Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Trường Đại học Bách khoa đồng hành học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong hoạt động nghiên cứu khoa học, thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo

12/08/2024 14:42

Sáng ngày 9/8/2024, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã phối hợp với Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức Seminar hướng dẫn học sinh Nghiên cứu khoa học với chuyên đề Design Thinking (Tư duy thiết kế). Chương trình nhằm hỗ trợ học sinh hiểu về Tư duy thiết kế và áp dụng khi tham gia các cuộc thi Khoa học kỹ thuật.


Toàn cảnh chương trình

Tham dự chương trình, về phía Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN có PGS.TS Tào Quang Bảng - Trưởng phòng, Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, TS. Lê Hoài Nam - Phó Trưởng khoa, Khoa Cơ khí (Báo cáo viên). Về phía Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn  có Thầy Lê Thanh Hải - Hiệu trưởng và hơn 100 học sinh đam mê nghiên cứu khoa học và đang chuẩn bị tham gia các cuộc thi về khoa học kỹ thuật sắp tới.


TS. Lê Hoài Nam - Phó Trưởng khoa, Khoa Cơ khí nhấn mạnh về tầm quan trọng của Tư duy thiết kế

Mở đầu phần trình bày, TS. Lê Hoài Nam - Phó Trưởng khoa, Khoa Cơ khí, một giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong việc dẫn dắt các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, nhấn mạnh: Tư duy thiết kế là một kỹ năng quan trọng và cần thiết cho học sinh thế kỷ 21, khuyến khích khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Trong một thế giới ngày càng phức tạp và không ngừng thay đổi, học sinh cần có khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ và tìm ra các giải pháp đột phá để giải quyết hiệu quả. Tư duy thiết kế giúp học sinh hiểu rõ hơn về nhu cầu của con người, phát triển các ý tưởng mới và hiện thực hóa chúng. Đây không chỉ là kỹ năng để thành công trong học tập mà còn là yếu tố cốt lõi để các em thích nghi và đổi mới trong tương lai.


TS. Lê Hoài Nam trình bày chuyên đề Tư duy thiết kế

Trong buổi chuyên đề về Tư duy thiết kế dành cho học sinh, TS. Lê Hoài Nam đã tập trung vào việc truyền đạt ba nội dung cốt lõi như sau:

Đầu tiên, TS. Lê Hoài Nam giải thích tại sao học sinh cần phải biết về Tư duy thiết kế, nhấn mạnh rằng đây là một kỹ năng quan trọng giúp giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và hiệu quả, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của xã hội hiện đại. Hiểu và áp dụng tư duy này sẽ giúp học sinh không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống và công việc sau này.

Tiếp theo, TS. Lê Hoài Nam đã định nghĩa rõ ràng về Tư duy thiết kế, khẳng định rằng đây không chỉ là một phương pháp mà còn là một quá trình tư duy có hệ thống, giúp con người khám phá và định hình các giải pháp sáng tạo. Tư duy thiết kế bao gồm việc đặt con người làm trung tâm, liên tục thử nghiệm và cải tiến các ý tưởng dựa trên phản hồi thực tế.


Học sinh quan tâm lắng nghe các kiến thức hữu ích

Cuối cùng, TS. Lê Hoài Nam đã trình bày về quy trình và các công cụ cụ thể trong Tư duy thiết kế, bao gồm các bước như thấu cảm với người dùng, định nghĩa vấn đề, đưa ra ý tưởng, xây dựng nguyên mẫu và thử nghiệm. Các công cụ như POEMS, câu hỏi 5WHYS, Affinity Diagram (biểu đồ tương đồng), Persona (chân dung khách hàng), Brainstorming (công não), SCAMPER... cũng được giới thiệu nhằm hỗ trợ học sinh trong việc hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo một cách hiệu quả.

Buổi chuyên đề diễn ra sôi nổi với phần thảo luận, tương tác giữa giảng viên và học sinh, cho thấy được các em vô cùng hứng thú và quan tâm đến việc áp dụng Tư duy thiết kế vào sản phẩm khoa học kỹ thuật mình đang ấp ủ.


Học sinh sôi nổi chia sẻ ý kiến và tương tác cùng TS. Lê Hoài Nam về Tư duy thiết kế

Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học cho sinh viên, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN luôn nỗ lực tổ chức và đồng hành cùng những sân chơi khoa học, kỹ thuật thiết thực và bổ ích cho học sinh THPT. Điều này nhằm nâng cao tiềm năng sáng tạo, bồi dưỡng kĩ năng nghiên cứu trong học sinh và lan tỏa tinh thần đam mê khoa học đến với cộng đồng, hướng đến một nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và đất nước.

Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN