Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Đại học Đà Nẵng & Đại học Nice Sophia Antipolis vinh danh và trao bằng Thạc sỹ có giá trị quốc tế đến 38 Học viên Cao học

23/04/2013 07:37

Chiều ngày 22/4/2013, Đại học (ĐH) Đà Nẵng và ĐH Nice Sophia Antipolis đã tổ chức trao bằng Thạc sỹ chuyên ngành Quản lý nguồn Nước và Môi trường; Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh.

 

Bằng Thạc sỹ nầy có giá trị công nhận quốc tế.

Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và ĐH Nice Sophia Antipolis lần lượt chụp ảnh lưu niệm cùng 38 Tân Thạc sỹ.   -ảnh: Duy Bảo (ĐH Đà Nẵng).

Phó GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết:

Trong định hướng xây dựng ĐH Đà Nẵng trở thành ĐH Nghiên cứu, Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng hết sức coi trọng quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là các dự án liên kết, trao đổi song phương về học thuật, đào tạo sau ĐH và nghiên cứu khoa học. Thành quả của kỳ trao bằng hôm nay, đánh dấu cột mốc đáng ghi nhớ trong quan hệ hợp tác giữa ĐH Đà Nẵng và ĐH Nice Sophia Antipolis, thúc đẩy chúng tôi nỗ lực hơn trong đổi mới chương trình, phương pháp; tăng cường hợp tác và tiếp thu những thành tựu đào tạo tiên tiến; nâng cao chất lượng đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực bậc cao cho xã hội.

Cùng có chung nhìn nhận với Phó GS.TS Trần Văn Nam, Giáo sư Frederic Vidal - Chủ tịch ĐH Nice Sophia Antipolis nhấn mạnh thêm : Đây là thành quả bước đầu trong hợp tác của Cộng đồng chúng ta - Một Cộng đồng học thuật không biên giới, trong phạm vi một chương trình trao đổi nghiên cứu và học thuật có tầm quốc tế. Cộng đồng chúng ta có trách nhiệm xây dựng tương lai, bởi hôm nay, trường ĐH trở thành một thành tố không thể thiếu của thế giới nầy. Quan trọng hơn, cộng đồng chúng ta đang nỗ lực để mọi người tiếp cận khoa học bằng những nhận thức mang đậm tính nhân văn.

Phó GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng (bên phải ảnh) và Giáo sư Frederic Vidal - Chủ tịch ĐH Nice Sophia Antipolis (bìa trái ảnh) tiến hành nghi thức công nhận và trao bằng đến các Tân Thạc sỹ. -ảnh : T.Ngọc

Được biết, trong đợt tốt nghiệp và vinh dự được nhận bằng Thạc sỹ lần này, chuyên ngành Quản lý nguồn Nước và Môi trường có 12/17 học viên; chuyên ngành Quản trị Kinh doanh có 26/31 học viên. Điều đó cho thấy, với một quy trình đào tạo nghiêm ngặt, những yêu cầu rất cao được đặt ra đối với nghiên cứu sinh, không dễ gì, học viên Cao học nào cũng có thể nhận bằng Thạc sỹ có giá trị quốc tế.

Phó GS.TS Trần Văn Nam, Giáo sư Frederic Vidal cũng bày tỏ cùng các Tân Thạc sỹ :

Khoa học kỹ thuật phát trển không ngừng, những kiến thức chúng ta vừa mới học, sẽ nhanh chóng bị lỗi thời. Tinh thần Học – Học nữa – Học mãi; Học để biết – Học để thực hành và Học để sáng tạo, để đóng góp các giải pháp mới cho hàng loạt vấn đề mà cuộc sống đặt ra; cộng đồng đặt ra chính là trách nhiệm nặng nề của những người hôm nay được xướng danh, được trao bằng. Trách nhiệm đó thôi thúc các bạn. Bởi, giá trị thặng dư ngày hôm nay, nằm trong chính kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực.

Lập trình viên khuyết tật - Giải thưởng Sao Khuê 2005 - nhận thêm bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh !

Trong số các Học viên Cao học nhận bằng Thạc sỹ chiều 22/4, có một gương mặt rất quen thuộc với giới truyền thông và công chúng ngưỡng mộ những tấm gương nghị lực của Người khuyết tật: Thạc sỹ Phạm Chí Nghĩa.

Năm 2005, cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm Softech Đà Nẵng Trần Quang Minh (sinh 1976), Trần Quang Thịnh (1979), Trịnh Thị Ngọc Linh (1979) và Phạm Văn Cường (1980), Phạm Chí Nghĩa đã tham gia xây dựng một phần mềm phục vụ Quản lý giáo dục; đáp ứng nhu cầu khai thác tư liệu phục vụ học tập của học sinh. Nhóm của Nghĩa đặt tên cho phần mềm mang tên Softech Eden.

Phần mềm đã giành Giải thưởng Triển vọng - giải thưởng Sao Khuê 2005 (giải thưởng uy tín về phần mềm của Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm VN).

Được biết, năm tròn 3 tuổi, Nghĩa bị sốt cao, khi sử dụng thuốc, không may, Nghĩa bị sốc thuốc rất nặng. Di chứng sau cơn nguy kịch là suốt đời, Nghĩa phải ngồi xe lăn, dù Ba Mẹ Nghĩa, bằng tình thương vô bờ dành cho cậu con trai đầu lòng, đã chạy chữa tứ phương.

Tốt nghiệp cấp III, Nghĩa nộp đơn dự thi vào Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và sau 5 năm, đến giảng đường, phòng thực hành, rồi thư viện, cũng như KTX bằng chiếc xe lăn, Nghĩa chứng minh ngoạn mục khả năng "tàn những không hề phế" của mình: Xuất sắc giành thứ hạng cao nhất của kỳ tốt nghiệp tháng 7/2001: Thủ khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Cũng cần nói thêm một đóng góp rất có ý nghĩa của Phạm Chí Nghĩa:

Ngày nay các Sở, Ban, Ngành và UBND các Quận, Huyện; Xã, phường trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã quen với cụm từ Website điều hành tác nghiệp (hay còn gọi Văn phòng không giấy).

Nghĩa là một trong số ít những tác giả đã tham gia ngay từ đầu việc lập trình, xây dựng Văn phòng không giấy đó !.

Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng (Nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ phần mềm (Softech) Đà Nẵng), ông Phạm Kim Sơn – Tác giả ý tưởng Phần mềm ứng dụng Website điều hành tác nghiệp (hay còn gọi Văn phòng không giấy) nhớ lại và khẳng định:

Được khởi xướng, sau đó đi vào xây dựng, vận hành thử nghiệm rồi phát triển cho đến ngày nay, Website điều hành tác nghiệp (hay còn gọi Văn phòng không giấy) đã trở thành thành tựu đầu tiên, góp phần quan trọng cho Chương trình Ứng dụng CNTT, phát triển từng bước và đi đến hình thành Dự án Xây dựng Chính quyền điện tử (gọi tắt là đề án 112) của TP Đà Nẵng.

Và Phạm Chí Nghĩa là một trong những thành viên đầu tiên đã đóng góp xây dựng nên công trình ấy.

Trần Ngọc thực hiện