Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Hội thảo trao đổi học thuật về “Kinh nghiệm học Kiến trúc bậc Cao học tại Hoa Kỳ”

12/08/2016 02:41

Sáng ngày 10 tháng 8 Khoa Kiến trúc,trường ĐHBK – ĐHĐN, đã tổ chức buổi trao đổi học thuật với chủ đề “Kinh nghiệm học Kiến trúc ở bậc cao học tại Hoa Kỳ” với sự tham gia của các thầy cô giáo khoa Kiến trúc cùng hơn 40 sinh viên của khoa và các bạn sinh viên ngành kiến trúc đến từ các trường ĐH trên địa bàn Đà Nẵng đã tham dự. Người trình bày là cựu sinh viên khóa 06KT, anh Võ Đình Triều. Anh Triều đã nhận được học bổng Fulbright năm 2014 học kiến trúc tại Đại học Clemson, bang Nam Carolina (Hoa Kỳ). Chương trình Kiến trúc tại Đại học Clemson là một chương trình nổi tiếng, được xếp hạng thứ 7 trên toàn Hoa Kỳ. Trước đó anh Triều đã nhận học bổng HONDA YES  và học bổng PANASONIC năm 2012 và đã thực tập 6 tháng tại công ty kiến trúc Furuichi và Cộng sự (Nhật).

alt

Bằng một phong cách thoải mái và tự tin, mở đầu buổi nói chuyện anh Triều đã giới thiệu portfolio (hồ sơ công việc)  của mình. Anh Triều cho rằng portfolio là phần tài sản quan trọng nhất của một kiến  trúc sư. Một portfolio là một bộ hồ sơ thể hiện năng lực sáng tạo của người kiến trúc sư. Nó bao gồm các bản thiết kế kiến trúc, các bức phác họa mỹ thuật, hoặc các bức ảnh nghệ thuật mà người kiến trúc sư đã thực hiện.

Đề cập tới tầm quan trọng của việc làm mô hình trong học đồ án kiến trúc. Anh Triều cho rằng mô hình chính là công cụ để nghiên cứu đồ án. Sinh viên kiến trúc cần phải làm mô hình từ bước đầu tiên khi làm concept (tìm ý tưởng cho đồ án) cho đến bước cuối cùng. Việc làm mô hình giúp cho công tác thiết kế kiến trúc được thành công hơn.

Khi được hỏi về điểm mạnh và điểm yếu của sinh viên Việt Nam khi ra công tác hoặc học tập tại nước ngoài, anh Triều cho biết sinh viên Việt Nam có điểm mạnh là chăm chỉ, nắm vững các phần mềm kiến trúc và có khả năng diễn họa tốt. Tuy nhiên sinh viên Việt Nam còn chưa mạnh dạn khi giao tiếp, kỹ năng thuyết trình kém và chưa chú trọng đến việc làm mô hình khi nghiên cứu đồ án kiến trúc. Anh Triều cũng chia sẻ rằng sinh viên Việt Nam nên tập trung vào học phần mềm kiến trúc rất thịnh hành ở Mỹ hiện nay là phần mềm Revit.

Với câu hỏi về xin việc làm hoặc xin thực tập tại một công ty nước ngoài, anh Triều khuyên các bạn sinh viên nên mạnh dạn gửi thư trực tiếp hỏi về các cơ hội việc làm hoặc thực tập (internship) với các công ty nước ngoài. Bạn Lê Thị Xuân Tiên hiện đang học ngành Graphic Design tại Đại học Westminster hỏi về kỹ năng phỏng vấn. “Làm thế nào để thuyết phục nhà tuyển dụng hoặc người phỏng vấn học bổng rằng mình có năng lực hơn ứng viên là người bản xứ (người nước ngoài)?”. Anh Triều cho biết bí quyết để phỏng vấn xin việc là cần phải chỉ ra được những điểm mạnh của mình và làm thế nào để nhà tuyển dụng thấy được năng lực của mình. Ngoài ra các bạn sinh viên cần phải tùy biến hồ sơ của mình. Không chỉ có một portfolio mà phải có nhiều portfolio; mỗi portfolio cần phải tùy biến để phù hợp với một công ty. Điều đó có nghĩa là cần phải nghiên cứu kỹ công ty mà mình muốn xin việc.

alt

Thầy Trần Văn Tâm đặt câu hỏi, theo các thầy và bạn Triều là những người đã có kinh nghiệm học tập ở nước ngoài thì đối với các bạn sinh viên có những gì mà các bạn có thể làm được và chưa thể làm được khi xét đến hoàn cảnh của Việt Nam. Trả lời câu hỏi đó thầy Nguyễn Hồng Ngọc cho rằng mặc dù chương trình đào tạo của chúng ta chưa thể so sánh với chương trình của các nước tiên tiến nhưng nếu các bạn nỗ lực tận dụng hết mọi phương tiện và cơ sở vật chất hiện có của nhà trường thì các bạn vẫn có thể thành công. Hãy tận dụng kiến thức của các thầy cô cũng và các kiến trúc sư bên ngoài đang tham gia giảng dạy và hướng dẫn đồ án ở trường. Điển hình là bạn Triều đang nói chuyện với mọi người, xuất thân từ trường Đại học Bách Khoa, cũng học trong nước như mọi người nhưng nhờ nỗ lực của bản thân và sự dìu dắt của các thầy cô nên bạn đã có thành công lớn. Điều thứ hai là chúng ta đang sống trong một thời đại của internet. Nên hãy tận dụng mọi lợi thể của nó, khai thác các nguồn tài nguyên như nguồn học liệu mở- Massive Open Online Course (MOOC) để phục vụ cho mục đích học tập của mình.

Thầy Trần Đức Quang cho rằng cái mà sinh viên Việt Nam có thể làm được là hãy tận dụng lợi thế so sánh của các nền văn hóa. Chẳng hạn với kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thì đó là cách làm kiến trúc với vật liệu truyền thống của Việt Nam là tre. Nếu xây dựng ở trong nước thì cũng bình thường nhưng khi KTS Nghĩa mang ra nước ngoài thì lại làm nên thành công lớn. Thầy Nguyễn Lâm cho rằng cái mà các bạn sinh viên Việt Nam nên học tập từ người Nhật là phải chăm chỉ và chú trọng đến chi tiết, không ngừng cải tiến sản phẩm.

Khi được hỏi về văn hóa làm việc tại các công ty Nhật và Mỹ, anh Triều cho biết ở các công ty Nhật, người làm việc cần phải cống hiến hết mình cho công việc. Người Nhật rất chú ý đến chi tiết, rất tỉ mỷ. Ở Nhật thời gian làm việc là có thể từ 8 đến 10 tiếng một ngày. Khi vào làm việc là chỉ có biết làm việc, hầu như không có trao đổi cười đùa trong công ty. Trong khi đó một công ty ở Mỹ lại rất chú trọng đến sự phát triển cá nhân của nhân viên. Mặc dù vậy hiệu suất làm việc trong các công ty ở Mỹ rất cao. Luôn luôn hoàn thành các nhiệm vụ đúng thời hạn.

alt

Cuối buổi anh Triều còn chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng. Với anh mới đầu anh cảm thấy choáng ngợp với những người được học bổng HONDA YES. Cảm giác lúc đó là không bao giờ có thể xin được học bổng này. Tuy nhiên khi bắt đầu xin học bổng anh đã hỏi những người đi trước về kinh nghiệm xin học bổng của họ. Và từ đó lập ra chiến lược riêng cho mình. Với học bổng Fulbright đi học thạc sỹ tại Mỹ, anh Triều chia sẻ hồ  sơ học bổng Fulbright cần có thư giới thiệu của ba giáo sư hoặc giảng viên đã dạy mình, cần có bài viết về mục đích học tập của mình (Statement of Purpose), một bản tự luận về bản thân mình (Personal Statement). Vì thế các bạn sinh viên cần phải tạo mối quan hệ tốt với các giảng viên ngay từ khi mình đang học tập. Các bạn sinh viên nên mạnh dạn nộp đơn vì nếu không được thì cũng chẳng mất gì, lại có kinh nghiệm cho các loại học bổng khác.

Các thầy cô giáo tham gia buổi trao đổi gồm có thầy Nguyễn Ngọc Bình, Thầy Nguyên Lâm,  thầy Nguyễn Hồng Ngọc,  Thầy Lê Minh Sơn, Thầy Trần Văn Tâm, Cô Vũ Phan Minh Trang, Thầy Trần Đức Quang. Buổi trao đổi học tập cũng đạt được thành công nhờ sự tham gia tích cực của hơn 40 bạn sinh viên trong và ngoài Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Khoa Kiến Trúc