Đào tạo Sau Đại học

Giới thiệuTin tứcThông báo

Mục tiêu – Chuẩn đầu ra cấp Trường

Đào tạo Thạc sĩ

Đào tạo Tiến sĩ

Đề án tuyển sinh

Quy chế - Quy định

Biểu mẫu

Danh sách tốt nghiệp

Quyết định mở ngành

Mẫu văn bằng

Không gian cảnh quan mở dưới góc nhìn tâm lý học môi trường (Nghiên cứu trường hợp Đại học Harvard và Học viện Công nghệ Massachusetts)

16/07/2019 11:36

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trường Đại học (ĐH) được xem là cái nôi của những ý tưởng cách tân, tác động mạnh mẽ đến xã hội thông qua môi trường nghiên cứu khoa học nghiêm túc và sáng tạo. Trong đó, áp lực nghiên cứu, học hành, thi cử luôn hiện diện. Các cuộc khảo sát cho thấy ngày càng nhiều sinh viên (SV) đại học thường xuyên gặp căng thẳng, làm ảnh hưởng khả năng học tập của họ. Sự mất cân bằng giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng của môi trường rõ ràng có liên quan đến sức khỏe thể chất và sự suy giảm sức khỏe tinh thần. Như vậy, thiết kế cảnh quan trường ĐH cần vượt ra khỏi ý nghĩa cung cấp một nơi để học tập, cần được thiết kế để đáp ứng nhu cầu, phục hồi sức khỏe tinh thần và thể chất cho người học. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ mối quan hệ giữa cảnh quan không gian mở với khả năng phục hồi sức khỏe.

  • Kuo và cộng sự (1998), Harttig và cộng sự (2007), Van den Berg và cộng sự (2007) phát hiện ra rằng môi trường tự nhiên, cảnh cây cối, cảnh khu bảo tồn thiên nhiên giúp giảm stress và cải thiện tâm trạng.
  • Taylor và cộng sự (2002), Ottosson và Grahn (2005) cho rằng kích thước khung cửa nhìn ra thiên nhiên làm tăng khả năng tự kiểm soát.
  • Ulrich (1984) thì cho rằng cảnh tự nhiên và cây cối giúp rút ngắn thời gian lưu trú hậu phẫu của bệnh nhân.
  • Hererwagen (1990) những bức tranh phong cảnh có hiệu ứng tích cực cho trạng thái cảm xúc và nhịp tim. [1]

Trong bài viết này, tôi nghiên cứu và giới thiệu hai trường phái thiết kế cảnh quan trường Đại học khá tiêu biểu ở Mỹ. Đầu tiên là Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) với phong cách kiến trúc hiện đại, mang dấu ấn từng thời kỳ xây dựng, tuy nhiên vẫn đảm bảo sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên trong khuôn viên theo lối khoa học, hiện đại. Thứ hai, và cũng khá tương phản với trường phái của MIT, chính là phong cách cảnh quan của Đại học Harvard. Ở Harvard, phong cách kiến trúc luôn cổ kính, đồng nhất, đặc biệt là về phong cách kiến trúc, màu sắc và chất liệu. Bên cạnh đó, kiến trúc có quy mô và kiểu dáng hài hòa với môi trường cảnh quan thiên nhiên cây cối theo phong cách công viên đô thị. Ngoài việc phải đảm bảo các nguyên tắc bản lề của thiết kế cảnh quan như: Sự cân đối, trật tự bố cục, sự lặp lại một cách có tính toán, sự thống nhất của toàn bộ bố cục, cảnh quan tại Đại học Harvard và MIT còn được đặt trên quan điểm lấy người học làm trung tâm, hướng tới mục tiêu thư giãn, giảm stress và nâng cao sức khỏe tinh thần cho họ [2].

2. CÁC MÔ HÌNH VÀ CÁC CÁCH TIẾP CẬN TRONG THIẾT KẾ

Ba mô hình phổ biến của không gian mở lành mạnh gồm: Vườn chữa bệnh – nơi cây xanh và cảnh tự nhiên tạo ra hiệu ứng phục hồi sức khỏe, không gian mở linh hoạt đáp ứng các nhu cầu chức năng của các hoạt động và đối tượng khác nhau; các hệ sinh thái quy mô nhỏ trong các tòa nhà xanh kết hợp không gian mở. Các cách tiếp cận trong thiết kế cảnh quan tương ứng cho ba mô hình nói trên là thiết kế cảnh quan, thiết kế không gian và thiết kế xanh (xem Hình 1).

 

Hình 1: Các cách tiếp cận và giải pháp cho thiết kế không gian mở – khuôn viên lành mạnh (phỏng theo [1])

Cách tiếp cận 1: Thiết kế cảnh quan

 

  • Không gian cây cối

Thiết kế cảnh quan tạo ra những cơ hội để chống lại căng thẳng, thông qua việc cung cấp nơi nghỉ ngơi, phục hồi hoặc những không gian yên tĩnh để suy tư. Trong tất cả các chiến lược thiết kế cảnh quan giúp phục hồi sức khỏe, thực vật luôn là yếu tố quan trọng nhất để đưa thiên nhiên lại gần với con người. Sân trung tâm của Harvard là một điển hình về sử dụng không gian cây xanh bố cục tự do cho mục đích đó (Hình 2).

Hình 2: Cấu trúc tự nhiên sân trung tâm ở Harvard (Ảnh: Billy Au – giấy phép Creative commons – CC)

Một không gian mở thành công cần có “sự bí ẩn”, khuyến khích mọi người khám phá và “sự phức tạp”, cung cấp các thành tố đa dạng và phong phú. Trung tâm Ray và Maria ở MIT tạo ra một không gian kiến trúc – cảnh quan bí ẩn và đầy quyến rũ và có đủ sự phức tạp, kích thích sự tò mò hay khơi gợi tư duy sáng tạo của con người (Hình 3).

Hình 3: Trung tâm Ray và Maria – một yếu tố bí ẩn và phức tạp trong khuôn viên trường MIT, KTS. Frank O. Gehry (Ảnh: Lucy Li – giấy phép CC)

Mọi người cảm nhận môi trường xung quanh bằng cách sử dụng các giác quan: Thị giác, xúc giác, thính giác và khứu giác. Thiết kế cảnh quan với sự xem xét đầy đủ các cảm giác này sẽ làm phong phú thêm trải nghiệm và ấn tượng của người dùng. Thành phần đa dạng và tươi rói của màu sắc, kết cấu và hoa văn của cây tạo ra hình ảnh ấn tượng của thiên nhiên; kết cấu đặc biệt của thực vật khuyến khích sự tiếp xúc, sắc lá và phấn hoa có thể khuyến khích sự tương tác trực tiếp giữa con người và các yếu tố tự nhiên. Âm thanh trong một khu vườn (gió và mưa, tiếng chim và côn trùng và tiếng nước chảy) sẽ mang lại cảm giác thanh thản và sự nhẹ nhõm cho mọi người. Mùi hương tự nhiên của thực vật, hoa có thể làm hài lòng người dùng. Vườn chìm bên cạnh nhà nguyện “Class of 1959” ở Harvard là một khu vườn nhạy cảm điển hình chứa đựng đầy đủ các yếu tố của giác quan, kết hợp với không gian tâm linh ngay bên cạnh càng gia tăng thêm những ảnh hưởng của nó (Hình 4). Những chiến lược thiết kế cảnh quan giúp cải thiện sức khỏe tinh thần như bãi cỏ, cây cối, cây đầy màu sắc và cây cối mật độ dày đặc là 4 trong số những chiến lược thường được áp dụng.

  • Trường trung tâm

Không gian kiến trúc cảnh quan không thể thiếu các trường trung tâm thống trị trường thị giác và làm cho một “nơi chốn” có sự khác biệt, thu hút ánh mắt và chuyển động về phía nó. Ngoài việc giúp mọi người điều hướng, trường trung tâm đánh dấu một nơi chốn có ý nghĩa lịch sử hoặc nghệ thuật. Nó có thể được sử dụng cho các hoạt động giải trí, check-in, hoặc một điểm tập hợp mọi người. Ở Harvard hay MIT, chúng ta dễ dàng bắt gặp những điểm nhấn như vậy (Hình 5). Trường trung tâm nên được gắn với một câu chuyện văn hóa hay lịch sử, có thể dưới dạng một bảng thông tin nhỏ, để nó thêm phần hấp dẫn và giữ chân mọi người lâu hơn.

Hình 5: Điêu khắc cánh buồm trong sân McDermott trước tòa nhà xanh Cecil & Ida, MIT (Ảnh: Brian C. Keegan – giấy phép CC) và điêu khắc nghệ thuật ở sân trung tâm Harvard (Ảnh: Huber Gerhard – giấy phép CC)

  • Sự tương tác

Khi tìm đến những không gian mở, một yếu tố có thể khơi dậy sự thích thú sẽ giúp họ giải tỏa căng thẳng, tách đầu óc họ khỏi công việc hàng ngày và tìm kiếm sự thư giãn. Không gian mở là nơi hoạt động phần lớn tự phát trong bối cảnh tự nhiên. Các yếu tố của cảnh quan trong không gian mở (đài phun nước, sinh vật sống, hoa…) sẽ khuyến khích người dùng tương tác với chúng. Đài phun nước Tanner tại Harvard cho thấy một không gian mở hỗ trợ tương tác (Hình 6). Với vị trí thuận lợi tại Quảng trường của Harvard, được thiết kế bởi các tảng đá tự nhiên xếp tự do, những tia nước phun lên tạo cảnh quan sương mù, Tanner thu hút rất nhiều người tới vui chơi, nhảy nhót trên những tảng đá, lội nước hay đơn giản là chụp ảnh ấn tượng.

Hình 6: Hồ phun nước Tanner ở Harvard (Ảnh: Daderot – giấy phép CC)

Một dạng tương tác sinh động khác là với các sinh vật và thực vật sống. Các hồ sinh cảnh trong khuôn viên trường là nơi lý tưởng cho các tương tác như vậy. Sự phong phú của thực vật (các loại cây, cỏ, rong rêu, hoa) và các loại sinh vật thủy sinh (cá, rùa) và ong, bướm… cung cấp cho môi trường một sức sống và thiết lập một hệ sinh thái tự cân bằng. Điều này khiến nhiều người thích lui tới các hồ sinh cảnh để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên và đôi khi tương tác với các loài động vật.

Cách tiếp cận 2: Thiết kế không gian

  • Các không gian quảng trường

Nghiên cứu tâm lý học môi trường đã phát hiện rằng cảnh quan có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người thông qua các kích thích [3]. Một bầu không khí cởi mở và không chính thức có thể kích thích sự sáng tạo. Con người sẽ hoạt động tối ưu với mức độ kích thích vừa phải; khi đó bố cục không gian, lưu thông, sự kiểm soát, sự linh hoạt, khả năng đáp ứng, sự riêng tư, cú pháp không gian, không gian được che chắn và các yếu tố mang tính biểu tượng là các yếu tố quan trọng. Quảng trường ở Harvard (Hình 7) đóng vai trò là trung tâm của cuộc sống trong khuôn viên trường, thu hút SV đến các sự kiện lớn nhỏ đủ loại. Mười bảy băng ghế gỗ với bảy thiết kế riêng biệt khuyến khích sự tụ tập, các rặng cây sumac và bạch quả xung quanh cung cấp nơi trú chân yên tĩnh. Quảng trường Harvard là một sự pha trộn không gian riêng với không gian công cộng, nó bao chứa nhu cầu cá nhân và các tương tác xã hội.

