Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Dạy học qua dự án: Từ học kỹ năng riêng sang học tích hợp

06/02/2018 04:50

Dạy học qua dự án (Project-based Learning - PBL) được đánh giá là phương pháp phù hợp giúp SV áp dụng các kỹ năng liên môn, liên ngành để đạt được những kỹ năng vượt ra khỏi nội dung sách vở thuần túy.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã trò chuyện với Báo GD&TĐ xung quanh mô hình PBL:

Thưa PGS.TS, học qua dự án có phải là một mô hình giáo dục mới hay không?

PGS.TS Đoàn Quang Vinh: Việc Dạy học qua dự án (Project-based Learning - PBL) thực ra đã được triển khai trên thế giới, ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Theo báo cáo thì nhiều giáo viên và lãnh đạo nhà trường tại Mỹ xem xét PBL là một chiến lược dạy - học hiệu quả giúp sinh viên đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia Common Core State Standards của Hoa Kỳ về kiến thức và kỹ năng gồm Giao tiếp (Communication), Cộng tác (Collaboration), Phản biện (Critical Thinking) và Sáng tạo (Creativity).

Thông qua việc thiết kế tích hợp chương trình đào tạo (Integrated Curriculum), các dự án có thể được tổ chức rộng rãi ở các năm học khác nhau của chương trình đại học. Dự án đặt sinh viên vào những vai trò học tập tích cực như: Giải quyết vấn đề, ra quyết định, điều tra nghiên cứu tổng thể, đề xuất giải pháp, đánh giá hiệu quả của giải pháp, trình bày hay viết báo cáo. Sinh viên không chỉ tìm hiểu kiến thức và các yếu tố thuộc chương trình giảng dạy, mà còn áp dụng những gì họ biết để giải quyết các vấn đề thực.

Từ trước đến nay, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vẫn triển khai PBL, nhưng chỉ dừng ở mức độ từng môn riêng lẻ chứ chưa triển khai liên môn. Hiện nay, chúng ta cũng đang dạy cho SV các môn học gần như riêng lẻ với nhau, SV học từng môn một và cuối khóa sẽ làm đồ án tốt nghiệp.

Đây là một trong những lý do khiến cho SV và cả xã hội có nhận xét là thầy dạy nhiều, vì phải dạy những kiến thức, kỹ năng căn bản nhưng SV vận dụng sau khi ra trường lại không nhiều. Trong khi đó, có nhiều kiến thức khác các em lại không được học trong trường, nhiều kỹ năng ít được tập luyện như tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng tự học, tự nghiên cứu…

Với mục tiêu tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu, tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình, từ năm học 2018 – 2019, các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến của Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng sẽ được triển khai theo mô hình PBL.

Trong mỗi học kỳ, các SV sẽ được học lý thuyết cơ bản nhất trong các môn học với thời lượng giảm nhiều so với trước đây. Sau đó, SV sẽ được giao các dự án hoặc các bài tập lớn liên môn. Để thực hiện các nội dung này, SV sẽ phải tự đọc thêm, học thêm các kiến thức chuyên sâu và kiến thức liên quan của các môn học trong học kỳ dưới sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên và trợ giảng của nhà trường.

Xin ông cho biết những lợi ích và thách thức của việc Dạy học qua dự án?

Theo một báo cáo của Intel (Hoa Kỳ) thì SV phát triển được nhiều kỹ năng và tích lũy kiến thức từ PBL: Tăng tính chuyên cần, nâng cao tính tự lực và thái độ học tập; kiến thức thu được tương đương hoặc nhiều hơn so với những mô hình dạy học khác do khi được tham gia vào dự án SV sẽ trách nhiệm hơn trong học tập so với các hoạt động truyền thống khác trong lớp học; có cơ hội phát triển những kỹ năng phức hợp, như tư duy bậc cao, giải quyết vấn đề, hợp tác và giao tiếp; có được cơ hội rộng mở hơn trong lớp học, tạo ra chiến lược thu hút những học sinh thuộc các nền văn hóa khác nhau.

