31 tuổi, 42 công trình nghiên cứu khoa học
04/11/2016 01:38
Giảng viên Lê Phước Cường (SN 1985) thuộc Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), tốt nghiệp tiến sĩ tại Nga khi mới 26 tuổi. Ở tuổi 31, anh đã có 42 công trình nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Một số công trình của anh được Chính phủ Nga cấp bằng sáng chế và anh cũng vinh dự được Chính phủ Nga trao tặng Giải thưởng Hóa học Lobachevsky.
|
|
TS Lê Phước Cường trong phòng thí nghiệm.
Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống hiếu học ở phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu), Lê Phước Cường sớm gặt hái nhiều thành tích trong học tập. Năm 2004, anh được chọn đi du học tại Liên bang Nga và học ngành Công nghệ sinh học công nghiệp tại Trường ĐH Nghiên cứu kỹ thuật Quốc gia Kazan. Trên xứ sở bạch dương, Lê Phước Cường đã thực hiện hàng chục công trình nghiên cứu về lĩnh vực hóa học phân tích và môi trường. Tiêu biểu như công trình: Phương pháp xử lý độc tố trong môi trường không khí ô nhiễm khí động cơ và vật liệu nhựa đường; Phương pháp xác định các độc tố sinh học trong cơ thể người Việt Nam sinh sống tại Liên bang Nga và cụm công trình Nghiên cứu về kỹ thuật tách chiết các đối tượng môi trường bằng chất lỏng CO2 và nước trong điều kiện siêu tới hạn...
Hoàn thành khóa học trước một năm và tốt nghiệp loại xuất sắc, Lê Phước Cường liên tiếp nhận được học bổng toàn phần của Trường ĐH Nghiên cứu kỹ thuật Quốc gia Kazan về đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Anh tiếp tục có những công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá cao và đã có 12 bài viết đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành. Đặc biệt, công trình nghiên cứu của anh với đề tài Công nghệ tối ưu hóa kỹ thuật tách chiết bằng chất lỏng siêu tới hạn được Chính phủ Nga cấp bằng sáng chế. Anh cũng vinh dự được Chính phủ Nga trao tặng Giải thưởng Hóa học Lobachevsky.
Sau một năm rưỡi, Lê Phước Cường đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh 3 năm và tốt nghiệp tiến sĩ ngành Hóa học môi trường loại xuất sắc khi vừa tròn 26 tuổi. Nhận tấm bằng đỏ với biết bao lời mời từ những cơ quan nước ngoài kèm theo chế độ đãi ngộ cao, nhưng TS Lê Phước Cường đều chối từ để trở về nước công tác. “Mình là người Việt Nam, ra nước ngoài học tập là để mang kiến thức về cống hiến cho quê hương, đất nước mình”, TS Lê Phước Cường chia sẻ.
Từ năm 2012, TS Lê Phước Cường trở thành giảng viên Khoa Môi trường Trường ĐH Bách khoa và sau đó được bầu làm Bí thư Đoàn trường. Anh vừa giảng dạy, vừa thực hiện hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học, vừa dẫn dắt phong trào thanh niên của nhà trường đạt nhiều kết quả tốt. Đơn cử như công trình Nghiên cứu quá trình tích lũy độc chất môi trường trong cộng đồng dân cư tại các khu công nghiệp miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất giải pháp cải thiện môi trường, hay như công trình Nghiên cứu sự tích lũy độc chất môi trường bằng phương pháp phân tích tóc người trên địa bàn huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt, anh đã nghiên cứu ứng dụng thành công mô hình lọc từ tính để lọc thu hồi kim loại nặng từ nhà máy xi mạ tại Khu công nghiệp Hòa Khánh.
TS Lê Phước Cường cùng các đồng nghiệp đã thành lập Nhóm nghiên cứu Bách khoa trẻ tại Trường ĐH Bách khoa, chuyên nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ quy trình trong lĩnh vực xử lý môi trường; triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình xử lý nước áp dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường; nghiên cứu hoàn thiện, tối ưu hóa hệ thống khảo sát thăm dò địa chất bằng phương pháp ảnh điện 2D, 3D, phục vụ công tác khảo sát tìm nguồn nước ngầm và các nguồn khoáng sản... Với những công trình nghiên cứu mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, Nhóm nghiên cứu Bách khoa trẻ đã nhận được tài trợ của Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Theo GS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, đến nay, TS Lê Phước Cường đã có tổng cộng 42 công trình nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế; trong đó công trình Xử lý kim loại nặng bằng công nghệ hóa học xanh và quy trình đo đạc thăm dò độc chất trong môi trường đã được áp dụng vào thực tế.
Trong niềm vui được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, TS Lê Phước Cường cho biết, anh và Nhóm nghiên cứu Bách khoa trẻ vừa hoàn thành công trình nghiên cứu xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ các hệ sinh thái tại Cù lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) trong điều kiện biến đổi khí hậu và đã đề xuất xây dựng vườn rừng trên cạn và hệ sinh thái dưới nước nhằm bảo tồn và phát triển bền vững chất lượng môi trường ở Cù lao Chàm.
Cuối năm 2015, TS Lê Phước Cường được chọn tham dự cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với 70 nhà khoa học trong cả nước. Mới đây, anh là 1 trong 5 người được chọn tham gia diễn đàn Nhà khoa học trẻ và khát vọng cống hiến, do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. |
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM