Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

5 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng GD Đại học

13/01/2017 02:47

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng Giáo dục Đại học”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, chất lượng GD ĐH của chúng ta thời gian qua phải khẳng định là có nhiều kết quả tích cực. Tại đây, Bộ trưởng cũng đã đưa ra 5 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng GD ĐH trong thời gian tới.

alt

Ngày 7/1, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học”.  Tại hội nghị, 271 đại biểu đứng đầu các cơ sở đào tạo trên cả nước đã tập trung ba vấn đề lớn, có ý nghĩa quyết định tới chất lượng đào tạo ĐH gồm: Đổi mới quản trị ĐH và thực hiện tự chủ các trường ĐH; các giải pháp đảm bảo chất lượng, thực hiện kiểm định chất lượng trong toàn hệ thống; đổi mới phương pháp đào tạo, kết nối với nhà sử dụng lao động để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp... nhằm nâng cao chất lượng giáo giáo dục đại học (GDĐH).

Phát biểu chỉ đạo tại HN, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, “Đây là Hội nghị của những người trong cuộc, cùng nhau nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan để nhìn nhận, đánh giá rút kinh nghiệm qua đó tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng GD ĐH”.

Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng Chất lượng GD ĐH đã có những bước chuyển tích cực, một số trường, ngành có đột phá (chương trình tiên tiến, chất lượng cao). Tuy nhiên xét trong một số trường, một số ngành chất lượng đào tạo vẫn chưa đồng đều. Xét theo yêu cầu của thị trường và nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta vẫn chưa theo kịp. Sinh viên ra trường còn thất nghiệp hoặc rất khó khăn trong tìm việc. Những bất cập yếu kém của chất lượng GD ĐH bộc lộ ngày càng rõ khiến xã hội lo ngại và bức xúc.

Lý giải nguyên nhân chính của tồn tại này ở góc độ trách nhiệm của nhà cung cấp nguồn nhân lực, Bộ trưởng cho rằng có 3 nguyên nhân chính: Đó là đội ngũ cán bộ giảng viên chưa đáp ứng năng lực, cơ sở vật chất không đảm bảo, kinh phí đầu tư để đào tạo cho một sinh viên quá thấp. Thực tế ở Việt Nam hiện nay tính chi phí đào tạo khoảng 500 USD/sinh viên/năm; trong khi các nước chi phí đào tạo khá cao như ở Mỹ khoảng 16 nghìn USD (trường công), 36 nghìn USD (trường tư).

Hệ thống chính sách giáo dục còn bất cập, năng lực quản trị ĐH còn kém. Đối với vấn đề đào tạo, hiện nay chủ yếu các trường dựa vào kinh nghiệm, nguồn lực vốn có của mình khi xây dựng các chương trình đào tạo. Điều này dẫn đến việc nhiều ngành đào tạo có thế mạnh trước đây thì hiện nay tuyển sinh khó khăn, còn những ngành mới thị trường đang có nhu cầu lại không đào tạo, khiến cho sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường thất nghiệp ngày một nhiều. Điều đó cho thấy cách tiếp cận đào tạo hiện nay của các trường không còn phù hợp.

Yêu cầu đặt ra phải nâng cao chất lượng GD ĐH, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đã cấp bách, không thể chậm trễ hơn nữa. Nhất là khi Việt Nam đã hội nhập thị trường lao động với các nước ASEAN.

Xuất phát từ quan điểm trong lộ trình nỗ lực nâng cao chất lượng GD ĐH, cả trường công lập và ngoài công lập đều cùng phải đồng hành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã vạch ra 5 nhóm giải pháp để chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống GD ĐH, khắc phục những bất cập yếu kém để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, gắn đào tạo với nhu cầu, tạo việc làm cho sinh viên.

Nhóm giải pháp thứ nhất, tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống các trường ĐH.

Coi đây là giải pháp căn cơ cấp bách và lâu dài, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, “Để thực giải pháp này, các trường phải tiến hành kiểm định.

Dự kiến, từ nay đến t6/2017 sẽ tiếp tục triển khai kiểm định các trường theo bộ tiêu chí kiểm định đã ban hành. Đến tháng 1/2018 sẽ tiến hành kiểm định theo tiêu chí AUN. Đồng thời, cùng với những đánh giá của thị trường, kết quả kiểm định chính là phương thức phân tầng xếp hạng thay vì hành chính.

Song song với kiểm định, Bộ sẽ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH một cách mạch lạc. Với các trường không trực thuộc Bộ chủ quản, sẽ khuyến khích đẩy mạnh tự chủ, theo lộ trình.

Nhóm giải pháp thứ 02 là tăng cường các yếu tố đảm bảo chất lượng gồm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất. Với đội ngũ giáo viên, sẽ tiến hành rà soát, quy hoạch lại ngành nghề để tính cơ số giáo viên trên nguyên tắc hợp lý, có lộ trình chuyển đổi, ưu tiên đầu tư cho những ngành mới triển vọng.

Bên cạnh việc xây dựng Đề án tăng cường năng lực giảng viên, Bộ cũng sẽ ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí từ đề án 911 để đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường ĐH, không phân biệt công tư. Ngoại trừ một số trường thực hiện nhiệm vụ chính trị sẽ được ưu tiên hơn, tất cả các trường còn lại đều tham gia thị trường giáo dục, cạnh tranh một cách lành mạnh”.

Xây dựng chuẩn về trình độ, bằng cấp cho giáo viên và đội ngũ lãnh đạo các trường. Không chỉ đội ngũ giảng viên, đội ngũ lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường, Phó hiệu trưởng…) cũng phải được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đạt chuẩn.

Riêng với trường công lập, đội ngũ cán bộ kế cận phải qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, được cấp chứng chỉ mới được đưa vào quy hoạch nhân sự lãnh đạo.

Vấn đề thứ 3 trong nhóm giải pháp này là tài chính. Bộ trưởng yêu cầu các trường phải cân đối chất lượng với giá, đi sâu vào chất lượng, không chạy theo số lượng. Với các trường công, Bộ trưởng yêu cầu khi xây dựng giá học phí phải có lộ trình, không đẩy giá không đúng với chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng. Đa dạng hóa nguồn thu, không chỉ tập trung vào một nguồn thu từ học phí như hiện nay (chiếm tới 95-97%)

Nhóm giải pháp thứ 3, đó là đẩy mạnh quản trị ĐH theo hướng tự chủ. Bộ trưởng yêu cầu các trường tự rà soát lại các ngành đào tạo trên cơ sở bám sát thị trường lao động, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ tầm nhìn 5-10 năm theo hướng chuyển từ từ thâm dụng lao động rẻ sang thâm dụng khoa học công nghệ.

Nhóm giải pháp thứ tư liên quan đến chính sách cơ chế. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đây là giải pháp là căn bản, nền tảng cho 03 nhóm giải pháp đã nêu trên. Theo đó, ngành GD sẽ rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới GD nói chung, GD ĐH nói riêng, mà trọng tâm 3 nhóm vấn đề đã nêu ở trên.

Nhóm giải pháp cuối cùng là truyền thông để định hướng xã hội, tuyên truyền, giải thích phân tích chính sách, giới thiệu quảng bá các thành tựu và bảo vệ những điểm mạnh của trường trước những luận điểm thông tin sai trái. Mỗi trường ĐH phải xây dựng một bộ phận truyền thông chuyên nghiệp.

Trung tâm Truyền thông giáo dục