Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Không gian Đổi mới dành cho Nhà sáng chế đầu tiên tại Đà Nẵng

15/08/2017 14:17

Chiều ngày 11/8, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ĐH bang Arizona (ASU) và Fablab Đà Nẵng chính thức khai trương Không gian Đổi mới dành cho Nhà sáng chế (hay còn gọi là không gian sáng chế, tên tiếng Anh là Maker Innovation Space), không gian được đặt ngay tại khuôn viên ĐHĐN.


Từ phải sang: Ông Jeffrey Goss – Phó Hiệu trưởng ĐH bang Arizona, GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐHĐN, ông Craig Hart – Phó Giám đốc USAID Việt Nam, ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN cắt băng khai trương Không gian sáng chế

Được biết, đây là không gian sáng chế thứ 2 ở Việt Nam. Trước đó, không gian sáng chế đầu tiên đã được khai trương tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Không gian sáng chế là một phần quan trọng trong Dự án “Xây dựng liên minh các trường ĐH và doanh nghiệp thông qua sáng tạo và đổi mới công nghệ” (BUILD-IT), một dự án kéo dài 5 năm do USAID tài trợ và được thực hiện bởi ASU.

Thông qua việc mở các không gian sáng chế trên cả nước, USAID đặt mục tiêu giúp các thế hệ sinh viên Việt Nam khi tốt nghiệp có khả năng đóng góp cho sự tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ của Việt Nam. Điều này cũng nhất quán với những nỗ lực mà Việt Nam đang thực hiện để cải cách nền kinh tế theo một chiến lược có tầm nhìn đến năm 2035.

Không gian sáng chế - Nơi các giải pháp sáng tạo được phát hiện

Tại Không gian sáng chế này, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại như máy in 3-D, máy cắt laser, xưởng gỗ và kim loại, các bạn sinh viên có thể tự tay thiết kế, thử nghiệm và làm ra các sản phẩm chế tạo. Hỗ trợ cho công việc này còn có cả phần mềm thiết kế tiên tiến, là công cụ đắc lực giúp việc phác thảo các ý tưởng sáng tạo trở nên dễ dàng hơn.

Khi đến không gian này, các bạn sinh viên sẽ có đủ điều kiện để biến những lý thuyết về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học được học trên lớp thành các sản phẩm thử nghiệm. Trong ý tưởng khai sinh Không gian sáng chế, dự án BUILD-IT đã nhấn mạnh, đây sẽ “là nơi được sử dụng để tìm giải pháp công nghệ giúp giải quyết các vấn đề thực tế của thế giới”. Như vậy, bên cạnh chức năng thực hành, Không gian còn mang ý nghĩa là một phòng thí nghiệm các giải pháp và sáng chế. Từ đây, sinh viên Đà Nẵng đã có thêm “không gian riêng” để trau dồi kỹ năng sáng chế và thử nghiệm các công nghệ mới, cũng như tìm kiếm, thực thi những giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết những thách thức phát triển mà cộng đồng đặt ra.


Các đại biểu tham quan Không gian sáng chế tại ĐHĐN

“Thời gian qua, đa số các trường ĐH Việt Nam nói chung, ĐHĐN nói riêng chỉ mới làm tốt hoạt động tuyền bá tri thức, vai trò sáng tạo tri thức và phát triển cộng đồng còn hạn chế. Một trong những lý do quan trọng làm hạn chế những năng lực này, chính là các trường ĐH chưa tạo ra được một môi trường sáng tạo thuận lợi để cán bộ, giảng viên, sinh viên phát huy hết tiềm năng của mình.

Việc đầu tư xây dựng, trang bị một không gian sáng chế như hôm nay chúng ta khai trương là vô cùng cần thiết và đáp ứng mong mỏi của các trường ĐH hiện nay. Được trang bị nhiều máy móc và thiết bị hiện đại, Không gian sáng chế chính là nơi thúc đẩy văn hóa và tinh thần sáng tạo, nơi các bạn sinh viên, giảng viên và các nhóm khởi nghiệp có thể thiết kế, sáng tạo và phát triển những sản phẩm mới. Không gian sáng chế còn là chiếc nôi nuôi dưỡng những phát kiến mới từ tri thức, lý thuyết, từng bước hình thành các sản phẩm công nghệ cụ thể, hữu hình. Từ đó, mới có những đóng góp thiết thực hơn phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội” - GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐHĐN nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ khai trương, ông Craig Hart - Phó Giám đốc USAID Việt Nam chia sẻ: “Tôi có niềm tin rằng, Không gian sáng chế này sẽ nhanh chóng trở thành một địa chỉ cho sự cộng tác và tinh thần làm việc chung giữa các Chuyên gia, các Giáo sư với các bạn sinh viên trong việc triển khai những ý tưởng và cả thử nghiệm. Điều mà tôi hy vọng hơn nữa, là các nhà sáng chế và những người tiên phong về công nghệ của Việt Nam trong tương lai sẽ trưởng thành từ phong trào sáng chế này”. Ông còn cho biết thêm, USAID đã lựa chọn Đà Nẵng để mở cơ sở thứ hai bởi đây là “một thành phố rất năng động, đã chọn đổi mới để phát triển và đây cũng là đóng góp để đổi mới hệ sinh thái khởi nghiệp cho Đà Nẵng”. Bên cạnh đó, với thế mạnh về nghiên cứu sáng tạo của ĐHĐN và Trường ĐH Bách khoa – ĐHĐN, USAID đánh giá cao sự đầu tư đáng kể về công sức, chất xám và nguồn lực mà cả hai đối tác dành cho không gian sáng chế mới này.


Ông Craig Hart - Phó Giám đốc USAID Việt Nam

Đại học Đà Nẵng tiên phong thực hiện các chương trình đổi mới sáng tạo

Tại buổi lễ khai trương, GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐHĐN cho biết thêm, trong năm nay, ĐHĐN sẽ tiếp tục 4 chương trình đổi mới sáng tạo, gồm: “EPICS (Engineering Projects in Community Services) - các dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng”, “iProjects - dự án phối hợp nghiên cứu và phát triển (R&D) giữa kỹ nghệ và nhà trường có ứng dụng thực tiễn”, “GES (Global, English & Specialty) - dành  cho các giảng viên”, và “MEP (Maker to Entrepreneur) - từ sáng chế đến khởi nghiệp”.


GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐHĐN

Trước đó, đầu năm 2017, trong khuôn khổ Dự án BUILD-IT, ĐHĐN đã tổ chức triển khai “thí điểm” cuộc thi “Phụ nữ với các Dự án Kỹ thuật Phục vụ Cộng đồng” (WEPICS) – cuộc thi yêu cầu mỗi một nhóm dự án phải do một nữ sinh viên hoặc giảng viên thuộc khối ngành STEM dẫn dắt. Đã có trên 65 dự án đăng ký tham gia. Thông qua cuộc thi này, các sinh viên, các kỹ sư, doanh nhân và giảng viên khối ngành STEM có thêm cơ hội để hợp tác nhằm thiết kế, xây dựng và tạo ra các nguyên mẫu cho các giải pháp mang tính đổi mới xã hội hoặc ứng dụng xây dựng doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của các cộng đồng địa phương. Đây có thể xem là một ví dụ tuyệt vời cho thấy cách thức Không gian sáng chế có thể cung cấp một cơ chế bền vững nhằm gia tăng năng lực của các lứa sinh viên hiện tại và tương lai trong việc phát minh - xây dựng - triển khai các giải pháp cho các vấn đề mà chúng ta đã biết, quan trọng hơn là các vấn đề mà thậm chí con người chúng ta vẫn chưa hình dung được. Các ý tưởng đổi mới của các bạn sinh viên trẻ làm việc trong không gian này sẽ giúp tạo ra giá trị cho đất nước và con người Việt Nam.


Các sản phẩm công nghệ - sáng tạo thu hút cả sự quan tâm của các bạn nữ

Phó Giám đốc USAID Việt Nam, ông Craig Hart cũng chia sẻ thêm: Công nghệ đã và đang làm biến đổi mọi thứ mà chúng ta đã biết… các nước và những người theo đuổi sáng tạo bao giờ cũng ở vị trí dẫn đầu. Các nhà sáng chế chính là những người định hình cho những biến đổi này. Và nhà trường, các trung tâm đào tạo bậc cao chính là nơi bắt đầu, khơi nguồn cho những đổi mới, sáng tạo, đến các phát minh, sáng chế”. Điều này cũng hướng đến một mục tiêu có tính bao trùm, đó là mỗi sinh viên ra trường đều có khả năng dẫn dắt sự tăng trưởng dựa trên công nghệ.

Với tầm nhìn đó, Không gian sáng chế được khai trương sẽ là nơi cung cấp nguồn lực (thông qua phương tiện, máy móc và vật tư) cho giảng viên và sinh viên để triển khai các môn học, hay thực hiện các dự án. Cũng tại đây, các giảng viên có thể xây dựng và triển khai môn học, các hội thảo dựa trên một dự án ứng dụng dành cho sinh viên. Không gian sáng chế cũng là nơi sẽ lan tỏa và tạo ảnh hưởng nhằm thúc đẩy việc kiến tạo văn hóa đổi mới, các kỹ năng nghề nghiệp, sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Các cuộc thi mà doanh nghiệp khởi xướng dành cho sinh viên đều có thể triển khai ngay tại không gian này.

Được biết, “Không gian sáng chế” là thành quả sau 20 tháng kể từ ngày thực hiện sự kiện “Hội nghị sáng chế dành cho Maker” (tháng 11/2015) và là kết quả của quá trình hợp tác chặt chẽ về hoạt động và tầm nhìn cho đổi mới sáng tạo của 4 đối tác chính là USAID, ASU, ĐHĐN và Fablab Đà Nẵng.


Không gian sáng chế tại ĐHĐN

Bên cạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, với tư cách là một trung tâm khoa học, kỹ thuật, công nghệ ở miền Trung, ĐHĐN cam kết hoàn thành sứ mệnh “đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn chuyên môn... kịp thời giải quyết về những vấn đề nảy sinh trong sản xuất và đời sống ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên”.

Dự án BUILD-IT được bắt đầu được triển khai vào cuối năm 2015 và chính thức ra mắt trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam vào tháng 5/2016.

Dự án BUILD-IT được thiết kế với mục tiêu giúp Việt Nam hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học (STEM). Với trên 16 đối tác là các tập đoàn công nghệ cao, 16 trường ĐH đối tác, sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, dự án đang giúp cải thiện chính sách về giáo dục đại học; nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy, đổi mới phương pháp sư phạm, phát huy công nghệ trong lớp học/phòng lab. Đồng thời, cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ đa dạng giữa các đối tác gồm chính phủ - doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân - trường ĐH. Một sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên sẽ đi đến tầm nhìn chung cho vấn đề xây dựng và triển khai chính sách ở cấp trường, thúc đẩy vị thế của giáo dục Việt Nam, hiện đại hóa các chương trình đào tạo của Việt Nam, thông qua mục tiêu gắn kết chặt chẽ nội dung đào tạo với mô hình STEM.

Đại học Đà Nẵng – www.udn.vn