.

-Ảnh: T.N

 alt

MONOKON 2016: Internet of Things - Now and Future do Global CyberSoft và ĐH Bách Khoa – Đại học vùng Đà Nẵng tổ chức. Tuy lần đầu tiên diễn ra, cuộc thi đã được các doanh nghiệp CNTT-Viễn thông,…có uy tín nhận lời tài trợ gồm Công ty Cổ phần GMO Runsystem ; Công ty TNHH jig.jp và Tập đoàn DENSO.

Xuất phát từ sự quan ngại “tình hình hoạt động khai thác và đánh bắt thủy hải sản của ngư dân nước ta có nhiều biến động, do thiên tai và các nguyên nhân khác. Đã có nhiều tàu thuyền ngư dân bị tai nạn. Nếu được đất liền ứng cứu kịp thời sẽ không có tổn thất. Trường hợp không ai hay, không ai biết, phương tiện bị hư hại, chìm xuống lòng biển, thủy thủy đoàn chịu thương vong theo con tàu” các kỹ sư CNTT trẻ đã đi đến nhận định “một trong những nguyên nhân dẫn đến thiệt hại trên là do không giữ được kết nối với đất liền, không kịp thời phát tín hiệu cấp cứu và đặc biệt là không xác định được chính xác địa điểm của con thuyền gặp sự cố và các nạn nhân”.

Trong một số trường hợp, vị trí thuyền gặp nạn có thể xác định được nhờ vào hệ thống GPS gắn sẵn trên thuyền, nếu thiết bị vấn còn hoạt động, sẽ  gửi vị trí đang gặp nạn về đất liền thông qua thiết bị liên lạc.

 alt

Các tác giả đã công khai số liệu đo đạc thực nghiệm và giới thiệu một démo clip giả định ứng dụng thiết bị trong trường hợp tìm một người thân bị bắt cóc. Đề tài đã thu hút sư quan tâm của cộng động khoa hoa học trẻ.

-Ảnh: T.N

 alt

Tuy nhiên, nếu người gặp nạn phải rời khỏi thuyền vì một lý do nào đó, thì vị trí mà người gặp nạn đang có mặt tại đó, không thể xác định được. Nguyên nhân do các thiết bị GPS thông thường chưa được thiết kế như một thiết bị đeo tay cá nhân. Bản thân các thiết bị này không thuộc loại nhỏ gọn và để hoạt động lại tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, giá thành thiết bị định vị hiện tương đối cao.

Rõ ràng đã có khó khăn để truyền tín hiệu từ một vị trí trên biển về đất liền bởi khoảng cách giao tiếp cũng như năng lượng để duy trì việc giao tiếp này. Cũng do vấn đề năng lượng, các chuẩn giao tiếp khoảng cách xa được sử dụng hiện nay như GSM, vệ tinh… đều không khả thi khi tích hợp vào 1 thiết bị cá nhân. Trong khi đó, những chuẩn giao tiếp được ghi nhận là tiết kiệm năng lượng như Bluetooth Low Energy, Zigbee… đều không khả thi, do khoảng cách giao tiếp quá ngắn.

Giải pháp đặt ra – và cũng là ý tưởng của nhóm – là sử dụng một chuẩn giao tiếp mới, vừa thỏa mãn các tiêu chí về giá thành, thời gian sử dụng lâu dài (năng lượng tiêu thụ thấp) và khoảng cách giao tiếp xa (trên 10 Km). Ý tưởng trên đã cho ra đời “Thiết bị đeo hỗ trợ tìm kiếm người bị nạn sử dụng công nghệ truyền thông LoRa”. Thiết bị được thiết kế đeo ở cổ tay, nhỏ gọn như đeo đồng hồ.

 alt

Đại diện nhóm giới thiệu khả năng thu phát sóng của thiết bị (sáng nay, việc thực nghiệm được tiến hành để mọi đại biểu và khán giả được chứng kiến: đặt thiết bị phát sóng cuối hội trường; kiểm tra việc nhận tín hiệu ở gần sân khấu).

-Ảnh: T.N

Thiết bị đeo tay cá nhân này tiêu thụ ít điện năng, và lại có khả năng phát ra tín hiệu kết nối với các trạm cơ sở. Với thiết bị này, khi ngư dân gặp bất cứ tình huống khẩn cấp nào, ngư dân có thể kết nối với trạm cơ sở, từ đó các cơ quan tìm kiếm cứu nạn có thể thuận lợi trong tìm kiếm các ngư dân hơn. Để thiết bị trên hoạt động khả dụng, kịp thời bảo vệ bà con ngư dân khi tạp hình huống xấu, các tác giả cũng thiết kế (đồng bộ) một mạng lưới gồm nhiều trạm cơ sở LoRa đặt cố định hoặc di động trên biển (trên các hòn đảo, vùng đất liền ven biển hoặc trên tàu đánh cá, tàu tuần ngư…). Nhờ vào việc sử dụng phương pháp định vị theo phép đo tam giác, sử dụng giá trị RSSI, vị trí của các thiết bị đeo cá nhân được hệ thống đo đạc và tính toán đi đến xác định nhanh người bị nạn đang ở đâu và đưa ra phương án ứng cứu phù hợp.

“Chúng em nghĩ rằng bà con ngư dân mình thường xuyên xa khơi, đánh bắt ở nhiều ngư trường cách xa đất liền, không chỉ khai thác hải sản, bà con cũng là lực lượng thể hiện và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nếu bảo vệ an toàn cho bà con cũng đồng nghĩa rằng, chúng ta đã tham gia bảo vệ lãnh hải thiêng liêng” đại diện nhóm chia sẻ.

 alt

Và phút giây đăng quang: Đón nhận giải Nhất từ ông Nguyễn Quan Viên, Phó Giám đốc phụ trách mảng hệ thống nhúng Global CyberSoft.

-Ảnh: T.N.

Nhóm cho biết đã tìm được chủng loại pin phù hợp, có thể hoạt động duy trì từ 5 đến 10 năm; thiết bị đã được đo đạc thực nghiệm và đạt khoảng cách tối ưu (gửi/nhận tín hiệu thông suốt) là 12km. Nhóm cho biết, nếu có điều kiện, sẽ phát triển thiết bị dùng trong cảnh báo cháy rừng, phát hiện ô nhiễm và xử lý nước, rác thải đã gây ra ô nhiễm; đặc biệt hữu dụng trong cảnh báo  an toàn ở các tòa nhà có nhiều phòng, nhiều tầng, đồng người làm việc.

Giải Nhì đã thuộc về sản phẩm: Hệ thống hỗ trợ người bại liệt của các tác giả Đỗ Thanh Phong và Đậu Bá Kiên (ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia TP.HCM). Đây là đề tài để lại ấn tượng thiện mỹ trong lòng khán giả và các vị đại biểu có mặt ở vòng chung kết sáng nay. Chỉ bằng cái nhìn và cái nháy mắt vào camera, vào màn hình desktop, người bại liệt có thể mở quạt xua cái nóng, đuổi côn trùng; bật sáng ngọn đèn hay mở ứng dụng đọc báo và chọn tin - bài cần đọc để đọc. Tất cả chỉ cần nhìn (chọn ứng dụng) và nháy mắt  (chấp nhận ứng dụng/enter)

Giải Ba: Smart S.O.S của các bạn Trần Trọng Nhân, Lê Quang Chánh và Nguyễn Thị Bích Loan (ĐH Bách khoa-ĐH vùng Đà Nẵng).

Các đề tài còn lại được BTC trao giải Khuyến khích.

 alt

Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin (ĐH Bách khoa-ĐH vùng Đà Nẵng) trao giải Nhì (ảnh trên) - (ảnh tiếp theo) ông Đặng Hoàng Long - Giám đốc chi nhánh Công ty CP Global Cybersoft (Vietnam) tại Đà Nẵng, thường trực BTC trao giải Ba.

 alt

Trao đổi nhanh với ICTDanang, ông Đặng Hoàng Long - Giám đốc chi nhánh Công ty CP Global Cybersoft (Vietnam) tại Đà Nẵng, thường trực BTC – cho biết từ thành công của cuộc thi lần đầu tiên, Global Cybersoft (Vietnam) quyết định sẽ tiếp tục nâng tầm quy mô tổ chức Monokon trong những lần sau.

“MONOKON 2016 có chủ đề là “Internet of Things - Now and Future” dành cho các bạn sinh viên đam mê công nghệ, là sân chơi giúp các bạn sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng của mình, tạo ra các sản phẩm công nghệ thực tế, hữu ích cho xã hội, là tiền đề giúp các bạn sinh viên khởi nghiệp. Với quan niệm mỗi sinh viên là một tài năng, Ban tổ chức cuộc thi tiếp nhận ý tưởng và tiếp tục mang đến cơ hội phát triển để các tác giả thực sự trở thành những con người có ích, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

 “MONOKON 2016: Internet of Things - Now and Future” được chính thức phát động ngày 15/1/2016 (cũng tại Đại học Bách Khoa – Đại học vùng Đà Nẵng). BTC đã nhận được 60 ý tưởng của cộng đồng trẻ CNTT-Điện tử-Viễn thông trên cả nước gửi về tham dự. Vòng chung kết diễn ra sáng nay kéo dài từ 8 đến 12g trưa.

Do tính hấp dẫn và thiết thực của các đề tài, khán giả đã ngồi lại đến phút cuối.

alt

Chụp ảnh lưu niệm trước khi chia tay. Hẹn gặp lại tại Monokon lần II. -Ảnh: T.N

T.Ngọc thực hiện