Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp

13/09/2018 09:46

Trong những năm gần đây, vấn đề liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp (DN) ngày càng được các trường đại học, cao đẳng coi trọng nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hiểu biết thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Theo đó, các trường mời DN cùng tham gia vào quá trình giảng dạy, hoặc gửi sinh viên (SV) về các DN thực tập; các quy định liên kết đào tạo chỉ rõ trách nhiệm của các trường cũng như DN để quá trình liên kết này ngày càng đi vào thực chất và có hiệu quả.

Chia sẻ về vấn đề liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN, PGS.TS Đoàn Quang Vinh (ảnh), Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho rằng, sự tham gia vào quá trình đào tạo của các DN tiếp tục ngay sau khi SV tốt nghiệp và được doanh nghiệp tuyển dụng.

* Có một thực tế là hầu hết các DN chưa có kế hoạch dài hạn về nhân sự nên các cơ sở đào tạo vẫn giữ vai trò là nơi để DN tìm đến phỏng vấn tuyển dụng SV chứ rất ít DN có đơn đặt hàng cụ thể. Ông có nhận xét gì về điều này?

- Hiện nay, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã có mối quan hệ chặt chẽ với hơn 200 DN, tập đoàn kinh tế lớn, tạo cầu nối vững chắc giữa nhà trường và DN trong việc giới thiệu SV thực tập và tạo việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt hơn, hầu hết các đối tác của nhà trường đều có kế hoạch, chiến lược về đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực trong những năm vừa qua.

Cụ thể, DN trực tiếp đặt hàng với nhà trường trong công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực, kế hoạch tuyển dụng từng giai đoạn phát triển. Điển hình là các DN như:

Công ty CP Ô-tô Trường Hải THACO, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Tập đoàn Intel, Công ty DooSan Vina, Công ty FPT…  Đồng thời, các DN cũng rất tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT), trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc cung cấp ý kiến phản hồi, góp ý có giá trị về SV cũng như CTĐT của nhà trường, tham gia vào quá trình đào tạo như tham gia hoặc tổ chức các hoạt động seminar, hỗ trợ trong việc thực tập của SV...

Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng hiện nay chủ yếu là các DN lớn mới tích cực tham gia vào suốt quá trình đào tạo của nhà trường.

* Theo ông, cần xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục-đào tạo như thế nào?

- Trong thời kỳ hội nhập và sự mở cửa tự do trong khu vực Đông Nam Á về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sự di chuyển tự do của thị trường lao động, nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất đối với sự phát triển của DN.

Nhìn từ góc độ chất lượng nguồn nhân lực, sự gắn kết giữa nhà trường và DN trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trên khía cạnh lợi ích cho nhà trường, DN và người học, từ đó tôi đưa ra một số mong muốn sự gắn kết giữa nhà trường và DN như sau.

Nhà trường rất mong muốn được DN tư vấn về việc sửa đổi và xây dựng CTĐT, góp phần nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho người học, trao đổi các thông tin về khoa học, công nghệ tiên tiến và nhu cầu về nguồn nhân lực trong thời điểm hiện tại và tương lai.

Nhà trường nâng cao được chất lượng đào tạo thông qua công bố chuẩn đầu ra (Learning Outcome) của SV tốt nghiệp của mỗi CTĐT - là kiến thức, kỹ năng và thái độ của người học đạt được khi tốt nghiệp.

Việc xây dựng chuẩn đầu ra cần có sự tham gia của các bên liên quan đến quá trình và chất lượng đào tạo: người học, cựu người học, giảng viên, DN, nhà tuyển dụng. Nhà trường nâng cao được chất lượng đào tạo cũng như tìm được đầu ra phong phú cho người học, từ đó nâng cao uy tín của học hiệu để đáp ứng sự thay đổi của bối cảnh xã hội và tầm nhìn của nhà trường.

Đồng thời, việc tham gia của DN trong suốt quá trình đào tạo của nhà trường cũng là một điều hết sức quan trọng. Sự tham gia này thể hiện ở các thông tin về công nghệ mới, nhu cầu mới của DN mà DN cung cấp cho SV nhà trường qua các buổi seminar, hội thảo.

Đó cũng là các đợt thực tập của SV tại chính DN. Tại đây, bên cạnh các kiến thức thực tế, SV còn có điều kiện trải nghiệm, hiểu thêm về cuộc sống nghề nghiệp, văn hóa của một DN thực tế.

Với cách nhìn và sự phối hợp chặt chẽ như vậy, DN sẽ luôn yên tâm có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao vững chắc hỗ trợ phát triển theo kế hoạch. DN sớm tiếp nhận những thông tin về khoa học, công nghệ từ các nhà khoa học và có thể đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của đơn vị.

DN sẽ được hưởng lợi khi tham gia vào công tác đào tạo, giúp rút ngắn tối đa khoảng cách giữa người học tốt nghiệp với thực tế DN mình, từ khâu thiết kế chương trình đến triển khai và cập nhật CTĐT, đánh giá chất lượng đào tạo, hỗ trợ thực tập và hỗ trợ tài chính, cở sở vật chất cho nhà trường và tham gia giảng dạy vào quá trình đào tạo như một hình thức đầu tư, phát triển bước đầu.

* Với việc triển khai mô hình dạy - học theo dự án mà Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đang triển khai thì sự vào cuộc của DN là rất quan trọng. Việc thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - nhà trường sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Có thể khẳng định rằng mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và DN có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường. Vì vậy, xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và DN cần phải có những giải pháp đồng bộ và tối ưu nhằm xây dựng và phát triển mối gắn kết bền vững này.


Sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tham quan thực tiễn tại Công ty AsianTech trong chương trình hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Trường ĐH Bách khoa đã thay đổi quan điểm đào tạo lấy người học làm trung tâm, chuyển từ “Content-based Education” (giáo dục theo nội dung, kiến thức) sang “Outcome-based Education” (giáo dục dựa trên kết quả), cam kết với người học và xã hội về chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp.

Càng ngày, các vấn đề thực tế trong từng lĩnh vực chuyên môn đòi hỏi người kỹ sư vừa phải có kiến thức tổng hợp nhưng cũng cần chuyên môn sâu của lĩnh vực, việc giải quyết các bài toán kỹ thuật thực tế trong đời sống đòi hỏi sự tích hợp kiến thức liên ngành và kỹ năng cao, cần xét cả những yếu tố về kinh tế xã hội.

Chính vì vậy, nhà trường quyết liệt thực hiện xây dựng và triển khai chương trình đào tạo theo hình thức Dạy học theo dự án (Project-based Learning – PBL). Trong mỗi học kỳ, sinh viên sẽ nhận một dự án (project) liên ngành, được phân bổ trong khóa học và thực hiện theo hình thức xoáy ốc với mức độ và yêu cầu cao dần.

Đối với mỗi dự án từng ngành, kiến thức của ngành là trọng tâm nhưng đòi hỏi thêm sự tích hợp nhiều lĩnh vực khác có liên quan; yêu cầu về chiều sâu kiến thức và kỹ năng của SV khi thực hiện các dự án càng về sau khóa học càng tăng. Những dự án này có thể do giảng viên đặt ra, cũng có thể là do DN đặt hàng. Đại đa số các dự án cuối khóa sẽ là các bài toán thiết thực đối với DN hoặc là chính các bài toán, các đề tài nghiên cứu của DN.

Nhà trường sẽ tăng đầu tư cơ sở vật chất, học liệu, bồi dưỡng giảng viên, tăng kết nối với DN từ khâu xây dựng chương trình đến triển khai chương trình và đánh giá quá trình đào tạo. Với cách triển khai như vậy sự tham gia của các DN vào quá trình đào tạo được gia tăng rất nhiều so với trước đây.

Đồng thời, SV cũng được làm quen với các vấn đề thực tiễn ngay từ những năm đầu của CTĐT. Sự gắn kết này tăng dần theo từng năm. Vào năm cuối cùng, SV sẽ được thực tập và làm đồ án tốt nghiệp ngay tại DN. Nhà trường đã và đang tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với rất nhiều DN tham gia vào quá trình đào tạo này. Điều này bảo đảm cho khả năng có việc làm và khởi nghiệp rất cao của SV sau khi ra trường.

* Xin cảm ơn ông!

Hà Trần - baodanang.vn