Hình 7: Mặt bằng quảng trường Harvard với những cách sắp xếp linh hoạt cho nhiều loại hoạt động (© 2013 Stoss Landscape Urbanism – đã cho phép tác giả sử dụng)

  • Sân trong – các khung nhìn

Sân trong là một dạng không gian mở được bao quanh bởi các tòa nhà, liên kết không gian giữa các tầng theo chiều dọc. Thiên nhiên và cây xanh sẽ có lợi ích tâm lý đáng kể cho người dùng ở các tòa nhà xung quanh. Nhìn vào sân trong qua cửa sổ hay các vòm cuốn có thể tạo ra tương tác xã hội hay tự nhiên tích cực cho người dùng trong nhà (hình 8). Thiết kế sân trong nhà Adolphus Busch ở Harvard là giải pháp đồng điệu giữa vô số vòm cuốn với dây leo và điêu khắc cổ, hồ nước trong vườn làm cho người học có cảm giác như bước vào một thế giới hoàn toàn mới. Đối với sân trong, chiều cao các loại cây nên phù hợp với độ cao cửa sổ xung quanh.

Hình 8: Sân trong Adolphus Busch Hall (Ảnh: Daderot – giấy phép CC)

  • Các lưu tuyến

Lưu tuyến có cấu trúc không gian định hướng mạnh mẽ. Để tránh không gian đơn điệu và buồn tẻ, các chức năng khác nên được tích hợp trên lối đi, kết hợp với không gian các tòa nhà xung quanh và xem xét hình thức đường dẫn, sự đa dạng và trình tự không gian. Một tuyến tốt có thể bao gồm các mẫu lát sinh động, ghế nghỉ chân, bục để nói chuyện trước công chúng, sân khấu ngoài trời… và các chức năng có quy mô thân mật, như nơi nói chuyện riêng, và đặc biệt không thể thiếu bóng râm. Không gian đệm là thực vật và ghế ngồi, chuyển tiếp giữa không gian giao thông, các khu vực tĩnh và làm phong phú cảnh quan dọc theo lưu tuyến. Các tuyến đi trong sân phía Bắc của MIT là một mô hình mẫu mực với gần như đầy đủ các giải pháp không gian chức năng được tích hợp (Hình 9).

Hình 9: Sân phía Bắc ở MIT (Photo: Charles Mayer – TCLF đã cho phép tác giả sử dụng)

  • Mức độ tương tác

Xét theo mức độ tương tác, có hai loại không gian mở chính: Một loại khuyến khích sự cởi mở và một loại giữ gìn sự riêng tư. Đối với những người thích đám đông và các giao tiếp xã hội, một không gian tự nhiên và cởi mở như bãi cỏ rộng là thích hợp. Không gian riêng tư thường được thiết kế cung cấp nơi ẩn mình khỏi đám đông. Thực vật rất cần thiết trong việc tạo sự riêng tư. Ghế dưới cây hoặc pergolas là không gian phù hợp nhất cho sử dụng cá nhân, trong đó các tán cây xác định không gian và thực vật hạn chế tầm nhìn trực tiếp từ các khu vực xung quanh, tạo ra một khu vực biệt lập mà không bị xáo trộn và bị chú ý [1]. Không gian bãi cỏ trống rộng rãi, có rặng cây tán dày bao quanh ở MIT và Harvard tạo ra hai dạng không gian mở riêng tư và cởi mở, đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của các trường (hình 10).

Hình 10: Sân Killian ở MIT (Ảnh: Brian C. Keegan – giấy phép CC) và sân Harvard Business School (Ảnh: tác giả)

Không gian bảo vệ sự riêng tư phổ biến nữa ở MIT và Harvard là Nhà nguyện ngay trong khuôn viên trường dành cho những người theo đuổi một tôn giáo, với không gian yên tĩnh và tách biệt, người học dễ dàng tìm thấy một chỗ dựa trong những lúc khó khăn và những người đồng cảm với mình (hình 11).

Hình 11: Nhà nguyện MIT – KTS. Eero Saarinen (Ảnh: Trevor Ryan Patt – giấy phép CC) và Nhà nguyện “Class of 1959” – KTS. Moshe Safdie (Ảnh: Tác giả)

Hình 12: Một góc vườn rau trên sân thượng Kendall Square, MIT (Ảnh: Tác giả)

Hình 13: Mái xanh kết hợp lấy sáng trên 4 tầng hầm ở Harvard – Thiết kế: Skidmore, Owings & Merrill (© Timothy Hursley – S.O.M. đã cho phép tác giả sử dụng) và vườn trên mái nhà xe 5 tầng ở quảng trường Kendall ở MIT (Ảnh: tác giả)

Cách tiếp cận 3: Thiết kế xanh

Các không gian mở trong công trình xanh được coi như một hệ sinh thái vi mô cung cấp môi trường sống cho thảm thực vật và động vật hoang dã, tạo ra vi khí hậu dễ chịu và tăng hấp thu nước mưa vào đất, cung cấp nơi trú ẩn tự nhiên đô thị cho côn trùng, động vật nhỏ, thực vật và động vật bản địa và giúp bảo tồn đa dạng sinh học địa phương. Ý tưởng thiết kế không gian mở nhìn từ góc độ sinh thái sinh học có ý nghĩa lớn đối với cảnh quan trường học khỏe mạnh. Việc kết hợp một không gian mở bền vững có thể cung cấp một nguồn tài nguyên hiệu quả cao để giảng dạy về các hệ thống tự nhiên, đa dạng sinh học và các môn khoa học tự nhiên và sinh thái khác [4]. Thay vì một thảm cỏ, các không gian mở có thể ở dạng một vườn rau tự túc cung cấp rau cho Nhà hàng chay trong trường và tạo ra một chu trình thực phẩm bền vững (Hình 12). Mái xanh, hồ nước hoặc vườn mưa là loại không gian mở giúp quản lý nước mưa (Hình 13). Thực vật và cỏ bản địa rễ sâu được trồng, đón dòng nước mưa bổ sung nguồn nước ngầm và ngăn chặn nước mặt kéo các chất ô nhiễm chảy vào cống. Vườn nước có thể được sử dụng trong nghiên cứu hệ sinh thái thủy sinh mà không cần xe di chuyển cho các chuyến đi thực địa. Hệ thống thu gom và phân phối mưa có thể được sử dụng để dạy học sinh về chu trình nước. Các đầm nước có thể lọc nước thải từ tòa nhà là bài học trực quan về các quá trình sinh học, môi trường sống và tầm quan trọng của chúng trong tự nhiên.

KẾT LUẬN

Những thiết kế cảnh quan ở Harvard và MIT đã thể hiện sự thành công về mặt chức năng, thẩm mỹ thị giác, bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học, và đặc biệt còn tạo một khung cảnh giúp giải tỏa các áp lực căng thẳng tâm lý và đánh thức các ý tưởng sáng tạo. Cảnh quan vừa đảm nhận chức năng của một không gian mở vừa có chức năng trị liệu tâm lý. Có thể nói cảnh quan kiến trúc hài hòa, vừa đa dạng, vừa đa năng là một yếu tố quan trọng đứng phía sau những thành công rực rỡ của các ngôi trường danh giá này.

*TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2019)

P. Trưởng khoa – Khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng

Tài liệu tham khảo
[1] S. S. Y. Lau, Z. Gou and Y. Liu, “Healthy campus by open space design: Approaches and guidelines,” Frontiers of Architectural Research, vol. 3, no. 4, pp. 452-467, 2014.
[2] G. Hansen, “Basic Principles of Landscape Design,” University of Florida, Gainesville, 2010.
[3] G. W. Evans and J. M. McCoy, “When buildings don’t work: The role of architecture in human health,” Journal of Environmental psychology, vol. 18, no. 1, pp. 85-94, 1998.
[4] C. Pyke, S. McMahon and T. Dietsche, “Green building & human experience (USGBC research program white paper),” U.S. Green Building Council, Washington, DC, 2010.