DHBK

“VEF Alumni: Successes and Challenges” : Vượt qua thách thức, trở về phụng sự dân tộc, non sông!

13/08/2012 02:19

 

Trong 3 ngày, từ 10 đến 12/8 tại Đà Nẵng, đã diễn ra Hội nghị thường niên của Cựu Nghiên cứu sinh (NCS) và học giả VEF - Quỹ Giáo dục dành cho Việt Nam của Hoa Kỳ- với chủ đề “Cựu NCS và Học giả VEF: Thành công và Thách thức (tên gọi tắt tiếng Anh và cũng là từ khoá trong tìm kiếm thông tin về hội nghị là “VEF Alumni: Successes and Challenges”).

Đây là lần thứ IV hội nghị diễn ra tại Việt Nam và lần đầu tiên VEF Alumni diễn ra tại Đà Nẵng.

Tiến sỹ Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam ; TS. Lynne MCNAMARA, Giám đốc Điều hành VEF Hoa Kỳ đã tham dự hội nghị.

 Bộ trưởng Nguyễn Quân: Lần nầy với những chương trình hành động có tính quyết liệt, nhất định chúng ta sẽ có được những cơ chế chính sách mới, thông thoáng, tạo nên nguồn lực mới cho phát triển đất nước từ khoa học và công nghệ. 

"VEF Alumni: Successes and Challenges" diễn ra tại Đà Nẵng ( với 2 địa điểm chính là Khu nghỉ mát Furama và trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng ) - Việt Nam, còn có sự hiện diện của nhiều Giáo sư, Tiến sỹ nổi tiếng của Hoa Kỳ như GS, TS. Kunwar Jay BAGGA, Đại học Ball StateUniversity ; GS, TS. Austin MARSHALL, Đại học Texas tại El Paso ; GS.TS. Seymour VAN GUNDY, Đại học California tại Riverside ; TS. Paul Brown, Giám đốc, Nhóm Nghiên cứu Tâm lý học và Khoa học Thần kinh Ứng dụng (Văn phòng Chính phủ Lào)…

Được biết từ cuối năm 2000, VEF đã quyết định đầu tư 10 triệu USD để thực hiện 2 chương trình cấp học bổng đào tạo sau Đại học tại Hoa Kỳ ; đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực cho một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu của Việt Nam. 5 ngành được ưu tiên cấp học bổng đào tạo trong Luật VEF (đồng nghĩa với đối tượng tuyển sinh và thụ hưởng học bổng) gồm Toán học - Kỹ thuật - Công nghệ - Nông nghiệp và Y tế.

Theo cam kết mà Chính phủ hai nước, các lưu học sinh (LHS) của VEF sẽ được theo học tại các trường Đại học có chất lượng đào tạo ngành chuyên môn mà LHS theo học thuộc loại hàng đầu tại Hoa Kỳ.

Và với mục tiêu đào tạo các kỹ nghệ gia, nhà khoa học cho Việt Nam theo 5 ngành học trên, VEF chủ yếu dành ngân quỹ cho việc tuyển sinh đi đào tạo ở trình độ tiến sĩ (vì nếu chỉ dừng ở trình độ thạc sỹ thì chưa thể gọi là nhà khoa học).

Cũng theo thỏa thuận đã được Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ cùng nhau ký cam kết, liên quan đến nội dung “trở lại Việt Nam làm việc của LHS du học theo chương trình của VEF”. Tất cả LHS tham gia chương trình trên của VEF đều phải chấp nhận visa P-1. Nghĩa là với visa này, người đó bắt buộc phải trở về Việt Nam làm việc sau khoá đào tạo (cho dù có phát sinh hôn nhân hay hợp tác trong giảng dạy và nghiên cứu).

Tiến sỹ Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết từ đó đến nay VEF đã giúp Việt Nam đào tạo hơn 400 nghiên cứu sinh trẻ tại các trường, trung tâm nghêin cứu có uy tín của Hoa Kỳ. Trong đó có gần 200 Tiến sỹ đã tốt nghiệp và trở về Việt Nam.

“ Hằng năm, lãnh đạo Bộ đều cử cán bộ tham dự hội nghị thường niên của VEF.

Lãnh đạo Bộ đánh giá rất cao sự thành công trong nghiên cứu và học tập của các LHS Việt Nam tại các trường Đại học danh giá Hoa Kỳ trước khi trở về phục vụ cho tổ quốc (thường được gọi thân mật là các Alumni – với nghĩa là học viên đại học nghiên cứu - PV).

Các bạn chính là nguồn lực bậc cao ở các lĩnh vực khoa học, công nghệ cao (CNTT, công nghệ điện tử và công nghệ sinh học) mà đất nước đang cần.

