DHBK

Đại học Đà Nẵng sẵn sàng điều chỉnh chương trình, phương pháp !

24/03/2014 01:02

Phó GS.TS Trần Văn Nam-Giám đốc Đại học Đà Nẵng, đã khẳng định dứt khoát như trên trong phát biểu của mình tại hội thảo “Quan hệ Nhà Trường & Doanh nghiệp (DN) Công nghệ thông tin (CNTT)” – một trong những hoạt động quan trọng, đánh dấu cột mốc kỷ niệm 35 năm thành lập khoa CNTT – ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).

Nhà trường rất quyết liệt ….

Cũng theo Phó GS.TS Trần Văn Nam, ĐH Đà Nẵng đã có hẳn “một Nghị quyết” triển khai đến tất cả các trường thành viên, và một trong những yêu cầu phải được triển khai quyết liệt trong năm học này đó là đẩy mạnh Nghiên cứu khoa học và đẩy mạnh xúc tiến quan hệ, tăng cường kết gắn nhà trường với DN.

alt
               Phó GS.TS Trần Văn Nam-Giám đốc Đại học Đà Nẵng.     Ảnh: P.H.Phát. 

Bởi thời gian qua, cộng đồng DN đã có nhiều hỗ trợ rất thiết thực cho nhà trường. Từ tặng học bổng cho các em SV vượt khó, tài trợ cho một số hoạt động của nhà trường; tiếp nhận SV thực tập, nghiên cứu; một số DN cũng đã nhận lời đến tham dự các seminar, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn hoạt động sản xuất, quản lý và yêu cầu của DN.

Tuy nhiên để sản phẩm đào tạo được cộng đồng DN chấp nhận. SV ra trường là có ngay việc làm. Và sự thành hỗ của chính cựu SV làm nên thương hiệu nhà trường; ĐH Đà Nẵng tiếp tục kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa từ DN. Ngoài việc chia sẻ những kinh nghiệm, nêu những yêu cầu mà thực tiễn sản xuất, quản lý đòi hỏi; dại diện các DN cũng có thể góp ý cho chương trình đào tạo. ĐH Đà Nẵng sẵn sàng tiếp thu và sẵn sàng điều chỉnh nội dung đào tạo cho phù hợp hơn.

Thể hiện rõ quyết tâm này, tại hội thảo “Quan hệ Nhà Trường & Doanh nghiệp DN CNTT” nói trên; BTC (Khoa CNTT- ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng; đã gửi kèm vào tài liệu của các đại biểu Chương trình đào tạo hiện hành của chuyên ngành CNTT. Nhiều DN đã đồng tình và hoan nghênh thiện chí và tinh thần cầu thị này từ phía nhà trường.

alt
CNTT là một trong những ngành đào tạo quan trọng của trường. Khoa CNTT có các chương trình đào tạo kỹ sư CNTT, thạc sỹ CNTT, tiến sỹ Khoa học máy tính. Bên cạnh đó, còn có các chương trình đào tạo tinh hoa, như kỹ sư Chất lượng cao Việt Pháp, hợp tác với ĐH Polytech Marseille, CH Pháp, chương trình đào tạo kỹ sư CNTT liên kết với ĐH Monash, Úc. Năm 2014 này, Nhà trường cũng đang triển khai mở thêm chương trình tiên tiến ngành CNTT, hợp tác với ĐH Catholics University of America. Và trong những năm qua, Đại học Đà Nẵng và Trường ĐHBK đã xây dựng được nhiều mối quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước trên các lĩnh vực khác nhau về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

- Ảnh trên: Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Khoa báo cáo tại hội thảo.

- Ảnh: P.H.Phát. 

Theo Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình, hợp tác với DN trong lĩnh vực CNTT là một trong những thành tựu nổi bật của Nhà trường. Khoa và Nhà trường đã phối hợp với các DN đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng và phong phú như: các chuyên đề seminars về kỹ thuật, công nghệ mới cho SV; mời chuyên gia DN định hướng nghề nghiệp cho SV; mời chuyên gia DN giảng dạy môn học chính khóa cho SV; chuyên gia DN và giảng viên cùng hướng dẫn sinh viên thực tập; chuyên gia DN tham gia Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp; tổ chức tuần lễ DN và SV CNTT hằng năm...

Theo điều tra của Nhà trường, trong những năm gần đây, sinh viên ngành CNTT của Nhà trường có tỷ lệ tìm được việc làm đạt tỷ lệ cao nhất so với các ngành nghề khác.

alt

Biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa đại diện Công ty Game Loft với lãnh đạo nhà trường ngay tại buổi Lễ.

-Ảnh: T.Ngọc.

Chân tình và thẳng thắn vì chất lượng nguồn lực

Trước sự cởi mở, chân thành từ “lò đào tạo” và những người Thầy; các DN và cơ quan quản lý cũng đã thẳng thắn đónggóp các ý kiến đầy trách nhiệm.

TS.Nguyễn Quang Thanh-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông gợi ý: Cần mềm hóa chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Linh hoạt tổ chức đào tạo theo đơn đặt hàng của DN. Do điểm yếu nhất vừa qua và hiện nay của các kỹ sư CNTT chúng ta là ngoại ngữ, việc mềm hóa cũng có thể nghĩ đến mô hình cử nhân ngoại ngữ + 2 năm CNTT (và chọn chuyên ngành phù hợp). Ngoài ra, ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, phải thường xuyên trang bị và huấn luyện kỹ năng. Thực tế, các em rất thiếu ý thức và gần như chưa có sự chuẩn bị để hội nhập vào một môi trường làm việc. Và một biểu hiện dễ thấy nhất đó là ý thức kỷ luật của các em còn kém.

alt

Phần trình bày của TS.Nguyễn Quang Thanh-Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

-Ảnh: T.Ngọc.

Ông Quách Hữu Thuận-Giám đốc kỹ thuật QGS- cũng rất đồng tình với nhận xét trên. Theo ông Thuận, những yếu kém về kỹ năng làm việc cũng như ngoại ngữ của lao động trẻ hiện nay đã kéo năng lực sản xuất của nhiều DN phần mềm chỉ dừng lại ở mức gia công. Mà theo ông Thuận, ngay cả gia công thôi, cũng thiếu nhân lực. Ông Thuận lưu ý nên bổ sung vào chương trình đào tạo kiến thức và kỹ năng phát triển các ứng dụng di động, vì đó là xu thế. Lao động chuyên ngành CNTT của chúng ta hiện tại chưa bắt kịp.

alt
Đại diện VNCert tại miền Trungcũng là cựu SV BK Đà Nẵng.-Ảnh: T.Ngọc.

Chia sẻ bất cập liên quan đến nguồn lực, khiến ngành công nghiệp phần mềm Đà Nẵng chỉ mới “bán sức lao động” là chính, đại diện CTCP Softech đã đề cập đến một hạn chế khác của lao động chuyên ngành CNTT. Đó là rất lười cập nhật kiến thức mới, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn để thích nghi với sự thay đổi và tiến bộ rất nhanh của CNTT. Chính điều này đã làm cho lực lượng lập trình viên trẻ chúng ta ít động não dần đi và không có thói quen nghiên cứu, phát triển và sáng tạo.

Tình hình ngoại ngữ thì gần đây có cải thiện - ông Lê Hoàng Hùng - Giám đốc Điều hành công ty Enclave – một trong những lãnh đạo DN rất tâm huyết với đào tạo nguồn lực, rất quan tâm đến SV, nhiều lần, ông đến tận trường học để ngồi ở ghế tuyển dụng, nói. Tuy nhiên “cái bệnh” đi làm theo kiểu đi học như hồi còn SV vẫn còn xảy ra. Các em chưa ý thức rằng, mình là một mắt xích trong quy trình sản xuất dây chuyền. Nhiều bạn khá thoải mái với giờ giấc làm việc. Đi trễ, đến cơ quan trong trạng thái còn ngái ngủ … thậm chí nghỉ việc vì lý do…thấy mệt mệt.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCert) tại miền Trung thì đề nghị mở mới chuyên ngành An toàn thông tin, bởi đây là một ngành rất cần. Hiện tại chúng ta đang sử dụng kỹ sư Mạng hay chuyên viên Quản trị Mạng vào lĩnh vực An toàn thông tin. Rõ ràng, đã chưa đánh giá hết tác hại của tình trạng mất an toàn thông tin; và dứt khoát chỉ có những người được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này mới bảo toàn cho cả hệ thống.

