Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Cuộc thi “Sáng tạo STEM phục vụ thành phố thông minh - SI4SC”: Sân chơi khoa học công nghệ phát huy năng lực nghiên cứu, sáng tạo cho học sinh 4.0

27/04/2024 16:06

Ngày 26/4/2024, tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã diễn ra Cuộc thi “Sáng tạo STEM phục vụ thành phố thông minh - STEM INNOVATION FOR SMART CITY - SI4SC” thu hút sự tham gia của 29 đội thi đến từ 15 Trường Trung học Phổ thông (THPT) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi. Các đề tài thuộc 04 nhóm lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo (AI) - Công nghệ thông tin, Cơ khí - Tự động hóa, Kỹ thuật Xây dựng và Hóa học - Môi trường.


Đại biểu tham dự khai mạc cuộc thi

Cuộc thi nằm trong chuỗi hoạt động thuộc Dự án “Học viện nghề nghiệp STEM khu vực miền Trung Việt Nam - Tiếp cận khu vực nhằm tăng cường nhận thức xã hội và xây dựng năng lực giáo dục và nguồn nhân lực cho STEM” dành cho giáo viên, học sinh THPT thuộc 03 địa phương nói trên. Cuộc thi là một hoạt động mang tính điểm nhấn trong số 10 hoạt động về STEM do Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN phối hợp cùng các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT): Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi tổ chức từ năm 2022.


PGS.TS Lê Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc

Phát biểu tại lễ khai mạc cuộc thi, PGS.TS Lê Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã gởi lời chào mừng và lời cảm ơn chân thành đến tổ chức SEAMEO STEM-ED và Chevron; lãnh đạo Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng; Các Thầy Cô giáo và học sinh từ các trường THPT của thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi đã tham dự cuộc thi “Sáng tạo STEM phục vụ thành phố thông minh SI4SC”. Thầy cho biết: Từ năm 2022, Nhà trường đã khởi xướng và phối hợp với SEAMEO STEM-ED và Chevron về dự án giáo dục STEM nhằm tăng cường nhận thức và thử nghiệm triển khai các chương trình đào tạo nghề STEM tại miền Trung Việt Nam. Dự án này nhằm mục đích tăng cường năng lực của các cơ sở giáo dục để triển khai các chương trình đào tạo nghề và truyền cảm hứng cho các sự nghiệp liên quan đến lĩnh vực STEM. Từ đó khuyến khích sự quan tâm của học sinh trong việc theo đuổi sự nghiệp STEM và chuẩn bị tốt hơn cho việc làm hoặc học tập cao hơn trong tương lai.

Cuộc thi Sáng tạo STEM phục vụ thành phố thông minh - SI4SC là một phần không thể thiếu của các hoạt động trong dự án này. Chúng tôi rất vui mừng khi chứng kiến một số lượng lớn các dự án tham gia cuộc thi này, tất cả đều thể hiện được chất lượng, sự đầu tư và chỉnh chu của các đề tài. Chúng tôi đánh giá rất cao và tự hào về kết quả của các hoạt động nghiên cứu khoa học của các học sinh trung học phổ thông. Các em đã thể hiện sự thông minh, sáng tạo, tinh thần đóng góp cho cộng đồng và trách nhiệm xã hội cao”. PGS.TS. Lê Tiến Dũng chia sẻ.


Ông Kritsachai Somsaman - Giám đốc SEAMEO STEM-ED phát biểu


Bà Teechawan Yanudom - Đại diện Chevron, đối tác của dự án chia sẻ tại cuộc thi

Ông Kritsachai Somsaman - Giám đốc SEAMEO STEM-ED cho rằng, cuộc thi sáng tạo STEM là một sự kiện mang đầy tính truyền cảm hứng, là biểu tượng cho tinh thần sáng tạo mạnh mẽ tồn tại trong giới trẻ Đông Nam Á. Sự hiện diện của ônghôm nay không chỉ với vai trò là giám đốc của SEAMEO STEM-ED mà còn là một đối tác tự hào của DUT trong nỗ lực cùng với Chevron, để nuôi dưỡng sự khéo léo và sáng tạo của sinh viên trên khắp các quốc gia thành viên của SEAMEO. Ông khẳng định rằng sự kiện này không chỉ là một cuộc thi mà đó là một sự thể hiện tiềm năng, ý tưởng sáng tạo và một tập hợp của những trí tuệ có chung niềm đam mê về khoa học kỹ thuật. Ông hy vọng mọi thành viên khi tham gia cuộc thi này có sự tương tác với nhau để truyền cảm hứng và được truyền cảm hứng, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các em trong hành trình theo đuổi niềm đam mê để tạo ra những tác động tích cực trong cộng đồng.


Nhiều ý tưởng sáng tạo và sản phẩm mang tính ứng dụng thực tế của học sinh THPT

Với gần 30 đội thi, các đề tài tham gia có sự đa dạng về nội dung nghiên cứu thuộc các nhóm lĩnh vực: AI - CNTT, Cơ khí - Tự động hóa, Kỹ thuật Xây dựng và Hóa học - Môi trường. Xuyên suốt cuộc thi, hầu hết các đội thi đã thể hiện sự tự tin khi trình bày đề tài nghiên cứu của mình trước Ban Giám khảo, đặc biệt một số nhóm học sinh thuyết trình bằng tiếng Anh đầy lưu loát và ấn tượng. Nhiều đề tài và sản phẩm có ứng dụng hữu ích cho cuộc sống như Mô hình xe lăn thông minh, Ứng dụng robot pha chế hoá chất trong phòng học bộ môn trường trung học phổ thông, Áo phao thông minh cứu hộ, Kính mắt thông minh bảo vệ thị lực,…

Bạn Thu Hương với đề tài “Đồng hồ đo lưu lượng nước thông minh sử dụng năng lượng tái tạo”, học sinh Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng chia sẻ: Cuộc thi này giúp chúng em có cơ hội hiện thực hóa ý tưởng của mình để tạo ra được một sản phẩm có thể áp dụng trong cuộc sống và có thể ứng dụng cho tất cả các hộ gia đình. Tuy trong quá trình thực hiện dự án có nhiều khó khăn vì kinh phí mua con chip khá  lớn nhưng may mắn rằng chúng  em được hỗ trợ về kinh phí cũng như được các thầy cô tạo điều kiện để hoàn thành sản phẩm mà không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường.


Bạn Thu Hương tự tin trình bày đề tài nghiên cứu trước Hội đồng BGK

Bạn Trần Vũ Phúc Đạt tham gia cuộc thi với đề tài “Phát huy giá trị di tích lịch sử trong đô thị thông minh của tỉnh Quảng Ngãi”, học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Khiết - Quảng Ngãi chia sẻ: Cuộc thi là cơ hội để  em được cọ xát với các bạn học sinh THPT ở 03 tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng. Em hy vọng thông qua cuộc thi này chúng em sẽ tiếp tục tìm ra những ý tưởng để tiếp tục phát triển thêm đề tài nghiên cứu của mình.

Trải qua vòng thi Chung kết với các phần thuyết trình đầy hấp dẫn, thuyết phục và những phần chạy thử sản phẩm ấn tượng của các nhóm học sinh, Ban Giám khảo cuối cùng đã chọn được  các đề tài xuất sắc đạt giải thưởng gồm:

Giải Nhất: Đề tài Máy hỗ trợ phơi nông sản và hút vào bao”, nhóm học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Quảng Nam.

02 Giải Nhì: thuộc về các nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng.

+ Đề tài Vi2vsl - Hệ thống chuyển đổi Tiếng Việt sang ngôn ngữ ký hiệu thông qua hoạt hình 3d dành cho người khiếm thính”+ Đề tài Hệ thống chuyển đổi suy nghĩ thành giọng nói dành cho bệnh nhân hậu tai biến mắc chứng thất ngôn Broca”

03 Giải Ba:

+ Đề tài “Ứng dụng AI để hỗ trợ chăm sóc da lứa tuổi học đường”, nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn –- Đà Nẵng.

+ Đề tài “Bộ dụng cụ thu thập dữ liệu phục vụ trong giảng dạy STEM”, nhóm học sinh Trường THPT Bình Sơn - Quảng Ngãi.

+ Đề tài “Đồng hồ đo lưu lượng nước thông minh sử dụng năng lượng tái tạo”, nhóm học sinh Trường THPT Trần Phú - Đà Nẵng.

04 Giải Khuyến khích:

+ Đề tài “Phân bón hữu cơ”, nhóm học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn - Quảng Ngãi.

+ Đề tài “Bộ giám sát và điều khiển nhiệt theo giản đồ trong lab Stem”, nhóm học sinh Trường THPT Bình Sơn - Quảng Ngãi.

+ Đề tài “Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ học sinh ứng phó bạo lực mạng”, nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Lê Khiết - Quảng Ngãi

+ Đề tài “AntiDDos bằng PHP”, nhóm học sinh Trường THPT Trần Phú - Đà Nẵng.

Ngoài ra, BTC còn trao thêm các giải:

+ Giải trình bày ấn tượng nhất: Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các thuật toán tối ưu kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng chương trình (phần mềm) dự báo công suất tiêu thụ của phụ tải điện, ứng dụng cho Thành phố Đà Nẵng”, nhóm học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh - Đà Nẵng.

+ Giải thưởng Trường THPT có nhiều thí sinh tham gia nhất thuộc về Trường THPT Trần Phú - Đà Nẵng.


Hình ảnh lưu niệm

Cuộc thi “Sáng tạo STEM phục vụ cho thành phố thông minh - SI4SC” đã diễn ra thành công tốt đẹp và góp phần phát triển năng lực, kỹ năng thực hiện các dự án STEM cho giáo viên và học sinh các trường THPT tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đây cũng là cơ hội để giáo viên và học sinh các trường THPT chia sẻ kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân về các lĩnh vực giáo dục STEM và có cơ hội tiếp cận các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để phát triển năng lực bản thân và tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ thông qua các ý tưởng, sản phẩm STEM. Đồng thời, đây cũng là dịp để học sinh THPT có cơ hội cọ xát, tìm hiểu thêm các kiến thức mới liên quan đến lĩnh vực STEM, tạo động lực để các bạn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của bản thân trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Hình ảnh trao giải của cuộc thi:

Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN