Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, kỳ 2: Chọn ngành có thế mạnh để đầu tư, tiếp cận chuẩn mực đào tạo của khu vực và thế giới

03/03/2017 08:22


Tiếp theo kỳ 1, kỳ 2 của chuyên đề "Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực"; chúng tôi tiếp tục giới thiệu, ý kiến của GS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Biết chọn lọc những ngành có thế mạnh, nhanh chóng tiếp cận chuẩn mực đào tạo của khu vực, của thế giới

Đào tạo nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá để phát triển đất nước trong những năm sắp tới. Trong những năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục-Đào tạo đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Một trong những chính sách có thể dễ nhận thấy đó là phát triển các chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư chất lượng cao, chương trình chất lượng cao…để nhanh chóng nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn mực khu vực và thế giới.

 

GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí (ảnh trên) và trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia tại Đà Nẵng, mùa thi 2016 (ảnh tiếp theo).

Ảnh: T.Ngọc và Trần Thanh Nhã

 


Vào ngày 13/2/2017 vừa qua, chúng ta rất vui mừng khi 2 chương trình đào tạo của trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) là Chương trình Điện tử-Viễn thông và chương trình Hệ thống nhúng được trao “Giấy Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn đánh giá AUN-QA”. Vui vì trong 65 chương trình mà AUN-QA đã kiểm định tại Việt Nam, thì đây là 2 chương trình có kết quả kiểm định nổi bật nhất từ trước đến nay và đã thể hiện minh bạch qua điểm số đạt cao nhất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trân trọng cám ơn Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á - AUN về những hợp tác rất hiệu quả trong hỗ trợ các trường ĐH Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo.

Xin cám ơn các chuyên gia AUN-QA đã làm việc công tâm, minh bạch, phân tích, đánh giá thông tin cẩn thận để có kết quả kiểm định phù hợp với uy tín, chất lượng thực tế của 2 chương trình đào tạo Trường ĐHBK - ĐH Đà Nẵng.

Thêm một lý do để vui nữa, là chúng ta đi đúng định hướng: Các chương trình này nằm trong khuôn khổ các chương trình tiên tiến mà Bộ đã chủ trương xây dựng từ hơn 10 năm qua.

Có một thực tế rất khách quan của giáo dục ĐH Việt Nam mà chúng ta cần nhìn nhận đúng:

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn giới hạn, các trường không thể cùng lúc nâng cao chất lượng tất cả các ngành đào tạo. Vì thế việc chọn lọc những ngành có thế mạnh, tập trung đầu tư cả cơ sở vật chất lẫn đội ngũ để nhanh chóng tiếp cận chuẩn mực đào tạo của khu vực, của thế giới, đó là hướng đi đã rất rõ định hướng.

Và thành công của 2 chương trình tiên tiến mang dấu ấn ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) hôm nay là kinh nghiệm thực tế rất tốt để chúng ta tiếp tục nhân rộng các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao.

Đảm bảo chất lượng đào tạo cao hơn mức tối thiểu để xây dựng uy tín học hiệu

Việc phân tầng/xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH đã và đang được Bộ triển khai. Khác với trước đây khi số trường ĐH còn hạn chế, chủ yếu là các trường công lập, thì tốt nghiệp ĐH trường nào cũng như nhau.

Nay hệ thống ĐH đã đa dạng, có trường đã hơn 100 năm kinh nghiệm, trường mới thành lập nên chất lượng đào tạo được hiểu là một phổ rộng.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành khung trình độ quốc gia làm căn cứ để các trường xác định chuẩn đầu ra tối thiểu cho các trình độ đào tạo. Như vậy chuẩn đầu ra tối thiểu là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các trường. Các trường tùy theo điều kiện của mình đảm bảo chất lượng đào tạo cao hơn mức tối thiểu để xây dựng uy tín.

Trong đó, kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với tất cả các trường ĐH trong toàn hệ thống tiến tới phân tầng/xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH.

Đây là hoạt động quan trọng để chuẩn hóa hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường ĐH. Đồng thời đây cũng là bước quan trọng trong công khai điều kiện đảm bảo chất lượng của các chương trình/cơ sở giáo dục ĐH để xã hội biết và lựa chọn.

Kết quả kiểm định do chính các chuyên gia AUN-QA đưa ra cũng đã cho thấy sự phù hợp với thực tế uy tín và chất lượng đào tạo của 2 chương trình: chuẩn đầu ra cao, trình độ tiếng Anh đầu ra IELTS 6.0 trở lên, trên 97% sinh viên có việc làm 12 tháng sau khi tốt nghiệp.

Nếu Nhà trường có định hướng chiến lược, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, huy động nguồn lực từ nhiều phía, chúng ta có thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, ngang tầm khu vực và thế giới.

[Theo Trần Ngoc & Thanh Nhã - ICT Đà Nẵng 01/03/2017]