Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

TNT giành cúp vô địch cuộc thi IOT-AI HACKATHON 2019

16/09/2019 14:59

Vượt qua 4 đối thủ nặng ký tại Vòng chung kết cuộc thi IOT-AI HACKATHON 2019, Đội TNT với đề tài "Nghiên cứu và thiết kế robot đa chức năng cho nhà máy điện mặt trời” đã xuất sắc giành được cúp vô địch và giải thưởng trị giá 20 triệu đồng.


Đại biểu và sinh viên tham dự cuộc thi tại Hội trường F

Sáng ngày 13.09.2019, tại Hội trường khu F, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa tổ chức Vòng Chung kết cuộc thi IOT-AI HACKATHON 2019 với chủ đề “Internet of Things and Artificial Intelligence– Kỷ nguyên của sự kết nối".


PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu

Phát biểu tại Vòng chung kết cuộc thi, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Cuộc thi này mở rộng đối tượng tham gia cho tất cả sinh viên đang theo học tại tất các các trường đại học, cao đẳng tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên nhằm kết nối sự đam mê, sáng tạo của các bạn trẻ và tạo mối quan hệ gắn kết giữa Nhà trường, Doanh nghiệp và Sinh viên.


PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu – Phó Hiệu trưởng Nhà trường và PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa CNTT tặng hoa và giấy chứng nhận tài trợ cho các Nhà tài trợ

Tham gia cuộc thi, các bạn sinh viên kết nối với nhau thành lập nhóm gồm 3-5 thành viên để lên ý tưởng dự án và đề xuất các yêu cầu hỗ trợ từ Ban tổ chức. Trải qua 3 vòng thi: Trình bày ý tưởng, Tranh tài ý tưởng và Chạy đua thời gian; Ban tổ chức đã lựa chọn 5 đội thi xuất sắc nhất lọt vào vòng Chung kết gồm Đội Builder, Đội SmartFarmingBC, Đội TNT, Đội Ambition và Đội OmniPark.


5 đội thi lần lượt trình bày đề tài theo thứ tự bốc thăm

Tại vòng chung kết, 5 đội lần lượt trình bày video ý tưởng sản phẩm của đội mình và Ban Giám khảo đã nhận xét và đưa ra các câu hỏi để các thành viên trong đội thi trả lời phản biện. Ngoài cơ cấu giải thưởng Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích do Ban Giám khảo chấm, Ban tổ chức còn trao giải cho điểm bình chọn của các đội thi qua các lượt like, share video trên trang Fanpage Facebook AIoT Hackathon 2019.


Ban Giám khảo đặt câu hỏi để các đội thi trả lời phản biện

Kết quả chung cuộc, đội TNT với đề tài "Nghiên cứu và thiết kế robot đa chức năng cho nhà máy điện mặt trời” đã xuất sắc giành được cúp vô địch và giải thưởng 20 triệu đồng. Đội Omni Park đạt giải Nhì, đội Ambition và đội Builder đạt giải Ba và giải Khuyến khích thuộc về đội SmartFarmingBC với 3 thành viên là học sinh trung học phổ thông.


Ban tổ chức trao giải cho đội thi đạt giải bình chọn like, share video qua Facebook

Đội TNT gồm 5 thành viên đến từ ngành Tự động hóa và Công nghệ thông tin gồm Võ Hoàng Nguyên Phương (15TDH1), Nguyễn Tiến Đạt (15TDH1), Nguyễn Đắc Quy (17TDH),   Hồ Văn Cường và Lưu Thị Ngọc Lan (14T).

Đại diện nhóm TNT, Sinh viên Võ Hoàng Nguyên Phương - Lớp 15TDH1 chia sẻ: Trong đợt thực tập tốt nghiệp vừa qua em được biết nhu cầu cần công nhân vệ sinh và giám sát các tấm pin tại nhà máy điện mặt trời và may mắn được gặp gỡ anh Hùng là kĩ sư của CPC EMEC (hiện tại là 1 trong các thành viên cố vấn, hỗ trợ [Mentor] của nhóm), sau khi trình bày vấn đề, kết nối thành viên trong nhóm cùng nhau thảo luận nhiều ý tưởng khác nhau dưới sự hướng dẫn tận tình của Mentor, nhóm đã quyết định thực hiện thiết kế robot đa chức năng cho nhà máy điện mặt trời.


Ban tổ chức trao hoa, phần thưởng và cúp vô địch cho đội TNT

Phương cho biết thêm, khi thực hiện đề tài khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải là làm sao cho sản phẩm mang tính thực tế nhất (điều mà các sản phẩm sinh viên thực hiện thường không có do thiếu kinh nghiệm thực tế) nhưng vẫn cân bằng được chi phí bỏ ra. Để giải quyết vấn đề đó, những ngày đầu tiên nhóm đã đến trình bày ý tưởng tại CPC EMEC và nhận được những góp ý sâu sắc từ ban lãnh đạo của trung tâm về đề tài, phần nào có tính thực tế, phần nào chưa có tính khả thi để từ đó nhóm cải thiện được ý tưởng tốt hơn và trung tâm còn hỗ trợ nhóm một phần kinh phí và các tấm pin để thử nghiệm chạy robot. Ngoài ra, do đề tài khá lớn nên cũng gặp khó khăn về thời gian chuẩn bị, chi phí đầu tư vật liệu, một vài linh kiện không có ở nội địa phải nhập từ nước ngoài về,...


Ban tổ chức trao giải Nhì, Ba và Khuyến khích cho Đội Omni Park, đội Ambition và đội Builder và đội SmartFarmingBC

Sinh viên Lưu Thị Ngọc Lan - Lớp 14T, cũng là thành viên nữ duy nhất của nhóm cho biết, việc kết hợp nhiều chuyên ngành khác nhau có lợi thế là các thành viên trong nhóm có thể làm đúng lĩnh vực của mình, sử dụng những kiến thức kinh nghiệm chuyên ngành được học để giúp hoàn thiện sản phẩm có chất lượng cao, sát với thực tế nhất. Tuy nhiên, việc để các thành viên đa ngành có thể đồng bộ với nhau hiểu được các thành viên khác đang làm gì cũng là một thách thức.


Chụp hình lưu niệm cuộc thi IOT-AI Hackathon 2019

Hiện tại nhiều thành viên trong nhóm đang bước vào kì tốt nghiệp nên sẽ tạm dừng kêu gọi đầu tư mà chỉ tập trung phát triển đề tài, sau đó sẽ tiếp tục kết nối với doanh nghiệp và kêu gọi vốn đầu tư.

Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN