Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Triển khai thực tập tốt nghiệp ngành Công nghệ Dầu khí và Khai thác dầu trong bối cảnh dịch bệnh Covid

20/10/2021 16:19

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ngày càng phức tạp và ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của cuộc sống, trong đó có hoạt động giảng dạy và học tập của các Thầy Cô và Sinh viên trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) - Đại học Đà Nẵng nói chung và khoa Hóa nói riêng. Nhằm đảm bảo kế hoạch năm học 2021-2022, theo chỉ đạo của Nhà trường và Khoa Hóa, Bộ môn Công nghệ Hóa học - Dầu và Khí (CNHH-D&K) đã triển khai đợt thực tập tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến. Mặc dù được tổ chức thực hiện lần đầu tiên nhưng đợt thực tập theo hình thức trực tuyến đã mang những kết quả ngoài mong đợi. Quá trình thực tập của sinh viên ngành Công nghệ Dầu khí và Khai thác dầu được tổ chức thực hiện theo 2 nội dung:

Nội dung 1: Sinh viên được chia thành từng nhóm (2 - 4 sinh viên) theo nguyện vọng để tìm hiểu một đơn vị sản xuất cụ thể trong lĩnh vực dầu khí dưới sự hướng dẫn của Giảng viên Bộ môn. Nội dung bao gồm tìm hiểu cơ cấu tổ chức, cơ cấu sản xuất, công nghệ, an toàn công nghệ và các vấn đề môi trường tại các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực dầu khí;

Nội dung 2: Thực hiện chuỗi 09 webinar chia sẻ kiến thức từ thực tế sản xuất, kinh nghiệm trong thiết kế các dự án và các định hướng nghề nghiệp đối với sinh viên khi ra trường. Các kiến thức thực tế được chia sẻ bởi các cán bộ phụ trách kỹ thuật đang vận hành các dây chuyền sản xuất tại các nhà máy, các kỹ sư thiết kế tại các tập đoàn công nghệ trong lĩnh vực dầu khí. Các báo cáo viên đều là những cựu sinh viên (CSV) ưu tú đã được đào tạo tại Bộ môn CNHH-D&K. 

Nội dung các webinar được trình bày theo 03 chủ đề chính:

1. Vận hành sản xuất tại nhà máy

Vận hành sản xuất trong nhà máy và các phân xưởng là một mảng công việc lớn của thị trường lao động ở lĩnh vực dầu khí. Với tầm quan trọng đó, 03 webinar đã được tổ chức với các báo cáo viên là cán bộ đã có nhiều kinh nghiệm vận hành và quản lý trong các nhà máy, cụ thể: 

- Quy trình sản xuất Urea tại nhà máy Đạm Cà Mau, được sự hỗ trợ nhiệt tình của anh Đặng Hoàng Quân - Phó Giám đốc, nhà máy đã chủ động tổ chức webinar về chủ đề này vào ngày 28/09/2021, thời gian 8h - 12h, các báo cáo viên bao gồm Vũ Việt Văn - Phó quản đốc phân xưởng; Nguyễn Quốc Sự - Trưởng Ca nhà máy; và Nguyễn Tương Lai - Kỹ sư chính;

- Quy trình sản xuất Ammonia tại nhà máy Đạm Cà Mau, tổ chức ngày 03/10/2021, thời gian 8h - 12h được trình bày bởi Kỹ sư Nguyễn Văn Tín (CSV lớp 03H5), Trưởng ca nhà Máy;

- Quy trình tổng hợp Polypropylene tại nhà máy Lọc dầu Dung Quất (BSR), tổ chức ngày 16/10/2021, thời gian 8h - 11h được trình bày bởi Kỹ sư Ngô Kim Phụng (CSV lớp 01H5), giám sát công nghệ tại nhà máy.

2.  Đọc bản vẽ P&ID

P&ID là bản vẽ thể hiện việc bố trí hệ thống đường ống và toàn bộ các thiết bị trong dây chuyền công nghệ cũng như hệ thống điều khiển của quá trình. Đây là tài liệu quan trọng bậc nhất trong quá trình thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống, không chỉ đại diện cho quy trình công nghệ của nhà máy, cách thức vận hành của các thiết bị, mà còn thể hiện tất cả hệ thống đường ống với đầy đủ chi tiết về kích thước, loại vật liệu của đường ống và điều kiện vận hành như áp suất, nhiệt độ, đặc tính dòng lưu chất. Chủ đề này được trình bày bởi :

- ThS. Trần Nguyên Hoài Thu, CSV 96H5 hiện đang là Process Leader tại công ty Axens Malaysia, tổ chức ngày 01 và 08/10/2021 thời gian từ 8h30-12h;

- TS. Lê Bá Hùng, CSV 95H5 hiện đang là Process Leader tại công ty Cửu Long JOC, tổ chức ngày 10/10/2021 thời gian từ 8h-12h.

Hai báo cáo viên cũng là 2 cựu sinh viên ưu tú của ngành và hiện đang là những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực thiết kế công nghệ và vận hành nhà máy.

3.  Thiết kế các công trình offshore (ngoài khơi) và an toàn công nghệ

Thiết kế các công trình dầu khí và an toàn công nghệ cũng được Bộ môn chú trọng trong nhiều năm qua, các thế hệ sinh viên tốt nghiệp từ Bộ môn cũng đã khẳng định được năng lực tại các công ty thiết kế trong nước hay các tập đoàn đa quốc gia. Ở webinar được tổ chức ngày 17/10/2021 này, ThS. Huỳnh Văn Tá, CSV 05H5 hiện đang là Process Safety Engineer tại công ty PVEP POC đã chia sẻ những thông tin về hoạt động khai thác, các giàn khoan, thiết kế an toàn trên các công trình offshore. Ngoài ra, ở webinar này ThS. Huỳnh Văn Tá cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, an toàn công nghệ.

Bên cạnh các buổi webinar với người trình bày là kỹ sư, cán bộ nhà máy, Bộ môn cũng tổ chức thêm 02 webinar hỗ trợ kiến thức về sản xuất phân đạm từ khí thiên nhiên do TS. Lê Thị Như Ý báo cáo ngày 25/09/2021 và tổng hợp polypropylene do TS. Phan Thế Anh, giảng viên của Bộ môn Công nghệ Hóa học và Vật liệu trình bày ngày 06/10/2021. 

So với các đợt thực tập được tổ chức theo hình thức thực địa, đợt thực tập theo hình thức trực tuyến lần này với nhiều clip và hình ảnh sống động về công nghệ và thiết bị đã giúp sinh viên tiếp cận được thực tế công việc của ngành một cách đầy đủ và sâu sắc nhất. Với những thông tin được chia sẻ tại các webinar, Bộ môn hy vọng sinh viên có những kết nối với các thế hệ đi trước và tìm được những thông tin, kiến thức bổ ích làm vững chắc thêm hành trang trước khi bước vào nghề.

Bộ môn CNHH-D&K xin chân thành cảm ơn Lãnh đạo và cán bộ tại các nhà máy, công ty cũng như các cựu sinh viên đã dành thời gian chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm quý báu của bản thân đến các kỹ sư dầu khí tương lai được đào tạo tại Bộ môn CNHH-D&K.

Đà nẵng, ngày 18/10/2021
Thay mặt Bộ môn CNHH-D&K TBM
PGS.TS. Trương Hữu Trì

Một số hình ảnh tại các buổi webinar:


Webinar tổng quan về nhà máy SX đạm Cà Mau


Webinar về phân xưởng SX Urê của NM Đạm Cà Mau


Webinar đọc bản vẽ P&ID của phân xưởng PRU


Webinar về phân xưởng SX Urê của NM Đạm Cà Mau


Webinar đọc bản vẽ P&ID


Webimar tổng quan về công trình offshore và an toàn CN