"Chúng tôi xác định, Hội thảo lần này chính là cơ hội để Nhà trường và DN cùng trao đổi, thảo luận nhằm thúc đẩy và mở rộng hơn nữa các mối quan hệ, hợp tác. Chúng tôi mong muốn được lắng nghe càng nhiều, càng tốt ý kiến, đóng góp thẳng thắn, chân tình từ các DN sử dụng nguồn nhân lực CNTT.

Điều này rất bổ ích và đáng quý, bởi thông qua đó, nhà trường có sự điều chỉnh, tăng cường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo SV. Và mặt khác, cũng chính điều này sẽ tác động trở lại, góp phần vào sự phát triển của Nhà trường và của chính DN – Phó GS.TS Lê Kim Hùng-Hiệu trưởng ĐH Bách khoa nói dứt khóat.

Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng khoa CNTT đề xuất: Nhà trường và DN cùng ký kết hợp tác hai bên phối hợp đào tạo theo phương thức 4 năm rưỡi, các em SV được đào tạo đúng quy trình (từ kiến thức cơ bản, cơ sở ngành, đến chuyên ngành và kỹ năng) của nhà trường. 6 tháng cuối của quá trình đào tạo là sự tham gia của DN.

Các em sẽ được những người “Thầy của thực tiễn” đào tạo từ kỹ năng mềm, môi trường và văn hóa DN đến kiến thức/lĩnh vực công nghệ đặc thù. Các Tân Kỹ sư sẽ phải trải qua thực hiện một dự án thử nghiệm / luận văn (thesis) và chính DN (sẽ có Hội đồng) đánh giá và tuyển dụng. Theo Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình, nếu hoàn thiện được quy trình này, DN sẽ không phải “đào tạo lại” vừa mất thời gian (ít nhất từ 2 đến 8 tháng) của DN và cả SV, vừa tốn kém chi phí cho DN.

Hội thảo “Quan hệ Nhà Trường & DN CNTT” diễn ra hôm 22/3 vừa qua bao hàm 6 nội dung chính:

alt

“Báo cáo các chương trình đào tạo và NCKH của Khoa CNTT” do PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa CNTT trình bày. Tham luận “Nhân lực CNTT Đà Nẵng – Cơ hội và thách thức” (TS. Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, TP Đà Nẵng). Tham luận “Phát triển quan hệ giữa DN và Nhà trường” (của Giám đốc FPT Software Đà Nẵng, ông Nguyễn Tuấn Phương) và tham luận “Giáo dục theo phương pháp Agile” (do ông Đặng Ngọc Hải – Giám đốc Axon Active Đà Nẵng trình bày).

Một phần lớn nội dung hội nghị được dành cho phiên thảo luận mở các nội dung: Tình hình đào tạo CNTT, yêu cầu của DN về tuyển dụng, các khả năng hợp tác trong đào tạo, các khả năng nghiên cứu khoa học, kế hoạch tổ chức 35 năm kỷ niệm ngành CNTT.

Nhiều đại biểu đồng tình với đánh giá Hội nghị rất nghiêm túc, không tổ chức để “làm cho có làm”. Và ngay tại Hội thảo, đã có 3 ghi nhớ hợp tác được ký kết.

alt
Thay mặt nhà trường, Phó GS.TS Lê Kim Hùng đã lần lượt Ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Trường ĐHBK với FPT Software Đà Nẵng (ảnh trên), và với Công ty Axon Active Viet Nam (ảnh kết bài). - Ảnh: T.Ngọc.