DHBK

“Chẩn đoán” ngập úng đô thị Tam Kỳ và vùng phụ cận

29/11/2021 16:50

Hôm qua (25.11), UBND tỉnh phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Đánh giá hiện trạng và xác định nguyên nhân ngập lụt TP.Tam Kỳ và vùng phụ cận”. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và PGS-TS. Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đồng chủ trì hội thảo.

Đô thị bất lợi trong thoát lũ

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: H.P

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: H.P

Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện tượng ngập lụt đô thị Tam Kỳ và vùng phụ cận là do ảnh hưởng của đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Thực tế những năm gần đây, hễ xảy ra các trận mưa lớn diện rộng thì các đường phố, khu dân cư trên địa bàn Tam Kỳ  lại ngập sâu. Tại Tam Kỳ và vùng phụ cận mưa lớn thường xảy ra từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 12 hàng năm.

Hễ mưa lớn liên tục là đô thị Tam Kỳ ngập lụt. Ảnh: ĐT.

Hễ mưa lớn liên tục là đô thị Tam Kỳ ngập lụt. Ảnh: ĐT

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam thống kê, giai đoạn 1999 - 2021, trên sông Tam Kỳ đã xuất hiên 14 đơt lũ lụt (trung bình 2 năm xảy ra 1 đợt lũ lụt). Ngoài trận lũ lịch sử tháng 11.1999, thì các năm 2018, 2020 và 2021 liên tiếp xuất hiện lũ trên báo đông 3, gây ra ngập lụt diên rộng.

Khu vực đường Phan Châu Trinh giao với Điện Biên Phủ ngập sâu trong đợt lũ cuối tháng 10.2021. Ảnh: H.Q

Khu vực đường Phan Châu Trinh giao với Điện Biên Phủ ngập sâu trong đợt lũ cuối tháng 10.2021. Ảnh: H.Q

Theo các chuyên gia thủy lợi, yếu tố địa hình và hình thái mạng lưới sông suối đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì nó có khả năng tiêu thoát lũ tự nhiên. Lòng sông chính Bàn Thạch bắt nguồn từ vùng Ngọc Phô chạy gần như song song với sông Trường Giang sau đó 2 sông nhập lưu trước khi đổ ra biển qua Cửa Lở (Núi Thành).

So với các hệ thống sông trong khu vực miền Trung như sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Hương (Huế), sông Thạch Hãn (Quảng Trị), Sông Hiếu (Nghệ An) đều thoát lũ theo hướng Tây sang Đông, thì hướng thoát lũ của sông Trường Giang, Bàn Thạch rất bất lợi do địa hình thu và thoát nước lưu vực sông có hình lòng chảo thấp dần theo hướng Bắc Nam.

PGS-TS. Nguyễn Chí Công (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Chủ nhiệm đề tài “Đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP.Tam Kỳ trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu”) nhận diện được nhiều yếu tố bất lợi gây ngập lụt cục bộ đô thị Tam Kỳ và vùng phụ cận. Theo ông, Tam Kỳ với hướng kiến tạo tự nhiên bất lợi cho tiêu và thoát lũ. Bằng chứng là độ dốc sông bé (I<0,013%); cao trình đáy sông thấp (-2,0 đến - 0,6m); cộng với việc chịu tác động trực tiếp mực nước triều.

PGS-TS. Nguyễn Chí Công phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.P

PGS.TS. Nguyễn Chí Công phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.P

Ngập sâu do dở dang hạ tầng kỹ thuật?

Điều dễ nhận thấy là dù thành phố xây dựng các hạng mục kè sông, hồ điều tiết nước nhưng các công trình này gần như không phát huy hiệu quả khi có lũ ngoài sông và mưa lớn trên đô thị. Thực tế các dự án khớp nối hạ tầng kỹ thuật tại đô thị Tam Kỳ đầu tư dở dang, thiếu đồng bộ. Điển hình là khối phố Mỹ Thạch Trung (phường Hòa Thuận) ngập triền miên cả chục năm nay mỗi khi xảy ra mưa lớn liên tục.

Đô thị Tam Kỳ chìm trong biển nước: Ảnh: ĐT.

Đô thị Tam Kỳ chìm trong biển nước: Ảnh: ĐT

Theo UBND TP.Tam Kỳ, ngập úng ở khu phố Mỹ Thạch Trung do chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng mà ở đây là đường ống dẫn nước ra các hệ thống thoát nước chung của thành phố. Cho nên, xử lý căn cơ phải đầu tư dự án khu dân cư – tái định cư ở đây, giải tỏa trắng các hộ dân bị ảnh hưởng.

Chính quyền TP.Tam Kỳ cho rằng, khi mực nước sông Bàn Thạch dâng 2,5m thì hệ thống thoát nước thành phố không thoát được ra sông Bàn Thạch tại các cửa thoát trên đê Bàn Thạch, đường Bạch Đằng. Vì vậy, sẽ ngập úng tại các vị trí trũng thấp trên toàn đô thị.

Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh cho biết, các dự án đã được đầu tư đầu tư xây dựng  trong vài năm gần đây như đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai; đường Điện Biên Phủ; dự án Khu phố chợ Chiên Đàn…, đã ảnh hưởng đến tình hình ngập lụt Tam Kỳ.

Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Bùi Ngọc Ảnh:

 
 

 

Thêm vào đó, lượng nước ngoại lai từ các huyện Thăng Bình và Phú Ninh chảy về các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Tam Kỳ, Trường Giang quá lớn.

“Các khu dân cư và các tuyến đường có cao trình từ 3m trở xuống thì thường xuyên ngập khi có triều cường và mưa lớn do mực nước sông cao nên khả năng thoát của các cống đấu nối với sông Bàn Thạch giảm. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đó có hệ thống thoát nước và chống ngập úng không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị, cùng với hệ thống thoát nước cũ, nhỏ dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu thoát nước” – ông Ảnh lý giải.

PGS.TS. Nguyễn Chí Công phân tích thêm, năng lực tiêu thoát lũ của hệ thống sông, do lòng sông bị thu hẹp và trữ lượng nước bị suy giảm từ việc san lấp và nâng cao mặt bằng vùng trũng thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập sâu ở Tam Kỳ.

Đề xuất giải pháp “trị thủy”

Cơ chế ngập lụt nội đô Tam Kỳ hiện nay là khi mực nước sông Tam Kỳ - Bàn Thạch dâng cao hơn cao trình các cửa xả số 1, 2 và số 3 thì nước mưa trong nội đô khó tiêu thoát ra sông dẫn đến ngập úng trong nội đô. Còn cơ chế gây ngập lụt vùng phụ cận phía đông và phía bắc Tam Kỳ như hiện nay là do lưu lượng trên sông Bàn Thạch từ Thăng Bình tập trung về đoạn từ cầu Vạn Long đến kè Bàn Thạch (đoạn 1) và ngã ba Sông Đầm là quá lớn trong khi lòng dẫn thoát lũ đoạn này bị thu hẹp nên lũ không thoát kịp và gây ngập diện rộng.

Dòng dẫn sông bị thu hẹp khiến thoát lũ cho đô thị Tam Kỳ và vùng phụ  cận thêm khó khăn.

Dòng dẫn sông bị thu hẹp khiến thoát lũ cho đô thị Tam Kỳ và vùng phụ cận thêm khó khăn.

Đề xuất giải pháp chống ngập, PGS-TS. Nguyễn Chí Công cho rằng, thành phố phải xác định hành lang thoát lũ cho sông Tam Kỳ, Bàn Thạch, sông Đầm và Trường Giang, để đảm bảo thoát được lưu lượng lũ thiết kế ứng với một tần suất lũ nhất định. Việc xác định hành lang thoát lũ cho lưu vực sông vùng nghiên cứu là tính toán bề rộng mặt cắt ngang đoạn sông để đảm bảo thoát được lưu lượng lũ thiết kế.

Thêm vào đó, cần xác định mực nước gia tăng tại mặt cắt tính toán khi có các công trình, khu dân cư để làm cơ sở xác định cao trình quy hoạch chống lũ và quy hoạch khu dân cư. Một giải pháp khác mà Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đề cập là phân lũ và kiểm soát lũ trên sông Bàn Thạch và vũng trũng phía tây Tam Kỳ.

“Chúng tôi đề xuất hạ thấp mực nước lũ trên sông Bàn Thạch bằng hình thức phân lũ từ sông này tại khu vực Thăng Bình về sông Trường Giang nhằm giảm lưu lượng tập trung về sông Bàn Thạch đoạn đầu thành phố như hiện nay. Phân lũ từ hồ sông Đầm sang sông Trường Giang. Mặt khác, cần kiểm soát lũ từ lưu vực trũng phía tây đường Nguyễn Hoàng và đường sắt Bắc – Nam đổ về các hồ Nguyễn Du, Duy Tân và hồ Ngã Ba bằng cách chuyển hướng dòng chảy ra sông Tam Kỳ và suối Tây Yên”, PGS-TS. Nguyễn Chí Công nêu giải pháp.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, xác định căn nguyên dẫn đến tình trạng ngập lụt ở Tam Kỳ và vùng phụ cận là công việc đòi hỏi mang tính khoa học, cần tranh thủ ý kiến phản biện đa chiều của các chuyên gia xây dựng, thủy lợi và nhiều ngành liên quan khác nhau.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, cần đưa ra từng giải pháp công trình và giải pháp phi công trình mới giải quyết bài toán chống ngập cho đô thị Tam Kỳ và vùng phụ cận. Ảnh: H.P

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng cần đưa ra từng giải pháp công trình và giải pháp phi công trình mới giải quyết bài toán chống ngập cho đô thị Tam Kỳ và vùng phụ cận. Ảnh: H.P

“Ngập lụt Tam Kỳ cần phải đánh giá trên lưu vực rộng từ khu vực phía bắc đến phía nam, gồm cả Thăng Bình, Núi Thành và Phú Ninh và căn cứ chuỗi số liệu lụt 3 năm gần đây, xa hơn 6 năm trước. Tính toán cụ thể, đầy đủ giải pháp công trình và giải pháp phi công trình  mới giải quyết bài toàn chống ngập cho đô thị Tam Kỳ và vùng phụ cận một cách có khoa học và lâu dài” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kết luận tại hội thảo: 

 
 

 

UBND TP.Tam Kỳ kiến nghị, tỉnh cần sớm nạo vét, khơi thông dòng chảy các sông Trường Giang, Tam Kỳ, Kỳ Phú, Bàn Thạch để tăng khả năng thoát lũ ra cửa An Hòa (Núi Thành). Đầu tư dự án nâng cao năng lực thoát nước lũ cho Tam Kỳ, trong đó gồm các danh mục nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước nội thị; hồ điều tiết và kênh chỉnh dòng thoát nước phía tây nội thị; cải thiện năng lực thoát lũ hồ Sông Đầm ra sông Trường Giang; xây kè và đường ven sông Tam Kỳ với tổng nguồn vốn cần khoảng 1.851 tỷ đồng.

Nguồn: HỮU PHÚC - Báo Quảng Nam