Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN chính thức công bố mở Chương trình đào tạo: "Vi điện tử - Thiết kế vi mạch" tuyển sinh năm 2024

15/03/2024 12:45

Sáng ngày 15/3/2024, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã chính thức công bố mở Chương trình đào tạo: "Vi điện tử - Thiết kế vi mạch", bắt đầu tuyển sinh vào năm 2024 với số lượng 60 chỉ tiêu. Chương trình đào tạo: "Vi điện tử - Thiết kế vi mạch", mã ngành: 7520207A, Số tín chỉ 151, thời gian đào tạo 4 năm rưỡi, thuộc Khoa Điện tử - Viễn thông phụ trách đào tạo.


Đại biểu tham dự sự kiện

Tham dự chương trình, về phía khách mời có ông Lê Hoàng Phúc - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo, Sở Thông tin và Truyền thông; TS. Phan Minh Đức - Chủ tịch Hội đồng Đại học Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Công nghệ Marvell Việt Nam, Công ty TNHH Synopsys Việt Nam, Công ty TNHH Thiết kế Renesas Việt Nam, Trung tâm phát triển sản xuất chip công nghệ mới Đà Nẵng - Công ty Cổ phần bán dẫn FPT, Công ty TNHH Giải pháp Acronics, Công ty TNHH Synapse Design Việt Nam.

Về phía Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN có PGS.TS. Nguyễn Đình Lâm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng, TS. Huỳnh Phương Nam - Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng, đại diện lãnh đạo Khoa Điện tử - Viễn thông và hơn 100 cán bộ, giảng viên, sinh viên tham dự sự kiện.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ, sự kiện công bố Chương trình đào tạo "Vi điện tử - Thiết kế vi mạch" không chỉ là một sự kiện quan trọng của Nhà trường mà còn là minh chứng cho sự cam kết của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN đối với xã hội trong việc thúc đẩy thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, tham gia sâu hơn vào các công đoạn của chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn.     Thầy cho biết, chương trình đào tạo này được xây dựng dựa trên cơ sở những thế mạnh vốn có của Khoa Điện tử - Viễn thông về vi mạch bán dẫn, từ đội ngũ giảng dạy giàu kinh nghiệm đến cơ sở vật chất phòng thí nghiệm hiện đại. Nhân dịp này, thay mặt cho lãnh đạo Nhà trường Thầy bày tỏ sự cảm ơn đến sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng và các Sở, Ban, Ngành; sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đại học Đà Nẵng; tài trợ của các doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà trường và bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực của cán bộ viên chức Nhà trường, của Khoa Điện tử - Viễn thông trong việc xây dựng, hoàn thiện và mở mới Chương trình đào tạo Vi điện tử - Thiết kế vi mạch.


PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu

Khoa Điện tử - Viễn thông (ĐTVT) là một trong những khoa có bề dày lịch sử lâu đời của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN. Khoa ĐTVT đã và đang được Đại học Đà Nẵng cũng như Trường Đại học Bách khoa giao nhiệm vụ đào tạo các bậc đại học và sau đại học (cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ). Đến nay, sau hơn 35 năm xây dựng và phát triển ngành Điện tử - Viễn thông, Khoa ĐTVT đã đào tạo được trên 3000 kỹ sư ngành Điện tử - Viễn thông để cung cấp nhân lực khoa học kỹ thuật chất lượng cao cho cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp, các công ty, tập đoàn lớn về lĩnh vực Điện tử - Viễn thông và nhiều lĩnh vực liên quan trong cả nước nói chung, khu vực Miền Trung - Tây Nguyên nói riêng. Nhiều cựu sinh viên Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa theo học chuyên ngành kỹ thuật điện tử của khoa rất thành công trong các doanh nghiệp trong nghiên cứu thiết kế, sản xuất chip bán dẫn và các sản phẩm vi mạch, điển hình như anh Nguyễn Bảo Anh - Team Leader, Công ty Synopsys Việt Nam (cựu SV Khoa ĐTVT, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN).


PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Hằng - Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Đào tạo công bố Quyết định mở Chuyên ngành “Vi điện tử - Thiết kế vi mạch”

Chương trình đào tạo: “Vi điện tử - Thiết kế vi mạch”, chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 đã được Khoa ĐTVT, Trường Đại học Bách Khoa, ĐHĐN thiết kế và xây dựng để có thể cung cấp cho sinh viên một nền tảng toàn diện về lý thuyết cũng như thực hành trong quy trình thiết kế vi mạch, với sự đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, các phần mềm chuyên dụng được doanh nghiệp tài trợ; Khoa đã có các phòng thí nghiệm kỹ thuật Điện tử - Viễn thông với các trang thiết bị thực nghiệm cập nhật mới và hiện đại để phục vụ cho công tác đào tạo, thực hành thực tập của sinh viên. Hiện nay, Khoa có 05 phòng thí nghiệm và 01 xưởng điện tử, các license Cadence phục vụ các môn học lĩnh vực Vi điện tử - Thiết kế vi mạch. Bên cạnh đó, Nhà trường đã trang bị 01 phòng máy tính, phục vụ đào tạo lĩnh vực Vi điện tử - Thiết kế vi mạch được khánh thành đưa vào sử dụng từ ngày 01/02/2024. Phòng thực hành này hiện đang được sử dụng để giảng viên và sinh viên Nhà trường thực hành khóa học “Thiết kế vật lý vi mạch VLSI cơ bản” (xem tại đây) được xây dựng và giảng dạy bởi nhóm chuyên gia Tresemi gốc Việt hiện đang làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch hàng đầu trên thế giới tại Mỹ như Skyworks Solutions, Mediatek, Silicon Labs, NXP.

Phòng thực hành Thiết kế vi mạch được đầu tư trang thiết bị với hệ thống máy tính được cài đặt bộ công cụ thiết kế vi mạch chuẩn công nghiệp (Cadence) phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm nay (2024). Ngoài ra, Nhà trường cũng đã khánh thành không gian Đổi mới sáng tạo DUT MAKER INNOVATION SPACE để sinh viên Nhà trường có không gian học tập, thực hành, phát huy khả năng nghiên cứu và sáng tạo của mình.


TS. Nguyễn Duy Nhật Viễn - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật điện tử, phụ trách Chương trình trình bày thông tin về chương trình đào tạo Vi điện tử - Thiết kế vi mạch


Ông Lê Quang Đạm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Marvell phát biểu

Tại Lễ công bố Chương trình đào tạo, đại diện các công ty như Marvell, Synopsys, Renesas, Quest Synapse, VHT (Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel), cam kết hợp tác với nhà trường trong đào tạo và nghiên cứu, hỗ trợ sinh viên để xây dựng mạng lưới quan hệ cũng như cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên. Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo các công ty cũng đưa ra những lời khuyên, những định hướng cho các bạn sinh viên trong việc nâng cao kiến thức chuyên môn và các kỹ năng làm việc thực tế, kỹ năng giải quyết vấn đề, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ để bổ trợ cho công việc của mình.


TS. Ngô Minh Trí - Trưởng khoa Khoa Điện tử - Viễn thông phát biểu tri ân

Với những điều kiện về chương trình đào tạo và cơ sở vật chất hiện đại, chương trình đào tạo: “Vi điện tử - Thiết kế vi mạch" sẽ mang đến cho sinh viên chuyên ngành Vi điện tử  - Thiết kế vi mạch những kinh nghiệm tốt nhất, thúc đẩy tư duy sáng tạo sẽ giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp, không chỉ trở thành những chuyên gia giỏi trong ngành công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch mà còn là những người dẫn đầu trong việc định hình tương lai của ngành công nghiệp này ở miền Trung và Tây Nguyên.


Chụp hình lưu niệm

Một số hình ảnh giao lưu, thảo luận của doanh nghiệp và sinh viên:

Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN