DHBK

LỄ KÝ KẾT BIÊN BẢN GHI NHỚ HỢP TÁC (MOU) GIỮA TRUNG TÂM BK21+ TRƯỜNG ĐẠI HỌC ULSAN HÀN QUỐC VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA

07/02/2015 10:35

Ngày 05/02/2015 tại trường Đại học Bách Khoa,  Đại học Đà Nẵng (DUT) đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Trung tâm BK21+ trường Đại học Ulsan, Hàn Quốc và Khoa Điện trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng.

alt

 

Tham dự buổi lễ ký kết, đại diện phía trường Đại học Ulsan có GS. Hee-Jun Kang, Khoa Điện trường Đại học Ulsan, Hàn Quốc. Về phía đại diện trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng có TS. Đào Ngọc Thế Lực, Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế, TS. Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng Khoa Điện và các Phó trưởng khoa, Trưởng các bộ môn của Khoa Điện trường Đại học Bách Khoa.

Dự án Brain Korea 21 (Trí tuệ Hàn Quốc thế kỷ 21) của chính phủ Hàn Quốc, viết tắt là BK21 ra đời vào năm 1999, với mục tiêu chính là xây dựng những đại học đẳng cấp quốc tế qua các chương trình tài trợ đặc biệt cho nghiên cứu khoa học. Dự án đã được thực thi giai đoạn I kéo dài 7 năm từ 1999 đến 2005, và giai đoạn II từ 2006 đến 2012. Đến năm 2013, dự án này tiếp tục mở ra một giai đoạn mới và đổi tên thành BK21+ (BK21 Plus). Trong dự án này, chính phủ Hàn Quốc đầu tư hàng tỷ USD để thiết lập những chương trình nghiên cứu ở các trường đại học. Số tiền này chủ yếu phân phối cho các đại học "tinh hoa" (elite) của Hàn Quốc để nâng cao số ấn phẩm khoa học, công bố quốc tế và qua đó thiết lập các đại học đẳng cấp quốc tế, nâng cấp xếp hạng các trường đại học. Để nhận số tiền này, các trường đại học phải đáp ứng yêu cầu của chính phủ, như phải cải tổ cách tuyển sinh, tiêu chuẩn khoa bảng, cách đánh giá các giáo sư và giảng viên... theo các chuẩn mực quốc tế. Trong giai đoạn mới của dự án, số tiền tài trợ từ chính phủ Hàn Quốc tăng lên nhưng cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn đối với các trường đại học. Nhiều trường đại học của Hàn Quốc sau khi qua tái thẩm định đã bị loại bỏ khỏi Dự án BK21+ vì không đạt tiêu chuẩn và mục tiêu của chính phủ. Trường Đại học Ulsan là một trong các trường hàng đầu của Hàn Quốc đã có kết quả thực hiện tốt dự án trong các giai đoạn trước và vẫn tiếp tục nhận được sự tài trợ từ nguồn tiền này của chính phủ Hàn Quốc. Ngoài ra, trường Đại học Ulsan là trường Đại học do hãng Hyundai sáng lập và được sự hỗ trợ tài chính từ tập đoàn Hyundai trong các hoạt động của nhà trường.

Trong những năm qua, thông qua dự án BK21 và giai đoạn tiếp theo của nó là BK21+, trường Đại học Ulsan đã cấp các học bổng Thạc sỹ, Tiến sỹ cho một số giảng viên và sinh viên của Khoa Điện trường Đại học Bách Khoa. Các giảng viên sau khi tốt nghiệp về nước vẫn duy trì mối quan hệ và hợp tác với các giáo sư ở Khoa Điện trường Đại học Ulsan trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.

alt

Tại buổi lễ ký kết, hai bên đã thỏa thuận những nội dung sẽ hợp tác trong thời gian đến giữa Trung tâm BK21+ trường Đại học Ulsan và Khoa Điện trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng trong những hoạt động sau: Trao đổi giảng viên và các nhà nghiên cứu; Trao đổi sinh viên đại học và Sau đại học; Thực hiện những đề tài nghiên cứu chung; Trao đổi các tài liệu, các thông tin nghiên cứu khoa học và hợp tác trong công bố quốc tế; Các hoạt động khác dưới sự thỏa thuận giữa hai bên.