Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

“Khát” nguồn nhân lực chất lượng cao – Cơ hội cho sinh viên Đại học Bách khoa, ĐHĐN

01/03/2019 13:39

Cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới và ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Đây là cơ hội lớn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC) đang là thách thức đặt ra đối với Việt Nam, phải làm thế nào để nắm bắt được cơ hội nhưng đầy thách thức này?

Chúng ta có thể nhận thấy, hiện nay các nước dẫn đầu như Mỹ, Nhật Bản đang dần chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với CMCN 4.0. Các doanh nghiệp tập trung tìm kiếm nguồn nhân lực CLC phục vụ các lĩnh vực chính như: công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; cơ khí; điện tử; tự động hóa; công nghiệp chế tạo, Robot thế hệ mới... Cuộc CMCN 4.0 sẽ là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; nguồn nhân lực CLC. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Hiện nay, khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung, đặc biệt là Đà Nẵng, đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ các chính sách ưu tiên, ưu đãi và môi trường kinh doanh cạnh tranh; thành phố còn được đánh giá cao bởi tính an toàn, thân thiện, môi trường sống xanh, sạch, an ninh và có nhiều dịch vụ tiện ích. Đây cũng là trung tâm giáo dục – đào tạo của miền Trung với hệ thống đào tạo khá toàn diện gồm 24 trường đại học và cao đẳng, 19 trường trung học chuyên nghiệp và 59 trung tâm dạy nghề. Nguồn nhân lực dồi dào với 70% dân số trẻ và có tay nghề cao là một lợi thế lớn của Đà Nẵng trong thu hút đầu tư.


Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN là trường Đại học trọng điểm trong việc đào tạo nguồn nhân lực lỹ thuật chất lượng cao của khu vực Miền Trung –Tây Nguyên

Gần đây nhất, Tập đoàn UAC của Mỹ vừa quyết định đầu tư 170 triệu USD để sản xuất thân máy bay và động cơ Rolls Royce tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Theo Tập đoàn UAC, tại Đà Nẵng, tập đoàn sẽ sản xuất 4.000 chi tiết/5 triệu chi tiết máy bay các loại để xuất khẩu trong thị trường hàng không. Mục tiêu vào năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 25 triệu USD, nâng lên 85 triệu USD vào năm 2022 và tạo ra giá trị xuất khẩu trên 180 triệu USD mỗi năm từ sau năm 2026. Doanh nghiệp này có kế hoạch tuyển dụng 1.200 lao động CLC về lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa; đồng thời cũng phát triển chuỗi sản xuất về ngành công nghiệp hỗ trợ với việc thu hút trên 2.000 lao động khác.


Tập đoàn UAC đầu tư 170 triệu USD để sản xuất thân máy bay và động cơ Rolls Royce (Ảnh: tin24h.site)

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng có chủ trương chấp thuận Công ty TNHH TCIE Việt Nam điều chỉnh dự án đầu tư với việc tăng vốn từ 100 triệu USD lên 150 triệu USD. Đây là dự án sản xuất, lắp ráp ô-tô tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh và đã hoạt động từ năm 2009.

Hay Dự án CLB cưỡi ngựa của Công ty TNHH Keyhinge Toys Việt Nam với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Nhà máy sản xuất máy nén khí và robot hút bụi của Công ty Alton International Enterprises Limited tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 87 triệu USD.

Phải kể đến Dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, tổng vốn 70 triệu USD, do Tập đoàn Key Tronic EMS (Mỹ) đầu tư; dự án mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Mabuchi Motor, có tổng vốn 30 triệu USD, do Công ty TNHH Mabuchi Motor đầu tư; dự án Nhà máy chế tạo gia công các loại ống xả, có vốn 7 triệu USD, do Hao Hsing Investment Co., Ltd đầu tư; dự án sản xuất và lắp ráp ô tô các loại GAZ TD, có vốn 6 triệu USD, do Công ty TNHH Gaz Thành Đạt làm chủ đầu tư,…

Ít nhất 13 dự án dự kiến sẽ được UBND TP Đà Nẵng trao thông báo nghiên cứu đầu tư với tổng số vốn hơn 3,6 tỷ USD (Theo vietnamnet.vn).

Các dự án lớn đầu tư vào Thành phố Đà Nẵng đang thực sự “khát” nguồn nhân lực CLC thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Cơ khí, Cơ khí giao thông, Điện tử, Quản lý dự án, Xây dựng công nghiệp, Môi trường,…

Những con số mà các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Đà Nẵng cho chúng ta thấy rằng, Đà Nẵng đang thực sự trở thành một “Global City”. Cơ hội đang đến với Đà Nẵng và thách thức đặt ra là vô cùng lớn, đặc biệt là cung cấp nguồn nhân lực CLC đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng – một cơ sở giáo dục, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực CLC cho Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung  - Tây Nguyên nói chung.

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng chuyên đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý công nghiệp có trình độ cao. Vài năm gần đây, Nhà trường duy trì được tỷ lệ sinh viên  tốt nghiệp có việc làm khá cao, thậm chí tỷ lệ đạt trên 94%.Từ năm 2018, Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN có đến 4 chương trình đào tạo gồm: Kỹ thuật điện-điện tử, Kỹ thuật điện tử-viễn thông, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật dầu khí được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA (chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á), nâng tổng số lên 6 chương trình đạt chuẩn AUN-QA. Cả 4 chương trình đều thuộc những nhóm ngành, nghề đang có sức hút trên thị trường lao động nhiều năm qua.


Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN luôn chú trọng đến đào tạo kĩ năng nghiên cứu cho sinh viên và cải tiến chương trình đào tạo theo hướng “Học theo dự án”

Nhà trường có 14 Khoa với chương trình đào tạo được cải tiến theo hướng học theo dự án (Project Based Learning). Điểm nhấn của các chương trình là giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành tại các doanh nghiệp. Nhờ đó các bạn sinh viên có cơ hội tiếp xúc, thực tập tại các doanh nghiệp  sớm hơn và lâu hơn. Đã có rất nhiều sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng sau thời gian thực tập, được doanh nghiệp tạo điều kiện tiếp tục làm việc tại công ty, nhà máy.


Sinh viên ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thường xuyên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và chế tạo máy móc áp dụng thực tiễn

Đón đầu và chuẩn bị từ sớm việc chuẩn hóa các ngành đào tạo mũi nhọn này được xem là yếu tố giúp nhà trường đáp ứng nguồn lao động CLC cho thị trường lao động.

Trong tình hình thị trường lao động đang cạnh tranh gay gắt hiện nay, yêu cầu đối với nguồn nhân lực ngày càng cao cả về kĩ năng lẫn ngoại ngữ. Chính vì vậy, các bạn học sinh và sinh viên cần định hướng mục tiêu học tập và công việc của bản thân; nắm bắt mọi cơ hội để chủ động tìm cho mình môi trường học tập và làm việc phù hợp với khả năng. Hãy chuẩn bị hành trang thật vững chắc để tự tin tham gia vào đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao thời đại 4.0./.

Bài: Trung tâm Học liệu và Truyền thông Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng