Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

"Có đam mê và nỗ lực theo đuổi đam mê thì nhất định sẽ thành công” - Tân Phó giáo sư Nguyễn Thị Thanh Xuân chia sẻ

08/03/2024 08:09

Với thâm niên gần 20 năm làm công tác giảng dạy và quá trình miệt mài theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nữ giảng viên Nguyễn Thị Thanh Xuân đã vinh dự được Hội đồng giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chức danh Phó Giáo sư năm 2023 theo quyết định số 80/QĐ-HĐGSNN và Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN có quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư theo quyết định số 319/QĐ-ĐHBK, ngày 24/02/2024.

Giảng viên Nguyễn Thị Thanh Xuân sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đà Nẵng hiền hòa, mến khách. Đam mê và yêu thích đặc biệt trong lĩnh vực Hóa học, cô đã lựa chọn lĩnh vực Hóa dầu tại Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN làm điểm khởi đầu cho hành trình theo đuổi ước mơ của mình. Với thành tích tốt nghiệp Thủ khoa Kỹ sư dầu khí tại Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN cô nhận được học bổng của Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF để theo học Thạc sĩ tại Đại học Pierre Marie Curie (Paris 6) - Pháp vào năm 2001. Với thành tích học tập loại giỏi, cô tiếp tục nhận học bổng của tổ chức ADEME thuộc Bộ Năng lượng - Môi trường của chính phủ Pháp và Viện dầu khí Pháp (IFP) để học lên Tiến sĩ và hoàn thành học vị Tiến sĩ vào năm 2005 tại Trường Đại học Louis Pasteur (Strasbourg) và Viện dầu khí Pháp.


Chân dung Phó Giáo sư Nguyễn Thị Thanh Xuân

Năm 2006, cô trở về quê hương và lựa chọn cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình tại Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN với chuyên ngành Công nghệ hóa học - Dầu và khí và kinh qua rất nhiều chức vụ như Phó Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng, ĐHĐN; Phụ trách chương trình liên kết đào tạo sau Đại học với Đại học Pháp (từ 10/2009 - 04/2011); Phó Viện trưởng Viện Công nghệ quốc tế DNIIT, ĐHĐN (từ 08/2017 - 05/2022); Trưởng Bộ môn Công nghệ hoá học - Dầu và khí (từ 09/2023 đến nay).

“Người lái đò” tận tụy truyền cảm hứng nghiên cứu cho sinh viên

Đến với học trò bằng sự yêu thương và lòng yêu nghề, cô luôn tận tụy, cần mẫn để truyền đạt đến các em những kiến thức chuyên ngành. Với vai trò là người thắp lửa đam mê, cô luôn định hướng và khuyến khích các em tham gia trải nghiệm các hoạt động nghiên cứu khoa học để nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, rèn luyện kỹ năng phục vụ nghề nghiệp tương lai của mình. Với những sinh viên có thế mạnh nghiên cứu và đã xác định được định hướng nghề nghiệp, cô luôn hỗ trợ tận tâm, dìu dắt, hướng dẫn, khích lệ tinh thần đến các em. Cô cho rằng, thầy cô sẽ đóng vai trò là người dẫn đường, đưa ra ý tưởng, thử nghiệm trong quy mô Phòng thí nghiệm nhưng chính những sinh viên có đam mê, có nỗ lực thì sẽ là người biến ý tưởng của thầy cô thành hiện thực, đưa kết quả nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm đi vào thực tế cuộc sống.

Không phụ niềm mong mỏi và sự tâm huyết của cô, rất nhiều sinh viên cô hướng dẫn được lọt vào kỳ thi KHCN cấp trường trở lên và đạt được nhiều thành tích nổi bật, cụ thể là: 01 đề tài KHCN đạt giải Nhì cuộc thi SV NCKH cấp trường năm 2012; 02 đề tài đạt giải Ba cuộc thi SV NCKH cấp trường; 01 đề tài đạt giải thưởng HondaYes năm 2013; 01 đề tài đạt giải khuyến khích năm 2014; 01 đề tài đạt giải Nhì ý tưởng cuộc thi WEPICS năm 2017; 01 đề tài đạt giải khuyến khích của cuộc thi SV NCKH cấp Đoàn trường ĐHBK và nhận được học bổng hỗ trợ nghiên cứu của trường ASU năm 2019; 01 giải Nhì cuộc thi SV NCKH của thành phố Đà Nẵng; 01 giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp của Thành Đoàn Đà Nẵng năm 2021.

Đặc biệt, cô đã phối hợp cùng giảng viên trường Đại học Kinh tế, ĐHĐN định hướng sinh viên tham gia cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp “GBA Business Challenge” được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp Đức (GBA) phối hợp với Văn phòng Đại diện Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) và Trường Đại học Việt Đức (VGU) và đã giành giải Nhất cuộc thi này liên tục trong 02 năm 2020 và 2022 với 02 đề tài:

1. FUTURISTIC MICROALGAE: Nuôi trồng vi tảo trong nước thải giàu hữu cơ (nước thải thuỷ sản) nhằm xử lý nước thải và kết hợp sản xuất nhiên liệu sinh học. Sinh viên thực hiện: Nguyễn Quốc Vương, lớp 17H5CLC ngành Công nghệ dầu khí và khai thác dầu Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN The GBA Business Challenge 2020 - Progress after 6 months - GBA (gba-vietnam.org)

2. ZEOTIC: Sử dụng hỗn hợp vật liệu phế thải là nhựa thải kết hợp với Zeolit thải từ Nhà máy lọc dầu để sản xuất gạch lát nền đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của gạch lát. Sinh viên thực hiện: Nguyễn Viết Thắng, Lê Văn Nam, lớp 19H5CLC ngành Công nghệ dầu khí và khai thác dầu Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN The Final Pitch of GBA Business Challenge 2022 | We Found The Winners of The Season III - GBA (gba-vietnam.org)


PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân trong buổi lễ vinh danh Tân Phó Giáo sư năm 2023 của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024

Mới đây nhất, cựu sinh viên Nguyễn Quốc Vương đạt giải Nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia 2023 với Dự án “AWT-Carbon” [Cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN đạt giải Nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia-2023 với Dự án “AWT-Carbon” - Đại học Đà Nẵng (udn.vn)]. Dự án này xuất phát từ ý tưởng nuôi trồng vi tảo xử lý nước thải kết hợp tạo nguồn sinh khối đa ứng dụng do cô hướng dẫn trước đó và sau khi tốt nghiệp Quốc Vương đã tiếp tục theo đuổi đề tài này và đã khởi nghiệp thành công.

Từng thế hệ sinh viên vào trường và tốt nghiệp, có việc làm ổn định như tiếp thêm động lực và niềm hăng say yêu nghề, cống hiến cho nghề của cô. Đó không chỉ là niềm tự hào của riêng cô mà là niềm tự hào của ngành Công nghệ dầu khí và khai thác dầu, của Khoa Hóa và của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN.

Nghiên cứu khoa học là hành trình không có điểm dừng

Năm 2012 cô được vinh dự là một trong ba nhà khoa học nữ của cả nước nhận được giải thưởng L’Oreal Unesco “Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong khoa học” cho thành tích và ý tưởng nghiên cứu về nuôi trồng và thu hoạch vi tảo làm nhiên liệu sinh học. Cô chia sẻ rằng đây chính nguồn động lực đầu tiên, to lớn về tinh thần và vật chất để cô theo đuổi hướng nghiên cứu về vi tảo và dần hoàn thiện các ý tưởng của mình. Dù phải thực hiện nghiên cứu trong điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, dù phải tự tìm kiếm các mối quan hệ bên ngoài để được tiếp cận với doanh nghiệp để xin được thử nghiệm kết quả nghiên cứu, và dù trải qua không ít lần thất bại, nhưng theo cô, yếu tố quyết định sự thành công đó là luôn nỗ lực và làm hết sức mình để không phải hối tiếc.

Và rồi, thành quả ngọt ngào cho gần 20 năm gắn bó với công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học là bộ sưu tập những thành tích nghiên cứu khoa học thật đáng ngưỡng mộ. Cụ thể, cô đã thực hiện 05 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (01 đề tài cấp Nhà nước; 01 đề tài cấp Bộ; 03 đề tài cấp Đại học Đà Nẵng); công bố 26 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và 21 bài báo trong nước; chủ biên 02 cuốn giáo trình gồm: Chưng cất đa cấu tử (Nơi xuất bản: Khoa học và kỹ thuật, năm 2020) và Modélisation et Expérimentation de la formation et de l'évolution des particules dans la ligne d'échappement des véhicules (Nơi XB: Edition Universitaire Europeenes, Năm 2017).

Cô cũng là đồng tác giả 01 cuốn sách Động cơ biogas, Chủ biên: Bùi Văn Ga, Đồng tác giả: Trần Văn Nam, Lê Xuân Thạch, Lê Minh Tiến, Trương Lê Bích Trâm, Trần Thanh Hải Tùng, Nguyễn Thị Thanh Xuân. Nơi XB: Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, năm 2013.

Chia sẻ về chặng đường nghiên cứu sắp đến, cô cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm ý tưởng, cố gắng hiện thực hoá ý tưởng bằng nỗ lực thực hiện các nghiên cứu khoa học. Cô luôn tâm niệm rằng, khoa học là sự sống, là hành trình không có điểm dừng. Và trên hành trình này, cô bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các giảng viên chỉ chuyên tâm công tác nghiên cứu, công tác chuyên môn.

Tin, bài: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng