Dư luận hài lòng với cách tổ chức thi riêng của khối V
21/07/2014 08:47
Năm 2014 là năm đầu tiên Hội đồng tuyển sinh Đại học Đà Nẵng (HĐTS ĐHĐN) tổ chức tuyển sinh riêng với ngành Kiến trúc Trường Đại học Bách khoa thuộc ĐHĐN (khối V). Vì vậy, ngay sau khi công bố danh sách thí sinh (TS) trúng tuyển vào ngành Kiến trúc, sáng 20-7, HĐTS ĐHĐN năm 2014 đã mời 3 TS/134 TS trúng tuyển lên gặp mặt để nghe suy nghĩ, đánh giá của các em về ưu, nhược trong cách thức tổ chức thi riêng này nhằm hoàn thiện lộ trình tiến tới việc tổ chức thi riêng trong thời gian tới…
HĐTS ĐHĐN năm 2014 lắng nghe nhận xét của 3 TS trúng tuyển vào ngành Kiến trúc khối V về cách tổ chức tuyển sinh riêng.
3 TS được mời gặp mặt đều là học sinh Đà Nẵng (HS) gồm: Trần Phước Bảo Thư-HS Trường THPT Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Ngọc Diệp-HS Trường THPT Nguyễn Trãi, Trần Quang Sang-HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám.
Trong tâm trạng phấn khởi vì trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích với số điểm khá cao (tổng điểm trúng tuyển: 32,3 gồm: Toán: 6,5, Văn (xét tuyển): 8, vẽ: 7,25), khi được hỏi "các em có cảm nghĩ gì khi thay đổi cách thức thi, môn thi cùng với việc công bố điểm trúng tuyển cùng lúc với điểm thi của ngành Kiến trúc", TS Bảo Thư cho rằng, việc đổi môn thi từ Lý sang Văn và không thi đối với môn này, chỉ lấy điểm trung bình xét tuyển của 5 học kỳ THPT là hợp lý, giảm bớt áp lực cho TS.
* Thủ khoa khối V là TS Huỳnh Thị Mỹ Linh (quê Điện Bàn, Quảng Nam), SBD DDKV.13010, tổng điểm là 36 điểm - chưa tính 1 điểm ưu tiên theo khu vực (đã nhân hệ số môn vẽ và môn Toán).
Danh sách điểm thi khối V ngành Kiến trúc ĐHBK Đà Nẵng được đăng tải trên Báo Công an Đà Nẵng điện tử tại địa chỉ www.cadn.com.vn/scores/default.aspx từ 19-7.
|
Bảo Thư vui vẻ bày tỏ suy nghĩ: "Tất nhiên, điều gì có lợi cho chúng em thì chúng em thích rồi. Ban đầu, em thấy cũng hơi là lạ khi chỉ thi hai môn: Toán, Vẽ, còn môn Văn thì được xét tuyển. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc thay đổi cách thức thi này sẽ làm giảm đi chất lượng đầu vào. Theo em, việc đổi Lý sang Văn là hợp lý vì đối với ngành kiến trúc, ngoài việc tính toán, vẽ, đòi hỏi người học ngành kiến trúc phải am hiểu các kiến thức về văn hóa, xã hội. Sự cảm thụ văn học sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng em trong quá trình học tập và sáng tạo. Vì vậy, việc chuyển sang môn Văn là hợp lý".
Cùng quan điểm này, TS Ngọc Diệp (có tổng điểm trúng tuyển 34,8 điểm với Toán: 7,25, Vẽ: 8, Văn: 8) bổ sung thêm: "Bên cạnh các yếu tố về kỹ thuật, tính toán, Kiến trúc là ngành học đòi hỏi khá cao về tính thẩm mỹ, mỹ thuật cũng như nghệ thuật sáng tạo…Vì thế, theo em, nó đòi hỏi và cần rất nhiều đến môn Văn. Đặc biệt, khi hoàn thành xong một tác phẩm kiến trúc, tác giả phải biết bảo vệ, thuyết trình tác phẩm của mình. Văn chính là môn học giúp cho chúng em làm được điều đó".
