Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đạt chuẩn kiểm định quốc tế bởi Tổ chức Kiểm định châu Âu HCERES

14/06/2017 19:41

Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà trường

Trường Đại học Bách khoa, ĐNĐN – lần đầu tiên đạt chuẩn kiểm định trường đại học của Tổ chức kiểm định Châu Âu HCERES với thời hạn 05 năm cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng và Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng với bề dày hơn 40 năm xây dựng và phát triển, được đánh giá là Trường Đại học Kỹ thuật có chất lượng và uy tín đào tạo nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên; và là một trong ba trường Đại học Bách khoa của cả nước. Trong năm học 2016 – 2017 vừa qua, Trường ĐHBK-ĐHĐN đã được Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá ngoài và được công nhận đạt Chất lượng Giáo dục Quốc gia giai đoạn 2016 – 2021 theo các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; Nhà Trường có 02 Chương trình Đào tạo Chương trình Tiên tiến ngành Điện tử - Viễn thông và Chương trình tiên tiến ngành Hệ thống nhúng được Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN) đánh giá ngoài và công nhận Đạt chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn đánh giá AUN-QA giai đoạn 2016 - 2020 với kết quả đánh giá chất lượng cao nhất Việt Nam từ trước đến nay; Bên cạnh đó, nhà Trường có 03 Chương trình Đào tạo Kỹ sư Chất lượng cao PFIEV chuyên ngành Sản xuất Tự động, Tin học Công nghiệp, Công nghệ Phần mềm được Tổ chức Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (CTI) đánh giá tái công nhận đạt Chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn CTI giai đoạn 2016-2022.

Đầu năm 2016, Thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Cộng hòa Pháp đã tiếp xúc với Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (gọi tắt là HCERES) và đề nghị HCERES kiểm định chất lượng của bốn trường đại học tham gia PFIEV.


Đoàn chuyên gia
đánh giá ngoài HCERES khảo sát chính thức tại Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN

Để chuẩn bị cho công tác này, cả bốn trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Bách khoa TP. HCM và Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã bắt đầu chuẩn bị báo cáo tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của HCERES từ tháng 4/2016. Sau chuyến khảo sát sơ bộ của Đoàn chuyên gia HCERES tại Việt Nam từ ngày 17/10/2016 đến ngày 20/10/2016, Đoàn đã kết luận cả bốn trường đều đủ điều kiện để tiến hành công tác kiểm định, đồng thời hướng dẫn các trường thực hiện tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn và quy trình kiểm định của HCERES. Sau thời gian tích cực chuẩn bị, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã hoàn thành và gửi báo cáo tự đánh giá; được tổ chức HCERES xem xét và đồng ý thành lập đoàn chuyên gia để thực hiện các hoạt động đánh giá tại trường gồm 07 thành viên là những chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đào tạo và quản lý giáo dục đại học.


Đoàn chuyên gia
đánh giá ngoài HCERES chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo nhà Trường

Trong 02 ngày làm việc từ 27/02 đến 28/02/2017, bên cạnh việc nghiên cứu đánh giá chi tiết hồ sơ minh chứng của Nhà trường, Đoàn đánh giá còn thực hiện khảo sát, kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất của Nhà trường; thực hiện phỏng vấn trực tiếp đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, cán bộ phục vụ, sinh viên... nhằm đảm bảo tính toàn diện trong việc kiểm chứng chất lượng hoạt động đào tạo của Nhà trường. Đoàn đánh giá HCERES cũng đã đánh giá cao sự chuyên nghiệp, nghiêm túc cùng những hỗ trợ tích cực của Nhà trường trong công tác chuẩn bị, cung cấp các điều kiện thuận lợi cho Đoàn.


PGS. TS. Lê Cung – Phó Hiệu trưởng Nhà trường dẫn Đoàn chuyên gia kiểm tra thực tế

Sau hơn 03 tháng kiểm tra và xét duyệt các hồ sơ minh chứng, tổ chức HCERES đã kết luận Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đạt chuẩn kiểm định quốc tế cùng với 03 trường khác gồm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Xây dựng, và Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh trong thời hạn 05 năm.

Kết quả này vừa là vinh dự to lớn, là niềm tự hào và động lực đối với tập thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên Nhà trường trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện sứ mạng và tầm nhìn theo chiến lược phát triển chung của cả nước và khu vực.

Xem thêm:
Bộ GD-ĐT nói về lợi thế của sinh viên 4 trường đại học đạt kiểm định quốc tế
Đà Nẵng: Nguồn nhân lực chất lượng cao Công nghiệp CNTT được đào tạo theo chuẩn châu Âu

HCERES được thành lập theo luật số 2013-660 ngày 22/7/2013 trên cơ sở Cơ quan đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (AERES) và kế thừa các hoạt động của cơ quan này. HCERES là tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập có nhiệm vụ đánh giá các cơ sở đào tạo đại học, các tổ chức nghiên cứu và các chương trình đào tạo. HCERES là thành viên chính thức của Hiệp hội đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Châu Âu (ENQA) và Bộ tiêu chuẩn và Hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ giáo dục đại học Châu Âu (EHEA). Ngoài các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Pháp, HCERES còn tham gia đánh giá các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của các quốc gia thuộc EHEA. Trung bình hàng năm HCERES đánh giá và kiểm định 50 cơ sở đào tạo, tổ chức nghiên cứu; 630 đơn vị nghiên cứu; 600 chương trình đào tạo đại học; 300 chương trình đào tạo thạc sĩ và 70 chương trình đào tạo tiến sĩ.

HCERES cũng đã thực hiện đánh giá và kiểm định quốc tế đối với các trường đại học nước ngoài, các tổ chức giáo dục của Pháp ở nước ngoài, các đơn vị nghiên cứu hỗn hợp quốc tế. Bộ tiêu chuẩn của HCERES dùng cho đánh giá các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở nước ngoài gồm 6 lĩnh vực: Chiến lược và quản trị (sứ mạng, chiến lược phát triển, tổ chức thực hiện chiến lược, truyền thông); đào tạo và nghiên cứu khoa học (chính sách đào tạo, nghiên cứu, các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học); quá trình đào tạo và định hướng hội nhập nghề nghiệp (môi trường học tập và quản lý đào tạo); quan hệ đối ngoại; quản lý và điều hành (hệ thống tài chính, tài sản, nhân lực, hệ thống thông tin); chất lượng và đạo đức (chính sách đảm bảo chất lượng, đạo đức trong đào tạo và nghiên cứu).

Tin từ Trung tâm Học liệu và Truyền thông
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng