Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Đại sứ Pháp tại Việt Nam thăm, làm việc với Trường Đại học Bách khoa

16/04/2024 21:37

Ngày 12/4/2024, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ngài Olivier Brochet đến thăm, làm việc tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN). Tiếp đoàn có PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch Hội đồng trường và Lãnh đạo các phòng: Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (KHCN&HTQT), Đào tạo; Ban Chủ nhiệm và Giảng viên khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (FAST). Đi cùng đoàn với Đại sứ còn có ông Denis Fourmeau - Tùy viên hợp tác khoa học và đại học cùng một số quan chức của Đại sứ quán.


Quang cảnh buổi làm việc

Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu cùng lãnh đạo Nhà trường trân trọng chào mừng, vinh hạnh đón tiếp ngài Đại sứ Olivier Brochet và Đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN. Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Nhà trường, Hiệu trưởng trân trọng cảm ơn ngài Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đã hỗ trợ, cùng đồng hành cùng Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN trong suốt thời gian qua, đặc biệt là chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) và các dự án hợp tác với các trường đại học Pháp và cộng đồng Châu Âu.


PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu

Hiệu trưởng cũng chia sẻ thông tin tổng quan về trường và các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, kiểm định chất lượng, đặc biệt là chương trình đào tạo PFIEV để Đại sứ có cái nhìn tổng quan hơn về Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN. Theo đó:

+ Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN là trường đại học hàng đầu về lĩnh vực kỹ thuật của Việt Nam, là trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực miền trung Việt Nam và cả nước;

+ Đội ngũ cán bộ, giảng viên được đào tạo một cách bài bản (đa số tốt nghiệp Tiến sĩ từ các nước tiên tiến trên thế giới) với hơn 73% giảng viên giảng dạy lý thuyết có trình độ Tiến sĩ trở lên. Với quy mô hơn 15.000 sinh viên/học viên, hàng năm Nhà trường tuyển sinh mới khoảng 3500 sinh viên đại học chính quy. Điểm tuyển sinh đầu vào các năm gần đây luôn thuộc Top các trường đại học có điểm chuẩn cao của cả nước và cao nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đặc biệt, tỉ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành nghề đào tạo đạt gần 95% sau 06 tháng tốt nghiệp, với mức lương cao và làm việc cho nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín trong và ngoài nước, trong đó có doanh nghiệp Pháp.

+ Số lượng công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học uy tín hàng năm tăng đáng kể. Sinh viên được tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) khác nhau từ cấp Khoa, cấp Trường đến cấp Thành phố, cấp Bộ và Quốc tế với nhiều giải thưởng cao.

+ Công tác kiểm định chất lượng rất được Nhà trường chú trọng, đến nay Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN đã được tổ chức kiểm định HCERES (Pháp) cấp chứng nhận chất lượng cơ sở giáo dục đại học chu kỳ 2 (đến năm 2029); đã có 30 chương trình đào tạo (CTĐT) đại học và thạc sĩ được cấp chứng nhận chất lượng bởi tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế, trong đó có 03 CTĐT chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) được cấp chứng nhận chất lượng bởi tổ chức kiểm định CTI (Pháp) chu kỳ 3, 4.

Mặt khác, Hiệu trưởng cũng chia sẻ thêm về định hướng cũng như các mục tiêu chính trong năm 2024 và các năm sắp đến của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN. Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng là năm 2024, Nhà trường sẽ mở CTĐT mới, Vi điện tử - Thiết kế vi mạch, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn mà chính phủ và thành phố Đà Nẵng đang quan tâm thúc đẩy mạnh. Vì vậy, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN rất mong muốn ngài Đại sứ quan tâm, hỗ trợ nhà trường trong việc kêu gọi, kết nối các doanh nghiệp, viện, đại học Pháp đầu tư, hỗ trợ Nhà trường trong xây dựng CTĐT, phòng thí nghiệm, trao đổi giảng viên, sinh viên cũng như thực hiện các dự án nghiên cứu chung.


Ngài Olivier Brochet - Đại sứ Pháp tại Việt Nam phát biểu

Chia sẻ về mối quan hệ hợp tác có lịch sử lâu dài, tốt đẹp giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp, năm 2023 đánh dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đại sứ tin tưởng thời gian tới hai nước sẽ có nhiều hợp tác tốt đẹp hơn nữa đặc biệt là lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đại sứ đánh giá rất cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN. Bên cạnh đó, Nhà trường đã kiểm định thành công trường và CTĐT với các tiêu chuẩn như HCERES và CTI đã khẳng định cam kết của Nhà trường trong việc phát triển CTĐT và nghiên cứu tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều sinh viên, giảng viên của Nhà trường đã và đang công tác, học tập tại Pháp đã góp phần đóng góp cho NCKH chung cũng như trao đổi học thuật, văn hóa giữa hai nước. Trao đổi về một số nội dung mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào taọ trong không khí hiểu biết, chân thành, phía Đại sứ quán cho biết sẵn sàng làm “cầu nối” để tiếp tục mở rộng hợp tác, kết nối các trường đại học và viện nghiên cứu uy tín của phía bạn gắn kết, hợp tác với Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN. Ngài Đại sứ sẽ lưu tâm, hỗ trợ để giới thiệu Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN với các nhà khoa học, chuyên gia/giảng viên, sinh viên các trường phía bạn quan tâm, tham gia các hoạt động hợp tác trao đổi, nghiên cứu, học tập.


Đại biểu trao đổi về các nội dung hỗ trợ hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên và cơ hội việc làm cho sinh viên

Liên quan tới ngành vi mạch bán dẫn, ngài Đại sứ sẵn sàng hỗ trợ, kêu gọi, kết nối các trường đại học, viện, doanh nghiệp của Pháp trong phối hợp đào tạo, nghiên cứu cũng như tài trợ phòng thí nghiệm phục vụ cho ngành này ở Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN. Bên cạnh đó, Đại sứ cũng sẽ chỉ đạo các bộ phận có liên quan của Đại sứ quán trong việc tìm kiếm và tăng số lượng học bổng cấp cho sinh viên của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN với các trường Pháp có thế mạnh về vi mạch bán dẫn.


Phái đoàn Đại sứ quán Pháp đã tham gia chuyến campus tour, tham quan phòng thí nghiệm, trải nghiệm lớp học tiếng pháp tại chương trình PFIEV.

Tiếp đó, Ngài Đại sứ đã tham gia chuyến campus tour, tham quan phòng thí nghiệm, trải nghiệm lớp học tiếng pháp tại chương trình PFIEV.


Ảnh lưu niệm

Kết thúc chuyến thăm, Đại sứ cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình, chu đáo của Trường Đại học Bách khoa và sẽ tiếp tục gắn bó, hỗ trợ, đồng hành của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN trên con đường phát triển trong tương lai.

Tin: Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN