Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Sáng kiến sáng chế Robot phục vụ các khu cách ly bệnh viện của Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN nhận được tài trợ của Tổ chức AUF

29/05/2020 11:42

Ngày 26/5, vượt qua gần 2.000 sáng kiến, dự án của 79 quốc gia, sáng kiến, sáng chế Robot phục vụ tại các khu cách ly bệnh viện của Trường ĐH Bách khoa-Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã được Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) công bố tài trợ. 

Đây là một trong bốn sáng kiến của bốn ĐH hàng đầu Việt Nam gồm: ĐHĐN, ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh được Tổ chức AUF tài trợ,  đánh giá cao nhờ những giá trị phục vụ cộng đồng, ứng phó phòng, chống Covid-19.


Giám đốc ĐHĐN và Hiệu trưởng Nhà trường trong buổi bàn giao cho Bệnh viện Phụ Sản-Nhi 

Trong giai đoạn cao điểm phòng chống Covid-19, các cán bộ khoa học, giảng viên Khoa Cơ khí của Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN đã phát kiến và sáng chế thành công sản phẩm công nghệ hữu ích Robot phục vụ bệnh nhân trong các khu cách ly (Robot BK-AntiCovid) tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng từ tháng 3/2020. Robot có tính năng vận chuyển nhu yếu phẩm như: thức ăn, đồ dùng, thuốc men… đưa vào khu vực cách ly phục vụ cho người bệnh trong đó chủ yếu là các sản phụ, trẻ sơ sinh là đối tượng cần chăm sóc đặc biệt. Sản phẩm có ý nghĩa thực tiễn, đáp ứng yêu cầu giảm thiểu sự tiếp xúc để phòng tránh lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân và nhân viên y tế.


Nhóm nghiên cứu trao đổi với bác sĩ về hoạt động của Robot 

Ngoài Robot BK-AntiCovid của ĐHĐN, 03 sáng kiến khác cũng được AUF lựa chọn, tài trợ bao gồm: Các bộ kit xét nghiệm Covid-19 có giá thành thấp, kết quả nhanh, chính xác nhờ công nghệ protein tái tổ hợp (ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), xe cáng cách ly áp lực âm tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) và “Foldable Aerosol Box” hộp đặt nội khí quản có thể gập gọn (Trường ĐH Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh). Điểm chung nổi bật của các sản phẩm công nghệ này đều góp phần hỗ trợ, bảo vệ các bác sĩ, nhân viên y tế tránh khỏi rủi ro do lây nhiễm chéo tại bệnh viện trong quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân.


Robot hoạt động tại Bệnh viện 

Theo Tổ chức AUF, Việt Nam là quốc gia có nhiều dự án được tài trợ nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. 04 dự án này của Việt Nam được lựa chọn trong số 2.000 hồ sơ của 79 quốc gia trên toàn thế giới gửi về Quỹ hỗ trợ quốc tế nhằm ứng phó đại dịch Covid-19 của Tổ chức AUF. Mục tiêu của Quỹ nhằm tăng cường sự tham gia, đóng góp của các trường ĐH trong việc phát triển các giải pháp hỗ trợ hệ thống y tế và người dân đối phó với đại dịch Covid-19. Những sáng kiến được chọn phải đảm bảo đem lại những giá trị và hiệu quả về công nghệ, kinh tế hoặc xã hội, trong đó ưu tiên, khuyến khích các dự án đã được ứng dụng, đánh giá, kiểm định hoặc do phụ nữ chủ trì.


Giám đốc ĐHĐN khen thưởng nhóm nghiên cứu 

Theo bà Ouidad Tebbaa, Giám đốc AUF khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho biết: “Sáng kiến của các trường ĐH Việt Nam được Quỹ ứng phó Covid-19 của AUF tài trợ đợt này đã cho thấy khả năng đổi mới và thích ứng của các trường ĐH Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Điều này cho thấy sự đóng góp, sáng tạo và tiềm năng của các nhà nghiên cứu từ các trường ĐH là vô cùng to lớn, đặc biệt là Việt Nam có đến 61/92 dự án của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đăng ký tham gia. Kết quả này cho thấy vai trò quan trọng của các trường ĐH đối với sự phát triển của xã hội, góp phần giải quyết những thách thức có tính toàn cầu”.

Xem thêm tin trên Website Tổ chức AUF, Báo Dân trí, Báo Pháp Luật

Tin Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN