Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Nữ giảng viên Trường Đại học Bách khoa sở hữu nhiều sáng chế về môi trường - PGS.TS Lê Thị Xuân Thùy

09/08/2024 08:21

PGS.TS Xuân Thùy sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đà Nẵng hiền hòa. Cô tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Hóa tại Đại học Tokushima, Nhật Bản. Sau đó, cô trở về nước và công tác tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) từ năm 2012 đến nay. Cô là một trong những nhà khoa học, nữ giảng viên được TP. Ðà Nẵng khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học - công nghệ năm 2018. Đến nay, cô sở hữu nhiều sáng chế và công trình nghiên cứu khoa học có giá trị về lĩnh vực môi trường.


PGS.TS Lê Thị Xuân Thùy luôn nỗ lực nghiên cứu với mong muốn môi trường ngày càng xanh sạch đẹp hơn

Sở hữu 04 bằng sáng chế về môi trường

Với thâm niên gần 20 năm giảng dạy và công tác tại Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN, đến nay, cô là một trong số ít giảng viên sở hữu đến 04 bằng sáng chế về môi trường.

Sáng chế đầu tiên của cô mang tên “Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng”. Cô chia sẻ, mô hình này xuất phát từ thực tế tại gia đình cô khi thấy đáy bồn chứa nước của nhà mình bị đóng 01 lớp cặn dày nhưng công tác sục rửa bồn thật sự khó khăn, nhất là đối với phụ nữ chân yếu tay mềm. Đó là động cơ thôi thúc cô nghiên cứu các giải pháp giúp cho bồn nước của các hộ gia đình luôn trong và sạch hơn.


“Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng” được áp dụng tại hộ gia đình

“Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng” là một hệ thống để chứa các vật liệu như cát thạch anh, bông, than hoạt tính,… để lọc nước. Mỗi loại vật liệu lọc sẽ được bỏ vào các đoạn ống tách biệt nhau và nước chảy qua các đoạn này trước khi vào bồn để loại bỏ cặn, bẩn, ion kim loại nặng cũng như thuốc bảo vệ thực vật và Clo dư. Mỗi đoạn chỉ chứa 01 loại vật liệu nên tiện cho việc rửa tái sử dụng và được phân thành nhiều ngăn riêng để dễ dàng thay/rửa vật liệu lọc cũng như tiết kiệm được chi phí.  Giá thành để lắp đặt hệ thống này chỉ khoảng từ 500 nghìn đồng. Đây là mức chi phí phù hợp mà cô hướng đến để không chỉ những người có điều kiện mà những người có thu nhập thấp vẫn có thể tiếp cận được. Sáng chế này hiện nay đang được áp dụng hiệu quả ở hơn 20 hộ gia đình tại Đà Nẵng và các hộ dân ở Hội An (Quảng Nam), xã đảo Tam Hải và xã đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), được người dân đón nhận, sử dụng với độ hài lòng cao.


Cô Thùy cùng sinh viên tham gia Hội nghị Khoa học và Triển lãm công nghệ cấp Trường năm học 2023-2024

Bên cạnh sáng chế “Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng”, cô Thùy có 03 công trình khác cũng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ, gồm "Phương pháp xử lý nước thải nhiễm ion kim loại nặng bằng vật liệu từ tính phủ axit gama-poly glutamic (Gama-PGM)"; "Thiết bị nuôi trùn quế đa tầng để xử lý chất thải nông nghiệp"; "Thùng hóa vàng mã". Các sáng chế này của cô cùng với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) mà cô đang theo đuổi thực hiện, đã góp phần đưa các NCKH đến gần hơn và ứng dụng hiệu quả hơn vào cuộc sống hằng ngày.

Truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên

Không dừng lại ở đó, cô luôn dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu và truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

11 năm sinh sống và học tập ở Nhật, cô Thùy đã được đất nước Nhật Bản luyện cho mình một tinh thần thép, một tư duy vì cộng đồng và một tư tưởng tự do, thích khám phá. Do đó, cô nhìn đâu cũng thấy ý tưởng. Chính vì vậy, cô luôn chủ động hỗ trợ sinh viên trong việc đưa ra các ý tưởng cũng như kết hợp với sinh viên để cùng thực hiện các dự án, biến ý tưởng thành những mô hình ứng dụng trong thực tế.

Ngoài hướng dẫn sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, đồ án tốt nghiệp, cô còn hỗ trợ sinh viên trong việc thực hiện các đề tài để tham gia các cuộc thi về môi trường. Mới đây, cô đã hỗ trợ hướng dẫn cho sinh viên thực hiện mô hình “Vệ sỹ bồn nước” và giành được nhiều giải từ ý tưởng đến khởi nghiệp. Đây là hệ thống hút cặn tự động hàng ngày để bồn ko bị đóng cặn ở đáy và hệ thống này ko dùng bất kỳ vậy liệu lọc nào. Hiện nay, hệ thống này đang được lắp đặt tại gia đình cô để thử nghiệm hoàn thiện trước khi đưa ra thị trường.


Cô Thùy cùng sinh viên trong Lễ bảo vệ đồ án tốt nghiệp

Cô chia sẻ: "Mục đích của tôi là truyền đạt cho sinh viên những kiến thức chuyên môn cũng như những kinh nghiệm sống của bản thân để giúp các bạn đi nhanh hơn và đi xa hơn trong lĩnh vực chuyên môn của mình". Đồng thời, cô kỳ vọng dù các bạn hoạt động ở lĩnh vực nào, ngành nào đi chăng nữa thì cũng đừng quên lồng ghép yếu tố bảo vệ môi trường vào hoạt động, nghiên cứu của mình. Các bạn sẽ là thế hệ tiếp nối cô trong việc nghiên cứu các giải pháp giúp cho cộng đồng có được một môi trường sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.

Cô luôn tâm niệm rằng “Không có việc gì khó, chỉ sợ mình không làm” và "Thành công là sự trả thù ngọt ngào nhất”. Cô mong muốn các bạn sinh viên hãy tìm cho mình 01 môn học yêu thích hay 01 công việc yêu thích để từ đó có định hướng đúng hơn trong việc học. Sự yêu thích và niềm đam mê sẽ giúp các bạn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và vượt qua được những khó khăn và trở ngại.

Bài, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN