Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

35 năm thành lập ngành CNTT– ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng: Từ “Nhóm Tính toán Minsk – 22” đến địa chỉ đào tạo nhân lực CNTT uy tín tại Việt Nam

02/10/2014 03:58

(ictdanang) – Một sự kiện đáng nhớ trong lộ trình phát triển lĩnh vực Công nghệ thông tin – CNTT- của TP Đà Nẵng, địa phương 6 năm liền dẫn đầu chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (bảng xếp hạng dành cho khối địa phương trên cả nước) và địa phương đi tiên phong trong xây dựng và vận hành Chính quyền điện tử cấp TP đầu tiên tại Việt Nam: Ngành CNTT Đại học (ĐH) Bách khoa – ĐH Đà Nẵng tròn 35 năm thành lập.

Tính đến nay,Khoa đã đào tạo được trên 3.900 kỹ sư và thạc sĩ ngành CNTT. Các sinh viên ngành CNTT của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã được các cơ quan, doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng chuyên môn, năng động, nhanh chóng thích nghi với sự phát triển công nghệ và hội nhập. Nhiều cựu sinh viên và học viên của Khoa hiện nay đang nắm giữ các vị trí chủ chốt của cơ quan, doanh nghiệp.

alt
Phó GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng đương nhiệm ĐH Bách khoa Đà Nẵng và Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Khoa CNTT (hàng đứng phía sau, từ trái sang) thăm Trung tâm Phát triển ứng dụng di động Nokia. -Ảnh: T.N.

Viên gạch đầu tiên: “Nhóm tính toán Minsk – 22”

Năm 1979, lúc đó tên gọi đầu tiên là Nhóm Tính toán trực thuộc Bộ môn Toán, Khoa Cơ bản. Cô Bùi Thị Hoàng, thầy Phan Huy Khánh, thầy Phan Đình Lợi là 3 thành viên đầu tiên của Nhóm. Và người đã chỉ đạo thành lập Nhóm là thầy Lý Ngọc Sáng – lúc đó là Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Và chiếc máy tính điện tử đầu tiên được trang bị cho Nhóm Tính toán chính là chiếc máy tính Minsk-22 do Liên Xô sản xuất (được ĐH Bách khoa Hà Nội chuyển vào hỗ trợ).” – Phó GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng đương nhiệm ĐH Bách khoa Đà Nẵng hôm nay nhớ lại.

alt
Nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp Công nghiệp hóa-Hiện đại hóa bắt đầu từ đây ... -Ảnh: T.Ngọc.

Năm 1982, Bộ môn Kỹ thuật tính toán được thành lập, do thầy Huỳnh Đốc làm Trưởng Bộ môn, trực thuộc Ban Giám hiệu nhà trường.

Đây cũng là những viên gạch nền tảng đầu tiên, là tiền thân của Khoa CNTT ngày nay.

Năm 1984, Bộ môn Kỹ thuật tính toán được đổi tên thành Bộ môn Máy tính do thầy Phan Huy Khánh làm Trưởng Bộ môn.Cũng trong năm này, Bộ môn Máy tính tiếp nhận hai máy tính Apple - quà tặng của Việt kiều Quảng Nam - Đà Nẵng tại Pháp và một máy tính NEC - quà tặng của Việt kiều tại Nhật Bản. Năm 1986, thầy Nguyễn Ngọc Diệp được cử làm Trưởng Bộ môn.

Năm 1986, Bộ môn Tin học, trực thuộc Ban giám hiệu Phân hiệu Đại học Kinh tế Đà Nẵng được thành lập, do thầy Lê Văn Sơn làm Trưởng Bộ môn. Đến năm 1988, Bộ môn Máy tính của ĐH Bách khoa và Bộ môn Tin học của Phân hiệu Đại học Kinh tế lại hợp nhất thành Bộ môn Tin học, trực thuộc trường ĐH Bách khoa, thầy Lê Văn Sơn vẫn làm Trưởng Bộ môn và cô Bùi Thị Hoàng làm Phó Trưởng Bộ môn. Năm 1989, thầy Tạ Văn Tới được bầu làm Trưởng Bộ môn.