Chắc chắn các bạn sẽ có nhiều bở ngỡ băn khoăn khi vừa từ một môi trường học tập và nghiên cứu chuyên nghiệp, hiện đại ; vừa tiếp thu lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng của một nền giáo dục và hệ thống đào tạo hàng đầu thế giới … nay trở về làm việc và nghiên cứu ở môi trường và điều kiện trong nước. Các bạn sẽ gặp những khó khăn khi điều kiện không tương đồng, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Song tôi tin rằng, các bạn sẽ vui vẻ chấp nhận, bởi các bạn đã xác định ngay từ khi tham gia du học theo chương trình của VEF : Học để quay về và phụng sự tổ quốc – Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ trong phát biểu của mình.

Tại Hội nghị thường niên lần thứ IV, hơn 100 cựu NCS và 30 học giả VEF là các Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà khoa học đầu ngành của Hoa Kỳ đã có các buổi nói chuyện chuyên đề tại Góc Nghiên cứu Việt Nam, mở hội thảo về đào tạo kỹ năng lãnh đạo. Đặc biệt các Cựu Nghiên cứu sinh và Học giả VEF đã chia sẻ với nhau trao đổi thông qua các câu chuyện, kinh nghiệm của mình xoay quanh chủ đề “Những câu chuyện của Cựu Nghiên cứu và Học giả VEF: Thành công và Thách thức”.

Ngày 11/8, Đoàn đã đến thăm Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng và tổ chức các phiên thảo luận nhóm, chia sẻ các quan điểm theo từng lĩnh vực quan tâm gồm :

1. Nhóm Xây dựng và Quản lý Dự án 
2. Nhóm Điện, Năng lượng và Môi trường 
3. Nhóm Công nghệ Thông tin, Điện tử và Viễn thông 
4. Nhóm Kỹ thuật Hóa và Công nghệ Sinh học 
5. Nhóm Kỹ thuật Cơ khí và Cơ điện tử

Đoàn cũng đến thăm các em nhỏ là trẻ mồ côi, cơ nhỡ và khiếm thính đang được nuôi dạy ở Làng Hy vọng Đà Nẵng.

Thay mặt Bộ Khoa học và Công nghệ, thay mặt Chính phủ, tôi cam kết rằng sẽ tạo diều kiện tốt nhất để các bạn cống hiến. Đất nước đang thật sự cần đến các bạn, bởi không chỉ có tri thức, các bạn còn là những trí thức giàu lòng ái quốc.

Các bạn sẽ góp phần đắc lực vào việc phát triển đất nước trên những nền tảng mới, giải pháp mới.

Chúng ta đang đứng trước những thách thức to lớn của hậu khủng hoảng nhưng cũng đang chật vật tìm lộ trình mới để phát triển Việt Nam trở nên hùng cường.

Trước đây, chúng ta phát triển dựa vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên dưới dạng thô , dựa vào nguồn nhân công giá rẻ và chủ yếu tập trung dựa vào cải tiến hệ thống cơ chế chính sách vận hành nền kinh tế sao cho thoát khỏi tính trì trệ lạc hậu của tư duy bao cấp, nền kinh tế đóng khung theo kế hoạch.


Nay và ngày mai, Việt Nam không thể tiếp tục xuất khẩu thô ; nguồn nhân công của chúng ta sẽ không thể cứ rẻ rúng mà nếu rẻ, chưa chắc chúng ta sẽ rẻ hơn nguồn nhân công từ một số quốc gia khác…Và chúng ta đang cần những tư duy mới cho phát triển. Tư duy đó dựa trên và xuất phát từ một nền tảng khoa học – công nghệ tiên tiến thay cho những tưu duy và giải pháp cũ đã không thể phù hợp với bối cảnh hội nhập và đòi hỏi của nền kinh tế tri thức.

 

 

Sắp đến, thay mặt Bộ, tôi sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao và các Bộ hữu quan thuộc Chính phủ Hoa Kỳ và chính thức đề nghị kéo dài thêm thời gian hoạt động của VEF. Thay vì ngưng hoạt động vào 2015, Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam sẽ chính thức đề nghị chương trình kéo dài đến 2025.
Tiến sỹ Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Hôm nay (12/8), trong ngày làm việc cuối cùng tại Việt Nam, hơn 100 cựu Nghiên cứu sinh và 30 học giả VEF đã nghe TS. Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Điều hành, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, giới thiệu các cơ hội để nhận tài trợ từ Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia

Các phiên thảo luận song song cũng đã diễn ra với các chủ đề chính: Vượt qua thách thức và các mô hình thành công, gồm:

- Tối ưu hóa những cơ hội trong giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam (Chủ tọa phiên là TS. Lê Thị Lý, Cựu Nghiên cứu sinh VEF, khóa 2004)

- Nghiên cứu điển hình thành công của các dự án về phát triển bền vững: Thành phố xanh và Năng lượng tái tạo (do TS. Nguyễn Đức Dũng, Cựu Nghiên cứu sinh VEF, khóa 2003 chủ trì) và

- “Hiệp lực để thành công: Những nỗ lực và sáng kiến chung kết nối Cựu nghiên cứu sinh và Học giả VEF” do bà Phạm Thị Minh Tâm, Cựu Nghiên cứu sinh VEF, khóa 2004 chủ trì.

Ngoài chương trình tài trợ cho LHS theo học 5 ngành tại Mỹ, VEF còn có chương trình hợp tác giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu của Hoa Kỳ với các trường ĐH, viện nghiên cứu ở Việt Nam. VEF xác định nội dung hợp tác này cũng quan trọng như việc đưa LHS Việt Nam sang Mỹ học tập. VEF sẽ hỗ trợ các trường ĐH, viện nghiên cứu Việt Nam về cơ sở kiến thức làm sao để các trường ĐH, viện nghiên cứu này sẽ trở thành những trường, viện ưu tú và đó là những trung tâm khoa học của khu vực và thế giới. Công việc cụ thể của VEF sẽ là tài trợ cho các giáo sư, nhà khoa học Mỹ sang thỉnh giảng, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học và giúp các trường sắp xếp, viết lại giáo trình cho phù hợp với sự phát triển của khoa học hiện nay. Từ đó, các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam sẽ có những công trình nghiên cứu chung. 

 

VEF lựa chọn các trường ĐH ở Việt Nam thuộc các lĩnh vực toán học, y tế và nông nghiệp và ba trường tốt nhất ở Mỹ để tạo thành ba cây cầu cho các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam trao đổi và các giáo sư của Mỹ sẽ trực tiếp chọn LHS cho VEF từ sinh viên của ba trường ĐH này. Hy vọng những năm tiếp theo các cây cầu này sẽ nhiều lên. Bên cạnh đó VEF sẽ cùng với phía Việt Nam thiết lập một trung tâm trao đổi khoa học đặt tại Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia. Đây sẽ là diễn đàn của các nhà khoa học Mỹ và Việt Nam gặp gỡ và trao đổi dưới dạng các hội thảo. Chủ đề do các nhà khoa học hai nước quyết định tùy theo nhu cầu của phía Việt Nam. Dự kiến mỗi lần kéo dài khoảng 1-4 tuần, một năm sẽ thực hiện khoảng 10 lần.

Nói chuyện với các đại diện Alumni, nhân hội nghị thường niên năm nay diễn ra tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định :

Đất nước chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại 10 năm qua, chúng ta phải tự hào nói rằng,từ chỗ chúng ta chưa xem Khoa học và Công nghệ là nền tảng , là chiến lược quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước, thì đến nay, Việt Nam chúng ta đã có nền tảng pháp lý đầy đủ và đang tiếp tục hoàn thiện ở bậc cao hơn các quyết sách – hệ thống chủ trương – cơ chế - chính sánh để phát triển Khoa học và Công nghệ.

Bộ Khoa học và công nghệ cũng đã trình và Chính phủ cũng đã thông qua Chương trình quốc gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đó là Sản phẩm Việt.

Chúng ta sẽ đầu tư, nghiên cứu và công bố những sản phẩm mang đậm bản sắc trí tuệ Việt : Lúa gạoViệt Nam , Vaccine Việt Nam , Phần mềm An ninh mạng Việt Nam..v.v..

Tôi cũng thông tin để các bạn Alumni biết , ngày 11/4/2012 vừa qua, Chính phủ chúng ta đã phê duyệt Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ (tầm nhìn đến năm 2020) và hiện Bộ đang hoàn chỉnh lần cuối để trình Quốc hội thông qua Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).

Có thể nói ngắn gọn, bối cảnh, tình hiện nay và tương lai đã khác trước rất nhiều, đất nước chúng ta cần khẳng định tiềm lực và sức mạnh của khoa học, của công nghệ để hội nhập vững vàng ; và cũng chỉ có khoa học và công nghệ mới đưa đất nước ta nhanh chóng thoát khỏi trì trệ lạc hậu, khoa học và công nghệ mới đem lại thành công cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Chúng ta phải sửa đổi và hoàn thiện Luật mới về Khoa học và Công nghệ bởi Luật cũ của chúng ta ra đời khi chưa có chủ trương Việt Nam sẽ xây dựng Nhà máy điện hạt nhân ; Việt Nam chưa phóng vệ tinh VINASAT 1 ; Việt Nam chưa gia nhập WTO và đặc biệt, chúng ta chưa hình dung, chưa xem trọng thành phần và lực lượng Doanh nghiệp làm Khoa học và Công nghệ.

Lần nầy với những chương trình hành động có tính quyết liệt, nhất định chúng ta sẽ có được những cơ chế chính sách mới, thông thoáng, tạo nên nguồn lực mới cho phát triển đất nước từ khoa học và công nghệ.

Đảng ta cũng có sẽ Nghị quyết mới về Khoa học và Công nghệ (thay cho Nghị quyết chuyên đề TƯ II, khóa VIII).