Nhưng để đạt được những lợi ích trên thì SV cũng phải thay đổi thói quen của lớp học truyền thống: Sự chuyển đổi từ làm theo mệnh lệnh sang thực hiện các hoạt động tự định hướng; từ việc ghi nhớ, nhắc lại sang khám phá, tích hợp và trình bày; từ chỗ lắng nghe và thụ động sang giao tiếp, chịu trách nhiệm; từ việc chỉ biết đến sự kiện, thuật ngữ và nội dung sang thông hiểu các quá trình; từ lý thuyết sang vận dụng lý thuyết; từ chỗ lệ thuộc vào giảng viên sang được trao quyền, được kích thích tư duy phản biện.

PBL cũng giúp giảng viên nâng cao tính chuyên nghiệp và sự hợp tác với đồng nghiệp, cơ hội xây dựng các mối quan hệ với SV. Nhiều giảng viên cảm thấy hài lòng với việc tìm ra được một mô hình triển khai, cho phép hỗ trợ các đối tượng SV đa dạng bằng việc tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn trong lớp học. Giảng viên cũng nhận thấy rằng người được hưởng lợi nhiều nhất từ PBL là những sinh viên không học tốt được theo cách dạy học truyền thống.

Tuy nhiên, giảng viên nếu muốn đưa PBL vào lớp học thì cần phải áp dụng những chiến lược dạy học mới để đạt được thành công: Nhận diện các tình huống để đem lại sự thành công cho dự án; Cấu trúc các vấn đề thành những hoạt động học tập (Learning Activity); hợp tác cùng đồng nghiệp để phát triển các dự án liên môn; quản lý quá trình học tập và hỗ trợ người học tự đánh giá; tích hợp và khai thác công nghệ số một cách hợp lý; phát triển các phương pháp đánh giá thực tế.

Thưa PGS, triển khai PBL ở quy mô rộng cho chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến, cần thiết phải có những điều chỉnh, thay đổi gì?

Với việc triển khai PBL ở mức độ liên môn, Trường ĐH Bách khoa xác định đây thực sự là một cuộc cách mạng trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Trước hết, nhà trường phải rà soát và xây dựng lại toàn bộ từ chương trình, cách tổ chức đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra - đánh giá, chuẩn đầu ra… Vì là liên môn nên trong đánh giá, phải xây dựng được chuẩn đầu ra của từng môn tương ứng với lượng kiến thức mà sinh viên buộc phải nắm được, nói nôm na là việc xây dựng ba - rem chấm điểm thuyết trình dự án của SV là một công việc khá mới mẻ.

Ngay từ đầu năm thứ nhất, SV các chương trình tiên tiến và chất lượng cao sẽ tập trung học ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của chương trình học và một số môn như Toán, Vật lý… Chương trình sẽ thiết kế lại theo hướng giảm thời gian học lý thuyết nên để SV đủ lượng kiến thức triển khai được dự án thì cần phải có đủ giáo trình, tài liệu tham khảo, có sự hướng dẫn thêm của giảng viên, phải có nơi để SV làm việc nhóm, tối thiểu như bàn ghế phải là bàn ghế rời để tiện cho SV di chuyển; phòng thí nghiệm phải mở cửa để phục vụ từng nhóm SV thay vì mở theo giờ như trước đây. Những điều này sẽ kéo theo sự thay đổi trong chính sách vận hành để triển khai PBL như mức thanh toán cho giảng viên, trợ giảng tham gia hướng dẫn dự án...

Để triển khai PBL, ngoài nỗ lực của đội ngũ giảng viên, chúng tôi rất cần sự chung tay hỗ trợ từ các doanh nghiệp như đưa dự án vào nhà trường, cùng đội ngũ giảng viên của trường tham gia hướng dẫn SV thực hiện dự án… Với PBL, SV càng những năm cuối càng rất cần gắn kết với doanh nghiệp để tăng tính thực tiễn và ứng dụng cho dự án.

Theo Hà Nguyên- Báo Giáo dục Thời đại