Năm 1991, Bộ môn Tin học được sát nhập vào Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng Tin học vừa mới được thành lập, do thầy Trần Quốc Chiến làm Giám đốc, các thầy Lê Văn Sơn và thầy Võ Ngọc Anh làm Phó Giám đốc. Năm 1992 đánh dấu một mốc quan trọng: Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng Tin học bắt đầu mở ngành đào tạo Kỹ sư Tin học.

Năm 1995, Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng Tin học và Bộ môn Mạch - Điện tử, Khoa Điện được sát nhập để thành lập Khoa Công nghệ Thông tin, do thầy Phan Huy Khánh làm Trưởng Khoa. Năm 1999, Khoa được đổi tên thành Khoa Công nghệ Thông tin và Điện tử - Viễn thông, do thầy Phạm Vĩnh Minh làm Trưởng Khoa, thầy Phan Thanh Tao làm Trưởng Bộ môn Tin học.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực về CNTT phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng, cũng như miền Trung-Tây Nguyên, năm 2004, Khoa được tách thành 2 Khoa: CNTT và Điện tử -Viễn thông. Thầy Đặng Bá Lư được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa CNTT.

alt
Chiều nay 26/9, chương trình Kỷ niệm 35 năm thành lập ngành CNTT ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã bắt đầu với sự kiện đầu tiên của của chuỗi các hoạt động, đó là "Giao lưu giữa các cựu SV CNTT với các thế hệ SV CNTT đang theo học tại Trường hôm nay". Buổi giao lưu đã diễn ra trong bầu không khí ấm cúng, xúc động nhưng cũng rất sôi động. Thay mặt Ban Chủ nhiệm khoa, Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình đã tặng hoa đến các Cựu SV là khách mời của chương trình Giao lưu.
alt
-Ảnh: T.Ngọc.

Chặng đường mới

Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng khoa CNTT, ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tự hào cho biết: Sau 35 năm phát triển, Khoa CNTT hiện nay có đội ngũ cán bộ mạnh về chất và lượng, đáp ứng nhu cầu của hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác trong thời kỳ mới, gồm 35 cán bộ, trong đó có 3 Phó giáo sư, 8 Tiến sĩ, 6 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh ở Pháp, Úc, Nhật và Việt Nam.

Về cơ sở vật chất, Khoa được trang bị 9 phòng thí nghiệm gồm 350 máy tính, trong đó có phòng thí nghiệm CISCO, phòng thí nghiệm hệ thống nhúng và phòng thí nghiệm Nokia.

Khoa CNTT hiện nay có đầy đủ các bậc đào tạo: Kỹ sư (từ 1992), Thạc sĩ(từ 1999) và Tiến sĩ (từ 2010). Hằng năm, Khoa tuyển 250 sinh viên hệ Kỹ sư, 50-70 học viên Thạc sĩ và 5-7 nghiên cứu sinh. Hiện nay, Khoa đang quản lý 1.250 sinh viên kỹ sư, 150 học viên cao học và 32 nghiên cứu sinh.

Ngoài chương trình đào tạo Kỹ sư đại trà, Khoa còn có: (1) Chương trình đào tạo Kỹ sư Đặc biệt-Chất lượng cao, liên kết với Đại học Monash, Úc; (2) Chương trình đào tạo Kỹ sư Chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV), liên kết với Đại học Polytech Marseille và Đại học Bách khoa Grenoble; (3) Chương trình đào tạo Kỹ sư tăng cường tiếng Pháp, được hỗ trợ bởi Cộng đồng các trường đại học Pháp ngữ (AUF).

alt
Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng khoa CNTT, ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trình bày tham luận tại Thực trạng và nhu cầu nguồn nhân lực cho doanh nghiệp phần mềm và nội dung số tại thành phố Đà Nẵng. -Ảnh: T.Ngọc.

Từ năm 1992, quy mô đào tạo sinh viên của khoa tăng dần. Nếu như khóa đầu tiên chỉ có 29 sinh viên, thì hiện nay mỗi khóa có 250 sinh viên. Trong suốt những năm qua, Khoa đã đào tạo được hơn 3.000 kỹ sư CNTT và gần 900 Thạc sĩ. Cuối năm nay, những nghiên cứu sinh khóa đầu tiên sẽ bảo vệ luận án Tiến sĩ. Theo điều tra của trường ĐHBK, 60% sinh viên tốt nghiệp Khoa CNTT có việc làm ngay khi tốt nghiệp và sau một năm thì 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Đầu năm 2014, Khoa đã thực hiện điều tra về nhân sự lao động tại 12 doanh nghiệp CNTT trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Tổng số nhân viên CNTT của các doanh nghiệp này là1.773, trong đó có 776 nhân viên là sinh viên tốt nghiệp từ Khoa CNTT, trường ĐH Bách khoa (chiếm 43,77%).

Trong số 265 nhân sự quản lý (giám đốc, trưởng dự án, trưởng nhóm), có 110 nhân viên tốt nghiệp từ Khoa CNTT, trường ĐH Bách khoa (chiếm 41,51%).

Kết quả điều tra này dù ở quy mô nhỏ nhưng đã cho thấy một cách tương đối: Khoa CNTT, trường ĐH Bách khoa đã và đang cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cả về số lượng và chất lượng cho các doanh nghiệp CNTT trên địa bàn.

Để phục vụ cho công tác giảng dạy, các giảng viên của Khoa đã biên soạn nhiều bài giảng, bài giảng điện tử và giáo trình. Đặc biệt, Khoa đã xuất bản nhiều sách giáo trình như: Tin học đại cương (Tập thể giảng viên Khoa biên soạn), Lập trình hàm, Lập trình logic (PGS. TS Phan Huy Khánh biên soạn), Lập trình trực quan (PGS. TS Võ Trung Hùng biên soạn), Lập trình Matlab (ThS. Phan Thanh Tao biên soạn), Ngôn ngữ hình thức, Kiểm thử phần mềm (PGS. TS. Nguyễn Thanh Bình biên soạn), Bài tập Cơ sở dữ liệu (TS. Trương Ngọc Châu biên soạn), Bài tập Java (TS. Huỳnh Công Pháp biên soạn)...

alt
Ngày 17/3/2014, Khoa CNTT ĐH Bách khoa Đà Nẵng và Công ty Nokia Vietnam cùng Game Loft Việt Nam trao giải thưởng Cuộc thi viết ứng dụng cho các thiết bị Nokia mang tên Hackathon, đến các Tác giả và Nhóm tác giả đã giành thứ hạng cao nhất của cuộc thi. Giải NHẤT đã thuộc về Game “SƠN THẦN” của Nhóm SV Trần Minh Luận, Nguyễn Tấn Trọng và Hoàng Văn Long (ảnh trên). -Ảnh: T.N.

Mô hình Nhóm nghiên cứu DATIC và phong trào nghiên cứu khoa học của cộng đồng IT-BK”

Với mục tiêu hướng đến Đại học nghiên cứu của nhà trường, Khoa CNTT là một trong những đơn vị của nhà trường đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học. Khoa đã xây dựng nhóm nghiên cứu DATIC, gồm các hướng nghiên cứu chính: Xử lý ngôn ngữ tự nhiên, Xử lý ảnh, Mô hình hóa hình học, Kiểm thử phần mềm, Học máy, Hệ hỗ trợ ra quyết định, Web ngữ nghĩa, Hệ thống đa tác tử, Khai phá dữ liệu. Các cán bộ của Khoa đã thực hiện nhiều đề tài, dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở.Số lượng và chất lượng công bố về nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, trung bình mỗi cán bộ xuất bản 1 bài báo / 1 năm.

Hằng năm, Khoa thường xuyên tổ chức và phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo nghiên cứu khoa học quốc tế, quốc gia về CNTT, điển hình như Hội nghị RIVF2009, Hội nghị KSE 2012, Hội nghị SoICT 2013, Hội nghị RAIT 2014...

alt
Hoạt động nghiên cứu khoa học kích thích đam mê, khám phá trong SV CNTT Bách khoa Đà Nẵng, trở thành động lực để các em miệt mài "chạm đến đỉnh cao".-Ảnh: T.N.

Phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng được đẩy mạnh. Sinh viên của Khoa thường xuyên tham gia và đạt nhiều giải cao trong các Hội nghị nghiên cứu khoa học của trường và ĐH Đà Nẵng, cũng như các cuộc thi Olympic Tin học toàn quốc và cuộc thi lập trình quốc tế ACM.

Hiệu trưởng đương nhiệm ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng, Phó GS.TS Lê Kim Hùng nhìn nhận thêm:

Bên cạnh công tác đào tạo, Khoa CNTT của Trường chúng tôi còn là một trong những đơn vị tiên phong của nhà trường trong các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp như thường xuyên mời chuyên gia từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy, hướng dẫn sinh viên làm luận văn... Như đã nói ở trên, Ban Chủ nhiệm đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, xây dựng Trung tâm Công nghệ xuất sắc IBM và Trung tâm phát triển ứng dụng Nokia nhằm phục vụ cho các hoạt động đào tạo sinh viên.

Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, các cán bộ giảng viên trong Khoa đã và đang chủ trì, tham gia và hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu các cấp. Đồng thời, cũng biên soạn nhiều sách, giáo trình, viết nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế. Và điểm nổi bật là trong mấy năm gần đây, Khoa đã kết hợp với nhiều Trường Đại học và Viện nghiên cứu tổ chức thành công nhiều Hội nghị Khoa học quốc tế và quốc gia trong lĩnh vực CNTT và liên quan. Sự thành công của các hội nghị đã tạo tiếng vang tốt cho Khoa CNTT, Trường Đại học Bách khoa cũng như Đại học Đà Nẵng.

“Khoa sẽ tiếp tục phát triển Nhóm Nghiên cứu chuyên sâu, có uy tín trong khu vực và trên thế giới” – Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển

Được biết, song song với công tác nghiên cứu khoa học, Khoa CNTT đã không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế với các trường đại học (ĐH) trên thế giới: (1) Hợp tác với ĐH Polytech Marseille và ĐH Bách khoa Grenoble, Pháp về NCKH, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh và chương trình đào tạo Chất lượng cao PFIEV; hợp tác với ĐH Monash, Úc về chương trình đào tạo liên kết theo mô hình 3+2 và 4+1; (3)hợp tác với ĐH Kogakuin, Nhật và ĐH Montréal, Canada về NCKH và đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh; (4) hợp tác với ĐH Turku, Phần Lan về nâng cao quan hệ doanh nghiệp và chất lượng giảng dạy.

alt
Từ trái sang: Ông Vinod Muralidharan – Giám đốc điều hành và ông Fabien Lotz, Giám đốc hệ sinh thái di động (Công ty Nokia Việt Nam) cùng Phó GS.TS Lê Kim Hùng– Hiệu trưởng ĐHBK Đà Nẵng cắt băng khánh thành TT Phát triển ứng dụng di động Nokia Mobile Innosphere đặt tại khuôn viên ĐHBK Đà Nẵng. -Ảnh: T.Ngọc.

Nhằm đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, Khoa rất chú trọng hợp tác với các doanh nghiệp.

Hằng năm nhiều hoạt động hợp tác doanh nghiệp được triển khai như: Tổ chức Tuần lễ giao lưu Doanh nghiệp và Sinh viên , kết hợp hoạt động tuyển dụng lao động ; Gửi Sinh viên năm cuối đến thực tập và làm luận văn tốt nghiệp tại các doanh nghiệp; Mời chuyên gia doanh nghiệp cùng tham gia hướng dẫn sinh viên làm luận văn và tham gia Hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp ; Mời chuyên gia của doanh nghiệp giảng dạy môn học chính khóa (trong đó, năm 2013, đã có 6 môn học chính khóa được giảng dạy bởi các chuyên gia doanh nghiệp); Mời chuyên gia doanh nghiệp đến làm xê-mi-na về ứng dụng thực tế hoặc giảng dạy thực hànhcho môn học ; Mời các lãnh đạo và chuyên gia quản lý cấp cao của doanh nghiệp đến định hướng nghề nghiệp cho các sinh viên mới nhập học.

Các hoạt động hợp tác thường niên này được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhiều doanh nghiệp, như Fsoft, Enclave, Axon Active, LogiGear, Sioux, Gameloft, Renesas, QGS, eSilicon, Viettel, Magrabit, Unitech, Softech, SDC, Nokia, IBM... và đặc biệt được sự hưởng ứng và đánh giá tích cực của tất cả các sinh viên.

Chính nhờ các hoạt động này, tỷ lệ sinh viên CNTT có việc làm rất cao và rất sớm sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, năm 2011, Khoa đã phối hợp với IBM Việt Nam thành lập Trung tâm Công nghệ xuất sắc IBM đầu tiên của miền Trung tại trường ĐHBK.

Năm 2013, Khoa phối hợp với Nokia Việt Nam thành lập Trung tâm Phát triển ứng dụng di động Nokia tại trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - Trung tâm thứ 5 trên cả nước và đầu tiên tại miền Trung. Các trung tâm hợp tác này đã góp phần tạo nên môi trường để giảng viên và sinh viên tiếp cận, nghiên cứu các công nghệ mới, phát triển các ứng dụng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Bước chuyển mình từ truyền đạt kiến thức sang phát huy kỹ năng sinh viên

Sắp đến, Khoa sẽ triển khai thêm chuyên ngành đào tạo Kỹ sư An toàn, an ninh thông tin; hợp tác với ĐH Catholic University of America, Mỹ để xây dựng chương trình tiên tiến CNTT, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh; xây dựng thêm chương trình Thạc sĩ nghiên cứu; và chương trình đào tạo Tiến sĩ tập trung.

alt
Phó GS.TS Lê Kim Hùng thăm giờ thực hành tại Chương trình đào tạo Chất lượng cao ngành CNTT ĐH bách khoa, ĐH Đà Nẵng.                                                -Ảnh: T.N

Phó GS.TS Lê Kim Hùng khẳng định và chia sẻ:

Có thể nói rằng CNTT đã và luôn được coi là một trong những ngành đào tạo mũi nhọn của ĐH Bách khoa chúng tôi, phù hợp với xu thế CNTT nói riêng, khoa học và công nghệ nói chung đang ngày càng khẳng định vị thế “có ảnh hưởng, có tác động lớn nhất” trên toàn cầu. Nhớ lại mấy chục năm về trước, khi nhà trường quyết định thành lập Nhóm Tính toán trực thuộc Bộ môn Toán, Khoa Cơ bản rồi Bộ môn Máy tính ….35 năm đã trôi qua, và đó là cả chặng đường mà các thế hệ thầy và trò Khoa CNTT đã phấn đấu không biết mệt mỏi và rất kiên trì.

Trong giai đoạn phát triển sắp tới, nhiệm vụ đặt ra sẽ ngày càng nặng nề, đòi hỏi Ban Lãnh đạo và toàn thể cán bộ, giảng viên trong khoa phải liên tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy theo hướng hiện đại, chuyển từ truyền đạt kiến thức sang phát huy kỹ năng sinh viên, trang bị hành trang tốt nhất cho học viên, sinh viên khi ra trường. Ban Giám hiệu nhà trường đã lưu ý Ban Chủ nhiệm Khoa cần tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng; hoàn thiện hệ thống giáo trình, tài liệu, trang thiết bị dạy và học, đáp ứng quy mô, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, khẳng định vị thế là địa chỉ đào tạo nhân lực CNTT uy tín tại Việt Nam.