Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Chương trình đào tạo mở mới

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Các giảng viên, nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN tham gia đề xuất các giải pháp về thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

03/11/2023 10:32

Sáng ngày 02/11/2023, Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng tổ chức “Hội thảo Nhận diện các nguyên nhân gây ngập úng, đề xuất các giải pháp về thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố” nhằm tìm phương hướng giải quyết vấn đề ngập úng trong đô thị Đà Nẵng trong thời gian qua.

Tham dự hội thảo có Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, ông Trần Phước Sơn, đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND thành phố, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở Hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng; Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Trung Trung Bộ; Các nhà khoa học, trong đó Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng có 02 giảng viên thuộc Khoa Xây dựng Công trình thủy được mời tham gia 02 tham luận gồm: Tham luận về “Nguyên nhân gây ngập và giải pháp cho thoát nước đô thị thành phố Đà Nẵng” do PGS.TS. Tô Thuý Nga và tham luận “Ảnh hưởng dòng chảy lũ các lưu vực sông đến thoát nước đô thị thành phố Đà Nẵng” do TS. Lê Hùng trình bày.


Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Phước Sơn - Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết, những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số trận mưa cực đoan gây ngập úng đô thị. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có một số nguyên nhân chủ quan. Việc đánh giá các nguyên nhân, thực trạng hệ thống thoát nước đô thị, công tác vận hành hồ, đập, ảnh hưởng của các công trình giao thông ... đến ngập úng đô thị là bức thiết.


Ông Trần Phước Sơn - Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng phát biểu

Đặc biệt, cần đánh giá khả năng đáp ứng của hệ thống thoát nước đô thị đã được đầu tư trong nhiều năm qua với tốc độ đô thị hóa, tăng dân số và biến đổi khí hậu ... Từ đó, đề ra các giải pháp, đầu tư ngắn hạn, lâu dài. HĐND thành phố rất mong muốn lắng nghe các ý kiến đề xuất, hiến kế khách quan, độc lập của các chuyên gia, nhà khoa học để Đảng đoàn HĐND thành phố báo cáo Thành ủy cũng như thông qua hoạt động giám sát, điều hành ngân sách, HĐND thành phố có cân đối nguồn lực hợp lý để đầu tư các công trình thoát nước đô thị nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu gây mưa cực đoan.

PGS.TS. Tô Thuý Nga đã nhận định một số nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong thời gian gần đây là do các trận mưa cực đoan vượt tần suất thiết kế hệ thống thoát nước xuất hiện nhiều hơn. Thành phố Đà Nẵng tuy có lợi thế là tiếp giáp với biển và có hai sông lớn đi qua nhưng chưa tận dụng được lợi thế này để bố trí cửa xả để giảm bớt áp lực cho các tuyến lớn và hạn chế bớt các tuyến đi vòng. Khi xây dựng các tuyến đường phía trên (như đường cao tốc Đà Nẵng quảng Ngãi, đường Hòa Phước Hòa Khương, …) đã làm cho quy luật phân bố dòng chảy lũ từ thượng nguồn sông Vu Gia về hạ lưu thay đổi, cụ thể quan hệ tương quan giữa mực nước tại Ái Nghĩa và Cẩm Lệ thay đổi hẳn nên mực nước tại Cẩm Lệ phụ thuộc vào mưa ven biển hơn là mưa phía thượng lưu như trước đây.


PGS.TS. Tô Thuý Nga trình bày Tham luận về “Nguyên nhân gây ngập và giải pháp cho thoát nước đô thị thành phố Đà Nẵng”

Mực nước trên sông Phú Lộc khi mưa lớn lại khá cao do một lượng lớn nước phía thượng lưu đổ về làm cho các cửa xả ra sông này khó thoát theo hình thức tự chảy. Một lưu ý quan trọng nữa là thời gian tập trung dòng chảy và giá trị đỉnh lũ phụ thuộc rất nhiều vào mặt đệm. Tốc độ đô thị hóa nhanh, thậm chí các vỉa hè giờ cũng bê tông hóa không còn nơi để thấm nước mưa nữa dẫn lượng nước mưa đổ dồn hết về các cống thoát và vượt quá năng lực của nó dẫn đến ứ ngập. Do vậy phải có một tính toán lại lượng nước mưa cần thoát theo lượng mưa thực tế cho các phân khu, đánh giá năng lực các tuyến cống và để xuất mở rộng hoặc tạo thêm các tuyến cống, các cửa xả để tăng khả năng thoát. Ưu tiên quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa ... Đồng thời, khẩn trương đánh giá hiện trạng quy hoạch về cao độ nền và năng lực thoát nước của thành phố.

