ĐH Bách khoa – Trường đầu tiên thuộc ĐH Đà Nẵng và khu vực miền Trung, tiến hành kiểm định chất lượng 2 ngành đào tạo theo chuẩn AUN-QA

13/10/2016 05:25

Bắt đầu từ phiên làm việc sáng 12/10, Đoàn Đánh giá ngoài AUN-QA tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục đối với Chương trình Tiên tiến ngành Điện tử - Viễn thông (Advanced Program in Electronic and Communication Engineering) và Chương trình Tiên tiến ngành Hệ thống nhúng (Advanced Program in Embedded Systems) theo bộ tiêu chuẩn của “Hệ thống đảm bảo chất lượng các trường đại học (ĐH) Đông Nam Á” (ASEAN University Network - Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA) của trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng.

Đoàn sẽ làm việc liên tục trong 3 ngày (từ 12/10 đến 14/10).

alt

PGS.TS Nantana Gajaseni – Giám đốc Điều hành AUN tặng biểu tượng pha-lê mang tên Mạng lưới các trường ĐH Đông Á - đến GS.TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa- ĐH vùng Đà Nẵng.

alt

GS.TS Lê Kim Hùng phát biểu khai mạc đợt đánh giá và giới thiệu về ĐH Bách khoa Đà Nẵng. -Ảnh: Xuân Dương.

 

ĐH Bách khoa đã trở thành cơ sở giáo dục thành viên đầu tiên của ĐH Đà Nẵng tiến hành đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN- QA.

AUN-QA luôn là đích đến mà nhiều trường ĐH tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á hướng đến, với mục tiêu không chỉ thu hút số lượng đầu vào mà còn khẳng định chất lượng đào tạo và dần tiến tới là việc xây dựng văn hóa chất lượng của một ĐH.

Việc đăng ký và lựa chọn kiểm định theo chuẩn AUN–QA của ĐH Bách Khoa (ĐH vùng Đà Nẵng) nói riêng, các trường ĐH Việt Nam nói chung, còn giúp các trường biết được chương trình đào tạo của mình (hiện tại) đã đạt đến cấp độ nào trên thang đánh giá của khu vực.

alt

PGS.TS Nantana Gajaseni – Giám đốc Điều hành AUN phát biểu. -Ảnh: X.D 

Điều này sẽ mang ý nghĩa định hướng cho yêu cầu khắc phục những điểm tồn tại của chương trình đào tạo, vươn đến ngang tầm với các chương trình và chất lượng đào tạo cùng lĩnh vực trong khu vực các nước Đông Nam Á.

“Đây là lần đầu tiên tổ chức AUN-QA đến với ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng. Chuyến khảo sát  thực tế của chúng tôi nhằm chính thức đánh giá chất lượng hai chương trình tiên tiến ngành “Điện tử - Viễn thông” và ngành "Hệ thống nhúng" theo tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA.

Tôi mong muốn trong năm 2017 sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình của các trường ĐH Việt Nam được thẩm định và đánh giá. Hy vọng các trường ĐH Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng trong việc cải tiến và xây dựng chương trình học để được tổ chức AUN đánh giá và công nhận.” - bà Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành của AUN cho biết.

Trong ngày 12/10, các thành viên Đoàn công tác AUN-QA đã nghe Ban Giám hiệu; Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục; Phụ trách các Chương trình Tiên tiến giới thiệu chung về ĐH Bách khoa, về Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục cấp Trường, đặc biệt là giới thiệu về các chương trình tiên tiến do Trung tâm Xuất sắc phối hợp với Khoa Điện tử Viễn thông và Khoa Điện triển khai đào tạo.

Tiếp đó, Đoàn đánh giá AUN làm việc thực tế ngay tại Trung tâm Xuất sắc, kiểm tra đánh giá các cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu như phòng học, thư viện, phòng lab, hoạt động sinh viên, hệ thống giảng dạy trực tuyến, …

Để có kết quả kiểm tra, thẩm định cuối cùng một cách chính xác, quy chiếu và cho điểm theo thang điểm chấm, Đoàn cũng đồng thời tiến hành phỏng vấn đội ngũ giảng viên, đội ngũ cán bộ hỗ trợ, sinh viên, cựu sinh viên và nhà tuyển dụng.

Được biết, bộ tiêu chuẩn của AUN-QA phiên bản 2 có 15 tiêu chuẩn với 68 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức:

1 = không có gì (không có tài liệu, không có kế hoạch, không có bằng chứng) tại thời điểm hiện nay

2= vấn đề này còn đang trong giai đoạn lập kế hoạch

3 = có  tài liệu minh chứng nhưng không có bằng chứng cho thấy rõ chúng được sử dụng

4 = có tài liệu và bằng chứng cho thấy chúng được sử dụng

5 = có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả đối với vấn đề đang xem xét

6 = ví dụ về thực tiễn tốt

7 = xuất sắc (hàng đầu hoặc dẫn đầu). Mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn đều có trọng số như nhau, điểm đánh giá của toàn bộ chương trình là điểm trung bình cộng của cả 68 tiêu chí. 4.0 là ngưỡng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AUN.

Đây là bộ tiêu chuẩn không tập trung vào những đặc trưng riêng của từng chuyên ngành mà tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của một chương trình. Bộ tiêu chuẩn tập trung và những lĩnh vực mà bất kỳ chương trình đạo tạo bậc đại học nào cũng có như chuẩn đầu ra; khung chương trình; giảng viên và sinh viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng...

alt

Cùng chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc nghi thức khai mạc chương trình làm việc.-Ảnh: X.D.

 

Xuân Dương thực hiện