Tuy có số điểm xét tuyển đối với môn Văn không cao bằng 2 bạn nữ nhưng Trần Quang Sang cũng cho rằng việc đổi môn thi từ Lý sang Văn và xét tuyển riêng với môn này là hợp lý nhằm giảm tải áp lực thi vì TS vừa mới trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT không bao lâu. Sang cho biết: "Ban đầu em cũng lo lắng, vì tổng điểm môn Văn chia cho 5 học kỳ của em chỉ đạt 5,8 mà thôi. Trong khi đó, do nghĩ sẽ thi Toán, Lý, Vẽ như những năm trước, nên em đầu tư nhiều cho 3 môn học này.
Thực tế, điểm môn Lý của em năm lớp 12 là 9,1. Tuy vậy, em vẫn tự tin vì vẫn còn Toán và Vẽ. Việc ĐHĐN đòi hỏi môn Văn là hợp lý bởi lẽ, Văn là môn học không chỉ giúp cho HS cảm thụ về văn học mà còn mở mang các kiến thức về văn hóa và qua việc học Văn tốt sẽ giúp chúng em có kỹ năng viết và trình bày văn bản. Điều này rất quan trọng".
Theo PGS-TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐHĐN, Chủ tịch HĐTS ĐHĐN năm 2014- trước khi đưa ra quyết định thay đổi hình thức và môn thi đối với ngành Kiến trúc của khối V theo hình thức thi riêng, HĐTS ĐHĐN đã tham khảo và tổ chức nhiều cuộc họp để đi đến thống nhất việc đổi môn Lý bằng môn Văn với hình thức xét tuyển riêng môn học này qua 5 kỳ học bậc THPT.
Theo đó, tiêu chí xét tuyển vào ngành Kiến trúc của ĐH Đà Nẵng được xây dựng như sau: Điểm trung bình môn Văn năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12 (5 học kỳ) của TS đạt từ 5,5 điểm trở lên. Ngoài ra, TS phải thi tuyển các môn: Toán (theo đề thi của kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức), Vẽ mỹ thuật (đề thi của ĐHĐN). Điểm xét tuyển tính theo phương thức: Điểm xét tuyển = Toán x 1,5 + Vẽ mỹ thuật x 2 + Văn TB + điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Cho đến thời điểm này, việc tổ chức thi riêng đối với khối V nhận được nhiều sự đồng tình từ phía dư luận. PGS-TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐHBK- cho biết thêm, Kiến trúc là một trong những ngành học được ĐHĐN thực hiện tuyển sinh riêng, nên ngay sau khi chấm thi xong là đã có thể công bố điểm và xét tuyển ngay. Theo đó, những TS trúng tuyển sẽ được gọi nhập học sớm để làm quen và tham gia một số hoạt động của trường trước khi vào học chính thức.
Khi chúng tôi đề cập đến việc, liệu việc xét tuyển riêng đối với môn Văn có xảy ra tình trạng tiêu cực "chạy điểm" ngay từ bậc THPT hay không, ông Lê Kim Hùng cho rằng, việc lấy điểm trung bình môn Văn dựa trên 5 học kỳ của lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 THPT chỉ có thể làm tăng yếu tố khách quan hơn trong dạy-học ở bậc THPT.
Với việc xét tuyển riêng môn Văn dựa trên kết quả học tập của cả 3 năm học, sẽ góp phần nâng cao hơn sự giám sát giữa HS, phụ huynh và các trường với nhau. Trong quá trình học, nếu có hiện tượng tiêu cực sẽ lập tức gây dư luận. Ngoài ra, với việc xét tuyển riêng môn Văn dựa trên kết quả học tập của 3 năm THPT là hợp lý, giảm áp lực, tạo tâm lý nhẹ nhàng cho TS và cũng đỡ tốn kém cho xã hội...