Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng đồng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia: Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

08/08/2022 08:17

Sáng ngày 5/8, tại Cung Hội nghị quốc tế Furama Resort Danang, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương, Thành ủy Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đồng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.


Toàn cảnh Hội thảo

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các đồng chí: Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN đồng chủ trì Hội thảo.


Đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (thứ 3 từ trái sang) tham dự, chủ trì Hội thảo 

Hội thảo có sự tham gia của hơn 250 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành, các đại học/trường đại học, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng các cơ quan báo chí, truyền thông.

Hội thảo nhằm cung cấp thêm các luận cứ khoa học, cơ sở lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam góp phần phục vụ xây dựng Đề án: "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII.


Đồng chí Nguyễn Văn Quảng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu khai mạc

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng -  Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu khai mạc và chào mừng, bày tỏ vinh dự khi thành phố Đà Nẵng được Ban Kinh tế Trung ương chọn là địa phương tổ chức Hội thảo. 

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng đánh giá cao ý nghĩa của chủ đề Hội thảo mang tính thời sự trong bối cảnh, yêu cầu khôi phục tăng trưởng và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, đặc biệt đối với thành phố Đà Nẵng đang tập trung xây dựng, phát triển trên 03 trụ cột đều có liên quan đến lĩnh vực dịch vụ và du lịch. Hội thảo là cơ sở quan trọng để Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình thực hiện các mục tiêu xây dựng thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.


PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ Giám đốc ĐHĐN phát biểu đề dẫn

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN trân trọng cám ơn và bày tỏ mong muốn Quý lãnh đạo, Quý đại biểu chia sẻ kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, cung cấp luận cứ và cơ sở khoa học; đề xuất các giải pháp với Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Đề án tham mưu với Trung ương có những chủ trương lớn, quyết sách đúng nhằm tiếp tục phát triển các ngành dịch vụ góp phần đưa đất nước phát triển bền vững và phồn vinh.


Ông Il-Dong Kwon, chuyên gia The Boston Consulting Group báo cáo tại phiên toàn thể 

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ đã gợi mở, đề xuất một số nội dung trọng tâm để các đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận, cho ý kiến như:

(1) Dự báo những ngành nghề dịch vụ mới trong những năm sắp đến, trên cơ sở đó xác định các ngành dich vụ nên ưu tiên phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới; Cơ cấu lại ngành dịch vụ hiện nay của nước ta dựa trên công nghệ hiện đại để bắt kịp xu thế phát triển các ngành dịch vụ trên thế giới; Cách thức ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo để phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên ở Việt Nam;

(2) Các vùng kinh tế của Việt Nam nên ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ để phù hợp với tiềm năng, lợi thế; Cách thức huy động nguồn lực để phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên của Việt Nam; Chiến lược liên kết vùng để phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh trong phát triển dịch vụ hiện đại.


Ông Trần Hoàng, chuyên gia Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo tại phiên toàn thể 

(3) Cơ chế chính sách để phát triển các ngành dịch vụ ưu tiên của Việt Nam; Chính sách khuyến khích đầu tư mạo hiểm để phát triển các ngành nghề dịch vụ mới; Chính sách liên kết phát triển dịch vụ liên quốc gia trong cộng đồng kinh tế ASEAN và thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà nước ta đã ký kết.

(4) Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành nghề dịch vụ mới; Nghiên cứu phương thức xây dựng chương trình đào tạo nhân lực mới của các nước phát triển; Tập trung phát triển các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao mà con người Việt Nam có thế mạnh, đặc biệt các lĩnh vực liên quan đến khoa học cơ bản, trí tuệ nhân tạo theo hướng ứng dụng; Quy hoạch cơ cấu nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển của từng vùng, miền và cả nước; xây dựng mô hình dịch vụ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước...


PGS.TS. Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế-ĐHĐN báo cáo tại phiên toàn thể 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng phân tích, làm rõ những kết quả, đóng góp của ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới; đồng thời nhận diện xu thế phát triển và vận động chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển các ngành dịch vụ trong đó bao gồm các ngành dịch vụ mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển hạ tầng và thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển các ngành dịch vụ...


Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia Ngân hàng Vietcombank báo cáo tại phiên toàn thể 

Các báo cáo của Hội thảo được các diễn giả là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế tập trung vào các chủ đề như: (1) Những xu hướng du  lịch toàn cầu và ý nghĩa đối với Việt Nam; (2) Ngành công nghiệp văn hóa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam: Thực trạng và kiến nghị, đề xuất; (3) Tương lai của sự phát triển dựa vào dịch vụ; (4) Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Thực tiễn thành phố Đà Nẵng và các kiến nghị, đề xuất; (5) Một số đề xuất, kiến nghị phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; (6) Phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ thực tiễn Ngân hàng Vietcombank và các đề xuất, kiến nghị chính sách.


Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tập đoàn Sovico, Phó Chủ tịch HĐQT. Hãng Hàng không Vietjet báo cáo 

Phiên thảo luận bàn tròn do TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Đề án điều phối cùng các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ, đối thoại tập trung vào một số nội dung như: (1) Cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; (2) Phát triển các ngành dịch vụ mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; (3) Phát triển hạ tầng và thúc đẩy chuyển đổi số cho phát triển các ngành dịch vụ; (4) Đề xuất các chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Các đại biểu thảo luận Phiên bàn tròn

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh, làm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển các ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao”. 


Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo

Ghi nhận, đánh giá cao và cơ bản đồng tình với ý kiến của các đại biểu, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh một số nội dung chính từ kết quả Hội thảo:

(1) Phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Cần bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương, chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới; Chú trọng phát triển dịch vụ công nghệ cao, hình thành được các ngành dịch vụ mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; Chú trọng cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, quan tâm xây dựng hệ sinh thái dịch vụ và phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành...

(2) Chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; Quan tâm hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác; Phát triển mạnh ngành công nghiệp văn hóa và các dịch vụ khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, đặc biệt cần chú trọng và phát triển có hiệu quả hệ thống dịch vụ việc làm và an sinh xã hội... 


Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo

(3) Tăng cường năng lực hệ thống thương mại, phân phối bán buôn, bán lẻ song song với chủ động xây dựng và phát triển nhanh các nền tảng thương mại điện tử trong nước, gắn kết với mạng phân phối toàn cầu, phát triển nhanh hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở cả trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam. Xây dựng và triển khai các đề án, chương trình phát triển các lĩnh vực dịch vụ phụ trợ nhằm cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, công nghiệp ưu tiên...


Đồng chí Trần Tuấn Anh Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu

(4) Phát triển ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, bền vững. Tạo lập hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong thời gian tới cần tập trung phát triển nhanh một số trung tâm dịch vụ, du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới gắn phát triển du lịch với hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước, song song với bảo tồn và phát huy vai trò của các giá trị di sản, văn hoá truyền thống. Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

(5) Tập trung ưu tiên hàng đầu cho phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo để thực hiện thắng lợi chủ trương tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng con người Việt Nam toàn diện gắn với yêu cầu phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo đã nhận được 65 báo cáo khoa học, tham luận từ các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia của Trung ương và các địa phương; các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân trong và ngoài nước. Thời gian qua, ĐHĐN với vai trò, vị trí là đại học vùng trọng điểm Quốc gia đã có nhiều nghiên cứu, báo cáo khoa học và chuyên đề đóng góp tích cực xây dựng và phản biện chính sách cùng các cơ quan Trung ương, các tỉnh thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, qua đó thể hiện vai trò, trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức trong sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để đóng góp phát triển vùng và đất nước.  

Kính mời xem thêm tin trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt NamBáo Chính phủTrang thông tin điện tử của Ban Kinh tế Trung ươngBáo Tuổi trẻBáo Giáo dục và Thời đạiBáo Đà NẵngTruyền hình Nhân DânTruyền hình Thông tấn.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN