Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN tham dự Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp Đà Nẵng lần thứ 2 - SURF 2017

24/07/2017 08:34

Ngày 21-22/7, Hội nghị và Triển lãm Khởi nghiệp Đà Nẵng SURF 2017 với chủ đề “Công nghệ và Hệ sinh thái khởi nghiệp” đã diễn ra với sự tham gia đông đảo từ các đại biểu gồm các lãnh đạo, các đối tác trong nước và quốc tế, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ban lãnh đạo và sinh viên các trường đại học ở Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Nam, Bình Định, Cần Thơ, Đồng Tháp…


Ông Võ Duy Khương - Chủ tịch Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, Chủ tịch Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng phát biểu khai mạc sự kiện

SURF là sự kiện khởi nghiệp hàng đầu khởi động tại miền Trung Việt Nam, được tổ chức bởi Vườn ươm doanh nghiệp Thành phố Đà Nẵng – vườn ươm đầu tiên của Việt Nam được tổ chức theo mô hình hợp tác công tư. SURF trở thành sự kiện thường niên quy tụ tất cả các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm hơn 80 công ty, doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức cộng đồng, các đơn vị sở ban ngành, trường học, hơn 50 nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm với mong muốn tạo ra hơn 1000 cơ hội kết nối mỗi năm giữa các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

Đây cũng là cơ hội cho sinh viên Đại học Đà Nẵng tiếp cận được tinh thần khởi nghiệp, giao lưu kết nối với các chuyên gia trong chương trình. Đưa sản phẩm khởi nghiệp của sinh viên Đại học Đà Nẵng đến với doanh nghiệp, nhà đầu tư trong Hội nghị triển lãm.

Theo đó, sinh viên trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã tham gia triển lãm với 5 sản phẩm nghiên cứu khoa học tiêu biểu, có tính khả thi cao và có khả năng thương mại hóa sản phẩm gồm:

- Tái sử dụng bông thải để trồng nấm và sản xuất phân vi sinh. Tác giả: Đỗ Đức Hòa, Nguyễn Thị Thùy Dương, Nguyễn Thị Thiều Vân.

- Thiết bị hỗ trợ học tập cho người khiếm thị. Tác giả: Nguyễn Duy Hùng

- Thiết bị định vị, giám sát sức khỏe người cao tuổi. Tác giả: Lê Văn Đây

- Máy mô phỏng thời tiết thực. Tác giả: Phạm Xuân Trà, Nguyễn Khắc Thế, Trần Hưng Trí

- Hệ thống bảo mật thông minh. Tác giả: Nguyễn Trần Phước, Đỗ Hải Đăng, Nguyễn Viết Minh Tuệ, Trần Nam Quân


Sản phẩm của sinh viên trường Đại học Bách khoa – ĐHĐN tại Triển lãm

Tại đây, sinh viên Bách khoa đã mang đến những sản phẩm khoa học, công nghệ không chỉ thiết thực, sáng tạo mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, thu hút nhiều quan tâm từ các đại biểu tham dự chương trình.


Nhóm sinh viên khoa Môi trường đã nghiên cứu tái sử dụng bông thải ở nhà máy dệt may Hòa thọ để trồng nấm, vừa giảm chi phí vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bã từ giá thể trồng nấm còn có thể dùng để ủ phân vi sinh.


Thiết bị này có thể giúp người khiếm thị học tập, giải trí… thông qua một bản điều khiển được tích hợp giáo trình và phương tiện giải trí.


Với thiết kế dạng vòng tay tích hợp nhiều chức năng như: Theo dõi sức khỏe, xác định vị trí, đo nhịp tim,... thiết bị giúp con cái có thể giám sát được tình trạng hiện thời của cha mẹ, ông bà nhằm phát hiện và cấp cứu khi xảy ra chứng huyết áp cao, đột quỵ. Các thông số sẽ được tích hợp trên màn hình LED của sản phẩm.


Nhóm nghiên cứu giới thiệu về công năng của máy mô phỏng thời tiết thực


Hệ thống bảo mật thông minh là một két sắt được bảo mật với các công nghệ hiện đại. Để mở được phải dùng đến mật mã và dấu vân tay của chủ nhân. Sản phẩm sẽ mang lại sự an toàn cao nhất cho tài sản của khách hàng.

Ngoài ra, Hội nghị và triển lãm Khởi nghiệp Đà Nẵng SURF 2017 còn rất sôi nổi với các phiên thảo luận, tọa đàm tập trung bàn thảo về các chủ đề “nóng” về làn sóng khởi nghiệp trong bối cảnh dòng vốn của nền kinh tế toàn cầu không ngừng dịch chuyển. Cùng với các phiên thảo luận, đại biểu tham dự sự kiện còn đón nhận những chia sẻ từ các diễn giả trong và ngoài nước các vấn đề liên quan đến ý tưởng khởi nghiệp nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như những hỗ trợ để ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực. Đặc biệt, diễn giả là tỷ phú khởi nghiệp du lịch Jeff Hoffman đã chia sẻ tầm nhìn “Đà Nẵng - Trung tâm khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo bên bờ biển” trong đó ông nhấn mạnh đến sự chuyển dịch không ngừng của dòng vốn kinh tế toàn cầu hay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh từ châu Á – Việt Nam…


Các gian hàng hướng nghiệp

Bà Cait Moran Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ireland tại Việt Nam nêu rõ: “Chìa khóa thành công của sáng tạo - khởi nghiệp, trước hết nằm ở học đường và giảng đường. Giáo dục và đào tạo đóng vai trò rất quan trọng để hình thành nên ý tưởng khởi nghiệp.”

Chính vậy, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng sẽ tiếp tục nỗ lực và phát huy hơn nữa để hiện thực tầm nhìn, sứ mệnh của Nhà trường. Trong đó, Nhà trường không ngừng đẩy mạnh và hỗ trợ hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học, làm tiền đề phát triển các mô hình khởi nghiệp thiết thực, khả thi, giúp ích cho cộng đồng.

Thùy Dương - Hội Sinh viên Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN