Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Vườn ươm hạt giống tương lai

19/08/2017 05:08

Lâu nay, thực trạng thừa thầy thiếu thợ trong việc phát triển nguồn nhân lực vẫn như bài toán ngỏ, thì có một “con thuyền” vẫn kiên định với dòng chảy định hướng đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao cho khu vực Miền Trung và Tây Nguyên nói riêng và đất nước nói chung

Con thuyền đó mang tên “Đại học Bách Khoa thuộc Đại học Đà Nẵng” và người thuyền trưởng vững tay chèo đó chính là NGƯT.GS.TS Lê Kim Hùng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nhà trường 

DẤU ẤN SỰ NGHIỆP TRỒNG NGƯỜI, CẤY NGHIỆP:

Như một cơ duyên với sự nghiệp trồng người, NGƯT.GS.TS Lê Kim Hùng - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa thuộc Đại học Đà Nẵng hôm nay đã tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ nhà giáo quản lý, đoàn kết chèo lái con thuyền ngày một phát triển. Dấu ấn hơn 40 năm qua thật nhiều ý nghĩa, từ một trường đại học được thành lập sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tới nay Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng đã đào tạo cho đất nước hàng chục vạn kỹ sư, các nhà quản lý và sư phạm trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ… qua đó khẳng định được vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục Việt Nam. 

Những năm qua, điều mà nhiều thế hệ trẻ cũng như nhân dân miền Trung và Tây Nguyên luôn định hướng cho con cháu mình phải không ngừng học tập và chọn nghề lập nghiệp chính là điểm đến: Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng. Giờ đây trường ngày một tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ, đổi mới căn bản mục tiêu, nội dung chương trình và phương pháp dạy - học. Số lượng các chương trình đào tạo đại học và sau đại học liên kết với nước ngoài ngày càng tăng, tạo điều kiện cho đông đảo sinh viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Hiện nay, nhà trường có quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với trên 50 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức giáo dục của hơn 20 quốc gia trên thế giới, là thành viên của nhiều tổ chức mạng lưới đại học quốc tế. Thông qua hợp tác quốc tế, hàng năm đã có rất nhiều lượt cán bộ và sinh viên có cơ hội ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Đặc biệt, sinh viên của trường đã đạt nhiều giải cao trong các đợt thi khoa học kỹ thuật trong nước và giao lưu quốc tế.

Trước xu thế hội nhập và phát triển, Ban Giám hiệu trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng luôn quan tâm tạo điều kiện để giảng viên và sinh viên nâng cao năng lực ngoại ngữ và tăng cường giao lưu hợp tác. Tầm nhìn của những người lãnh đạo đã đem lại hiệu quả nhiều mặt cho nhà trường như nâng cao rõ rệt trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và quản lý của đội ngũ CBGV; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ hiện đại, trong đó có những phòng thí nghiệm được tài trợ từ các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước; sinh viên được học tập từ đội ngũ giảng viên nước ngoài, tăng cường giáo dục tác phong công nghiệp và đảm bảo môi trường dạy, học, nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên; hằng năm, nhiều CBGV nhà trường được cử đi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, nhờ vậy, đội ngũ giảng viên đạt trình độ TS của nhà trường đã đạt trên 42%. Đây chính là một mô hình đem lại hiệu quả thực tiễn cao và ngày càng nâng cao học hiệu, uy tín của Trường ĐH Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.

Trường Đại học Bách khoa với vai trò đầu tàu trong hệ thống Đại học Đà Nẵng đã luôn quan tâm gắn kết chặc chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trường là đơn vị tiên phong triển khai mô hình nhóm giảng dạy - nghiên cứu (Teaching Research Team - TRT) nhằm tập trung nguồn lực và nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Thông qua các chương trình đầu tư trọng điểm, Trường Đại học Bách khoa đã xây dựng được nhiều trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại. Kết quả là ngày càng nhiều công trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Bách khoa đã được công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục SCI, SCIE, Scopus, được cấp bằng phát minh sáng chế và ứng dụng trong thực tiễn.

Để đảm bảo chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo, tập thể cán bộ giáo viên nhân viên nhà trường đã khắc phục mọi khó khăn, tập trung và huy động mọi nguồn lực để tạo ra những sản phẩm chất lượng, để nhà trường phát triển vững chắc. Nhờ đó, bên cạnh các mặt công tác của nhà trường ổn định, chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm đạt 92%. “Tiếng lành đồn xa”, học sinh, sinh viên đăng ký dự thi vào trường ngày càng đông.

Nói về những thành quả đạt được của Trường, nhiều đồng nghiệp và các thể hệ học sinh vẫn nhớ tới một nhà giáo chân chính, giản dị khiêm tốn, một nhà quản lý giáo dục giàu kinh nghiệm - GS.TS Lê Kim Hùng. Những năm qua, trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng ngày càng phát triển bề thế, khang trang hiện đại. Từ thực tế xã hội, ông trực tiếp chỉ đạo từng bước xây dựng mô hình liên kết trong lĩnh vực đào tạo kỹ thuật công nghệ với các loại hình doanh nghiệp (DN nhà nước, DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài...) để tranh thủ sự hỗ trợ về công nghệ hiện đại, kỹ thuật mới cùng với việc phối hợp triển khai mô hình Capstone project để sinh viên được thực tập, trải nghiệm thực tế và làm đồ án tốt nghiệp tại doanh nghiệp.

Với bề dày kinh nghiệm đào tạo và nguồn nội lực sẵn có, Ban giám hiệu nhà trường đã luôn bám sát sứ mạng: Là nơi đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ chất lượng cao và cung cấp các dịch vụ khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thành phố Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng.  Trường đã đi tiên phong trong công tác kiểm định chất lượng từ những năm 2008-2009; để hôm nay, thành công tiếp theo là Trường Đại học Bách Khoa thuộc Đại học Đà Nẵng đã được công nhận đạt Chất lượng giáo dục quốc gia theo các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Vào tháng 11/2016, 2 CTTT của nhà trường đã được tổ chức AUN-QA đánh giá là 2 chương trình đạt chuẩn ĐNA với số điểm rất cao, đứng đầu trong 65 CTĐT đã được AUN đánh giá tại Việt Nam. Và vừa qua, tháng 2/2017 đoàn đánh giá và kiểm định chất lượng HCERES Châu Âu cũng đã đến đánh giá ngoài CSGD nhà trường. Trường cũng đã đăng ký kiểm định AUN-QA cho 7 chương trình đào tạo vào năm 2018 và tiến đến kiểm định hai chương trình đào tạo theo chuẩn ABET trong năm 2020.

TRƯỞNG THÀNH TỪ MỘT KỸ SƯ ĐIỆN KỸ THUẬT…


NGƯT GSTS Lê Kim Hùng

NGƯT.GS.TS Lê Kim Hùng sinh năm 1957 trong một gia đình trí thức ở Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, quê hương Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Từ nhỏ, Lê Kim Hùng thể hiện sự yêu thích kỹ thuật, để rồi sau khi tốt nghiệp cấp 3, năm 1975 ông thi đỗ Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, ông chọn chuyên ngành Điện kỹ thuật để học tập. Tốt nghiệp cầm tấm bằng loại giỏi ông được giữ lại trường làm giảng viên tại khoa Điện từ năm 1980. Năm  1991 - 1995  ông được Bộ GD&ĐT cử đi học cao học và làm NCS tại  INPG - Viện Bách khoa Grenoble, Cộng hòa Pháp và năm 1995 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Điện kỹ thuật. Cuối năm này, TS Lê Kim Hùng về nước và được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm khoa Điện - Trường Đại học Bách Khoa. Năm 1997, ông được đề bạt làm Trưởng phòng HCTH. Năm 2000 ông được tín nhiệm bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Khoa Điện. Năm 2002 kiêm làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng. Năm 2005, ông về làm Trưởng Ban Quản lý khoa học và Đào tạo sau đại học; Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Môi trường. Ông là ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Đại học Đà Nẵng, Phó Ban tuyên huấn Đảng ủy (nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020). Tháng 7/2010, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng. Từ cuối tháng 11/2010 đến nay, ông làm Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng. Những năm tháng gắn bó với trường Đại học Bách Khoa cũng như Đại học Đà Nẵng, bên cạnh công tác quản lý, ông vẫn dành thời gian tham gia giảng dạy và NCKH chuyên ngành Điện kỹ thuật. Để rồi những cống hiến của ông cho trường, cho quê hương đất nước được ghi nhận. Năm 2010 Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2014, ông vinh dự được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận Giáo sư. Năm 2015, ông được Thủ tướng tặng danh hiệu CSTĐ toàn quốc và được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Mỗi giai đoạn phát triển của ngôi trường đều có dấu ấn của những người “thuyền trưởng”, trong đó có nhà giáo Lê Kim Hùng. Hơn 35 năm công tác, ông có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học, hàng trăm bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Ông còn chủ biên nhiều giáo trình, sách chuyên khảo phục vụ công tác đào tạo đại học và sau đại học. Trên cơ sở lấy con người làm trung tâm phát triển, ông rất coi trọng việc xây dựng một đội ngũ CBGV có trình độ chuyên môn cao, làm việc hiệu quả. Để xây dựng ngôi trường có chỗ đứng vững chắc nơi thị trường lao động miền Trung và Tây Nguyên “khó tính”, nhà giáo Lê Kim Hùng cùng tập thể lãnh đạo nhà trường không ngừng có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, đào tạo và NCKH, tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng hiệu quả trang thiết bị phục vụ công tác day-học từ nguồn tiết kiệm chi của nhà trường cũng như thường xuyên chăm lo đến hoạt động đoàn thể, đời sống vật chất và tinh thần của CBVC, SV nhà trường. Nhiều thế hệ CBGV, SV nhà trường vẫn nhắc nhớ đến ông với những tình cảm trân trọng và quý mến

Năm nay ông đã bước sang tuổi lục tuần, cả cuộc đời dành cho sự nghiệp trồng người, ông đã thử sức mình trên vai trò giảng viên, quản lý, lãnh đạo - một đời gắn bó với ngôi trường Bách khoa, một quá trình làm việc thật đáng nể! Thành công hôm nay chính là nhờ một triết lý sống mà ông luôn tâm niệm: “Hãy tự tạo ra thời cơ rồi sẽ thành công”. Với những kinh nghiệm quý trong công tác quản lý và giảng dạy, NGƯT.GS.TS Lê Kim Hùng chắc chắn sẽ thành công hơn nữa trong hoạt động chuyên môn sắp đến, tiếp tục góp sức mình vào sự phát triển trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng.

VIỆT HÙNG – TÀO THỦY
Báo http://vietnamhoinhap.vn

Hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Bách Khoa thuộc Đại học Đà Nẵng đã góp sức trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao xây dựng đất nước. Ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu đó, trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, cùng nhiều Bằng khen và Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và Thành phố Đà Nẵng... Nhiều nhà giáo được tặng danh hiệu NGƯT, CSTĐ cấp Bộ, cấp cơ sở và Bằng khen của các cấp, các ngành.

 NGƯT.GS.TS LÊ KIM HÙNG
Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng