Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Bách khoa Đà Nẵng - nơi đặt nền móng vững chắc cho con đường sự nghiệp của tôi

18/07/2024 19:33

Với nền tảng kiến thức chuyên môn được trau dồi từ giảng đường Bách khoa Đà Nẵng, cựu sinh viên Trần Quốc Công, khóa 2008-2013, ngành Điện tử - Viễn thông đã đạt được nhiều thành công trong con đường sự nghiệp của bản thân. Sau khi tốt nghiệp, anh Trần Quốc Công công tác tại Công ty Robert Bosch thuộc tập đoàn của Đức ở thành phố Hồ Chí Minh được khoảng 08 năm và sau đó chuyển công tác trong lĩnh vực Hệ thống nhúng của Automotive trụ sở chính tại Singapore hơn 1,5 năm trước khi đi du học Thạc sĩ ở New Zealand.


Cựu sinh viên Trần Quốc Công, khóa 2008-2013, ngành Điện tử - Viễn thông

Xin anh vui lòng chia sẻ đôi chút về công việc và tình hình học tập hiện tại?

Hiện tại, mình đang học tập và nghiên cứu tại Đại học Auckland, New Zealand với vinh dự sở hữu học bổng chính phủ toàn phần của New Zealand trong thời hạn 02 năm. Mình đã sắp xếp để cân bằng công việc học tập và nghiên cứu cũng như tham gia các dự án. Chủ đề nghiên cứu của mình là về các bài toán áp dụng trí tuệ nhân tạo trong giao thông thông minh. Trong quá trình học Thạc sĩ tại New Zealand  mình đã ứng dụng những kỹ năng nghiên cứu khoa học từ lúc học đại học và kỹ năng lập trình lúc đi làm cho công ty để tham gia viết những bài báo quốc tế nộp vào các hội thảo quốc tế về AI/ML như ICONIP hay ACCV. Bên cạnh đó, mình làm bán thời gian cho 01 công ty khởi nghiệp sáng tạo tại New Zealand liên quan ứng dụng AI trong khoa học máy tính để cảnh báo rủi ro và giảm tai nạn giao thông.


Anh Quốc Công (áo sơ mi trắng) nhận học bổng toàn phần của chính phủ New Zealand trong thời hạn 02 năm


Anh Quốc Công cùng những người bạn tại New Zealand

Anh đã áp dụng kiến thức từ giảng đường Bách khoa Đà Nẵng vào thực tế như thế nào?

Hành trình 05 năm gắn bó với mái trường Bách khoa Đà Nẵng và Khoa Điện tử - Viễn thông đã giúp cho bản thân mình rất nhiều, đặt biệt là sự hướng dẫn tận tình của các thầy, cô như PGS. TS. Nguyễn Văn Tuấn, PGS. TS. Tăng Tấn Chiến, TS. Trần Thị Minh Hạnh, TS. Hoàng Lê Uyên Thục,… Nếu như không có nền tảng vững chắc từ giảng đường, mình sẽ khó mà có được những thành tựu và thành công hiện tại. Với những kiến thức và kỹỹ năng được trang bị ở trường thông qua các học phần lý thuyết, đồ án và dự án học tập đã tạo thành nền tảng vững mạnh cho bản thân trong quá trình phỏng vấn công việc và trong các dự án thực tế sau này.

Nhờ vào kiến thức Kỹ thuật lập trình và Hệ thống nhúng được đào tạo tại trường, mình đã phát huy kỹ năng để hoàn thành đồ án, áp dụng chuyên ngành vào các dự án thực tế. Từ đó, bản thân có thể tiếp tục phát triển với các dự án lớn của công ty mà không bị tụt lại phía sau. Bên cạnh đó, mình nhận thấy kỹ năng làm việc nhóm cũng quan trọng không kém.

Ngoài ra, mình đã trau dồi kỹ năng ngoại ngữ không ngừng vì đa số các chuyên ngành kỹ thuật được đào tạo bằng tiếng Anh. Khi còn theo học tại trường, mình được ̀ tham gia các khóa tiếng Anh giao tiếp.  Điều này đã giúp ích rất nhiều trong công việc và mở ra cơ hội  làm việc với các đối tác quốc tế.

Tiếp theo, không thể không nhắc đến nghiên cứu khoa học. Từ những năm 2012 - 2013 mình đã tham gia nhóm nghiên cứu khoa học, với thế mạnh của bản thân kết hợp với sức mạnh đồng đội và cả sự hướng dẫn tận tình của giáo viên hướng dẫn. Qua đó, mình đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, từ việc viết một bài nghiên cứu như thế nào cho đến xây dựng và phát triển phương án ra sao. Đây là kỹ năng cực kỳ hữu ích cho những thành tựu và mục tiêu sau này của mình.


Anh Quốc Công trong thời gian học tập tại Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN

Bạn nghĩ thế nào về xu hướng phát triển ngành nghề trong tương lai? Cần những yếu tố nào để theo đuổi lĩnh vực này?

Bách khoa Đà Nẵng là nơi lý tưởng dành cho các bạn đam mê kỹ thuật, tạo nên nền tảng vững mạnh và kỹ năng nghiệp vụ - yếu tố quan trọng trong mọi lĩnh vực. Như ngành cơ khí chế tạo máy, lập trình, điện hay xây dựng, quản lý dự án và kết hợp kỹ năng ngoại ngữ, bạn sẽ có nhiều cơ hội sau này. Thành công và ổn định từ những bước nhỏ nhất và sau 07-10 năm bạn hoàn toàn có thể tự lập nghiệp bằng những đam mê.

Ngay cả bản thân mình đã từng làm việc tại Việt Nam, trụ sở nước ngoài, tự mở công ty và đang đi du học. Về nhu cầu công việc trong ngành công nghệ thông tin và điện tử vẫn rất cao mặc dù đã có nhiều sự ảnh hưởng của AI như sự phát triển mạnh mẽ của mô hình học máy, học sâu, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, mình nghĩ những ngành hệ thống nhúng hay điện tử vẫn rất cần nhân lực vì đây là hệ thống điện tử căn bản, đang thiếu hụt ở Việt Nam và không hề có sự đào thải.

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo ra đời giúp tăng cơ hội việc làm ở lĩnh vực kỹ thuật máy tính và điện tử - viễn thông. Ngoài ra, mảng web hay app kể cả kinh doanh, người ta áp dụng công nghệ AI để tối ưu lợi nhuận và giúp thông tin nhanh và mạnh hơn. Tiếp cận nhu cầu khách hàng tạo ra định hướng tốt cho công ty và làm tăng lợi nhuận doanh nghiệp.

Bạn có lời khuyên gì dành cho các hậu bối không?

Về lời khuyên, mình chia thành hai vấn đề. Vấn đề đầu tiên, nếu các bạn mong muốn ra trường có một công việc làm tốt với mức lương cao và lộ trình thăng tiến rõ ràng cần tập trung vào các yếu tố. Thứ nhất là bảng điểm đẹp từ khoảng 7-7.5/10 giúp các bạn có thể vượt qua phỏng vấn xin việc. Thứ hai là kỹ năng làm đồ án giúp cho bạn có kỹ năng thực tế cho các dự án về sau. Và thứ ba, chính là tiếng Anh, đọc hiểu ngoại ngữ giúp cho bạn dễ dàng tìm hiểu tài liệu và tham gia phỏng vấn công ty lớn trong và ngoài nước.

Không yêu cầu kinh nghiệm khi vừa ra trường, vì khi vào công ty các anh/chị mentor nhiều năm sẽ training cho các bạn. Các bạn chỉ cần trang bị kiến thức căn bản về chuyên ngành và kỹ năng ngoại ngữ thật tốt để khi được training các bạn có thể hiểu và làm theo thật nhanh. Thứ tư là tham gia nghiên cứu khoa học để giúp bạn xây dựng nền tảng về hệ thống đúng và chuẩn rất quan trọng.

Thứ năm là kỹ năng mềm, các bạn nên tham gia hội nhóm, môn học hoặc là các project trong khoa. Hầu hết các dự án sẽ làm nhóm nên kỹ năng giải quyết xung đột vấn đề rất quan trọng, giúp ích cho bạn sau này làm công việc. Với việc xin học bổng ở nước ngoài thì ngoài những kỹ năng mình chia sẻ ở trên sẽ giúp các bạn đạt được mục tiêu.

Vấn đề thứ hai, nếu quyết tâm tìm học bổng đi du học, các bạn sinh viên cần chuẩn bị kế hoạch từ sớm, cần có thành tích nghiên cứu khoa học tốt, điểm học tập tốt, tiếng Anh tốt. Sau khi chuẩn bị, có thể tham gia xin nộp thẳng vào những học bổng cạnh tranh trực tiếp ở các trường Đại học ở Úc, New Zealand hay Mỹ,  Canada, các nước Châu Âu, Nhật, Hàn, Đài Loan (Trung Quốc) hoặc ứng tuyển cạnh tranh học bổng chính phủ toàn phần như ở chính phủ các nước trên.

Việc đặt chân đến một đất nước mới giúp cho các bạn không chỉ học tập mà còn mở mang về giao thoa văn hóa, học hỏi văn hóa từ nhiều nơi, kiến thức và tư duy của những người ngoại quốc...

Hy vọng với các thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho các bạn là sinh viên tìm được hướng phát triển và mục tiêu tiếp theo cho bản thân trong tương lai.

Xin cảm ơn anh!

Biên tập: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học bách khoa, Đại học Đà Nẵng