TS. Lê Hùng đề nghị thành phố cần sớm hoàn thành cắm mốc ranh giới hành lang thoát lũ cho các lưu vực sông Đà Nẵng; xem xét đánh giá thẩm định thẩm tra kỹ các công trình giao thông gây cản trở dòng chảy lũ. Đồng thời, đánh giá chuẩn xác hơn các đồ án thiết kế quá trình thẩm định, thẩm tra các dự án thoát nước Đà Nẵng cần mở rộng, bố trí thêm nhiều cửa xả ra các sông, biển như mở các vị trí trên các tuyến đường Phùng Hưng, Hồ Quý Ly Lý Thái Tông, vị trí Hà Khê ra biển Nguyễn Tất Thành, đây chính là cơ sở làm giảm mực nước trên sông Phú Lộc và làm khả năng thoát nước của các tuyến cống cũng như làm tăng khả năng thoát lũ qua khu vực Cầu Đa Cô làm cơ sở đề xuất các giải pháp thoát nước khu vực Mẹ Suốt.


TS. Lê Hùng trình bày tham luận “Ảnh hưởng dòng chảy lũ các lưu vực sông đến thoát nước đô thị thành phố Đà Nẵng”

Tương tự cần mở cửa xả đoạn từ Trần Thị Lý đến công viên Châu Á, sẽ là cơ sở để có thể thoát nước tốt cho khu vực cũng như phân chia lưu vực thoát nước khu tượng đài 2/9, đường Núi Thành, đường 30/4, Lê Thanh Nghị và Phan Đăng Lưu ... Mặc dù hệ thống cống thượng lưu có khả năng thoát nhưng lại bị ứ đọng tại các cửa thoát dẫn đến ngập như tại các cửa thu trạm bơm Ông Ích Khiêm, trạm bơm Thuận Phước ... , xem xét đánh giá lưu lượng đổ về của các trạm bơm. Bên cạnh đó, cần đánh giá lại hiệu quả các trạm bơm ứng với giai đoạn hiện nay trong đó có thể điều chỉnh lại khả năng tự chảy của trạm bơm Trương Chí Cương vì mực nước sông bây giờ đã thấp hơn nhiều so với lúc xây dựng năm 2012, do ảnh hưởng của các công trình giao thông và hệ thống hồ chứa thủy điện làm cho mực nước sông giảm.

Đồng thời sớm xây dựng bản đồ ngập lụt đô thị ứng với 3-5 cấp độ mưa, bản đồ hướng di chuyển tránh các điểm ngập, rồi căn cứ vào điều kiện dự báo lượng mưa để làm cơ sở cho ứng phó.

Hội thảo cũng nhận được rất nhiều ý kiến đến từ các chuyên gia, các nhà quy hoạch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đề xuất thành phố cần tăng cường truyền thông giáo dục, tuyên truyền người dân không bịt của thu nước gây cản trở dòng chảy và chung tay với chính quyền trong công tác khởi thông dòng chảy khi có mưa lớn xảy ra. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp đổ chất thải xây dựng vào hệ thống thoát nước. Nạo vét cửa thu, cống thoát nước gắn liền với việc giám sát của cộng đồng dân cư, bảo đảm hệ thống cống thoát nước phải được thông suốt nhằm phát huy tối đa năng lực hiện có.

Trưởng Ban đô thị, HĐND thành phố ông Nguyễn Thành Tiến đánh giá cao các ý kiến góp ý, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học. Ban tiếp thu và có báo cáo, đề xuất thành phố các giải pháp thoát nước đô thị trong thời gian trước mắt, trung hạn và cả dài hạn.


Trưởng Ban đô thị, HĐND thành phố ông Nguyễn Thành Tiến phát biểu

Hy vọng, thông qua nội dung báo cáo của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN sẽ giúp các nhà hoạch định chiến lược của thành phố Đà Nẵng có cái nhìn tổng quan hơn, tìm ra cái giải pháp thiết thực để giải quyết vấn đề ngập lụt diễn ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian gần đây.

Xem thêm thông tin tại link:

Báo Đà Nẵng: https://baodanang.vn/xa-hoi/202311/nhan-dien-nguyen-nhan-de-xuat-giai-phap-thoat-nuoc-do-thi-3959136/index.htm

Cổng thông tin Điện tử TP Đà Nẵng: https://danang.gov.vn/web/guest/chinh-quyen/chi-tiet?id=56231&_c=3&fbclid=IwAR2SWEHPjBFlKUi9jvkEIJNQnWHuNlkJbq66q80FhJ18G_HxUm0YEbg3si8_aem_AWRYGb8uZcmLI7gjpOEn-1RPgHZFkOn45gGjPyFvo_LPaeI-AGkQqAz2DkMfEnXLcYI

Đài phát thanh và truyền hình Đà Nẵng: https://www.facebook.com/danangtv.vn/videos/715064010529562

Biên tập: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN