DHBK

Đại học Bách khoa Đà Nẵng đáp ứng nguồn nhân lực cho yêu cầu chuyển đổi số, bài 1

12/04/2021 21:26

Suy nghĩ, chia sẻ từ góc nhìn một Giảng viên, Chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo


Với sự hướng dẫn của Giảng viên, sinh viên Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến-Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng thực hành mạch và hệ thống nhúng

Công nghệ luôn luôn là lực đẩy kiến tạo nên chất lượng sống tốt hơn, giá trị mới hữu ích hơn của hoạt động sản xuất và kinh doanh, chia sẻ dịch vụ. Tất cả các cuộc cách mạng trong lịch sử đều bắt đầu từ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm gia tăng năng suất và tạo ra những thặng dư mới vượt trội.

Chuyển đổi số – sứ mạng của dân tộc Việt Nam muốn thành công hay không dứt khoát phụ thuộc vào trình độ và năng lực khoa học công nghệ của Việt Nam.

Tôi cũng như toàn thể giảng viên các Khoa, đội ngũ cán bộ quản lý và nghiên cứu của trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, luôn luôn ý thức tầm quan trọng và trách nhiệm của chính mình. Vì sự phát triển của Đà Nẵng nói riêng và miền Trung và Việt Nam nói chung về khoa học công nghệ.

Trong quá khứ, trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng và các trường đào tạo khoa học kỹ thuật khác tại Đà Nẵng đều luôn đặt mục tiêu “phải trang bị lượng kiến thức khoa học và công nghệ tiên tiến nhất cho sinh viên”.


Tác giả bài viết: Tiến sỹ Nguyễn Quang Như Quỳnh trình bày tham luận tại lễ phát động Chương trình bình chọn, trao tặng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards” năm 2021 (VDA 2021), diễn ra ngày 6/4/2021, tại Khu Công viên Phần mềm Đà Nẵng (do Hội Truyền thông số Việt Nam – VDCA – tổ chức).

Hướng tới tương lai, bên cạnh những đòi hỏi đó, tôi nghĩ rằng: Chúng tôi còn phải nâng tầm lên (cả kiến thức chuyên môn lẫn năng lực truyền đạt kiến thức cho sinh viên) để tạo nên một lực lượng nhân lực khoa học công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của công cuộc chuyển đổi số.

Đích đến thì đã rõ như lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam phải có khả năng kiến tạo và làm nên những sản phẩm công nghệ Make in Vietnam giúp cho Việt Nam tự chủ trong lĩnh vực công nghệ cao.


Nhà trường phải tạo nên lực lượng nhân lực khoa học công nghệ cao, đáp ứng đòi hỏi của chuyển đổi số.

Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến-Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng gồm có các chương trình đào tạo: Chương trình tiên tiến Việt – Mỹ ngành Ngành Điện tử Viễn thông, Hệ thống nhúng và IoT được giảng dạy bằng tiếng Anh và Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt – Pháp (PFIEV) gồm 03 chuyên ngành: Sản xuất tự động; Tin học công nghiệp; và Công nghệ phần mềm.

Đáp ứng đòi hỏi và cũng là mong muốn đó, ở góc nhìn của một giảng viên giảng dạy chuyên ngành Điện tử-Viễn thông, và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tôi nhận thấy cần tập trung những điểm sau để tạo ra những đột phá đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số: Xây dựng chương trình đào tạo chuẩn (1) ; Gắn kết với doanh nghiệp công nghệ, cơ sở sản xuất công nghiệp (đã và đang ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật, đang từng bước thực hiện chuyển đổi số) đưa công nghệ mới, quy trình quản lý – vận hành mới (kể cả xu hướng mà thị trường đang cần) đến Thầy cô và sinh viên (2). Qua trình này theo tôi phải bảo đảm liên tục. Muốn không lạc hậu, chậm chân, cả Thầy lẫn trò phải thường xuyên cập nhật “thời sự công nghệ – giải pháp”.


“Thầy và trò thường xuyên cập nhật “thời sự công nghệ – giải pháp”

Một điều không thể thiếu trong chương trình hành động của Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng nói riêng, các Trường có đào tạo các chuyên ngành khoa học – công nghệ và kỹ thuật nói chung, là phải thúc đẩy và hỗ trợ các trường cấp THPT trong định hướng các bạn học sinh giỏi (khoa học tự nhiên) yêu và thích công nghệ (3).

2 năm vừa qua, Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng chúng tôi đã đưa ngày hội sáng tạo khoa học – công nghệ về tổ chức tại trường THPT Phan Châu Trinh, là nhằm hiện thực hóa mục tiêu hành động nói trên. Nhà trường tổ chức Hội nghị SV NCKH và triển lãm BKDN Techshow tại Trường THPT Phan Châu Trinh nhằm lan tỏa các hoạt động này đến học sinh THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng nhằm khơi gợi lòng yêu khoa học công nghệ và nhiệt huyết đổi mới sáng tạo trong học sinh – đầu vào của nhân lực công nghệ trong tương lai.

TS Nguyễn Quang Như Quỳnh
Khoa Khoa học Công nghệ Tiên tiến
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng