Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tiếp và làm việc với Porland State University (PSU) - Hoa Kỳ
28/11/2023 19:19
Sáng ngày 27/11, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) và Porland State University (PSU) - Hoa Kỳ đã có buổi làm việc, trao đổi các khả năng hợp tác trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo nhân lực ngành Chip bán dẫn. Trước đó vào ngày 24/11/2023, hai trường đã có cơ hội trao đổi sơ bộ về nội dung hợp tác trong buổi làm việc giữa Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN với Phái đoàn Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và đoàn Bang Oregon, Hoa Kỳ.
Tham dự buổi làm việc, về phía Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN có PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS Lê Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng đại diện lãnh đạo Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Phòng Đào tạo, Khoa Điện tử - Viễn thông, Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến.
Về phía với Porland State University (PSU) - Hoa Kỳ có TS. James Hook - Phó Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật và Khoa học máy tính ĐH Bang Portland.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Nhà trường
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trong năm 2024, Nhà trường sẽ mở mới và bắt đầu tuyển sinh chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch. Để chuẩn bị cho việc mở chuyên ngành mới, Nhà trường đã nhận được nhiều sự đầu tư về máy móc, thiết bị thực hành từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chíp bán dẫn như FPT, Renesas, Keysight, …
TS. James Hook - Phó Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật và Khoa học máy tính ĐH Bang Portland giới thiệu tổng quan về trường và các khả năng hợp tác với DUT
Portland State University được thành lập năm 1946 tại trung tâm thành phố Portland, bang Oregon, Mỹ. Hàng năm, trường thu hút hơn 28,000 sinh viên nhập học, trong đó có 1,750 sinh viên quốc tế đến từ gần 100 quốc gia trên thế giới. Porland State University là trường công lập đào tạo đa ngành giúp cho học sinh có nhiều lựa chọn ngành nghề, các ngành học thế mạnh của PSU được công nhận bao gồm khối ngành kỹ thuật, khoa học môi trường và đào tạo sau đại học. PSU thuộc các trường top đầu trong đào tạo Kỹ sư ngành Chip bán dẫn tại Hoa Kỳ.
Các thầy cô tham gia thảo luận, đề xuất nội dung hợp tác
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các khoa: Khoa Điện tử - Viễn thông; Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến đã giới thiệu tổng quan về các chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, ... quy mô đào tạo và một số chương trình hợp tác với doanh nghiệp hay với các trường đại học uy tín trên thế giới.
DUT và PSU đã trao đổi các nội dung chính có khả năng hợp tác như:
- Phối hợp tổ chức chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên ngắn hạn giữa hai trường
- Hỗ trợ chia sẻ kiến thức, đào tạo nâng cao chuyên môn giảng dạy ngành bán dẫn cho giảng viên DUT
- Hỗ trợ DUT xây dựng CTĐT Kỹ sư Vi điện tử góp phần đào tạo nguồn nhân lực CLC
- Hỗ trợ các thiết bị thực hành thí nghiệm thuộc lĩnh vực chip bán dẫn, DUT cũng sẽ tạo điều kiện về phòng lab và các thiết bị để các chuyên gia giữa hai trường cùng nhau làm việc, nghiên cứu
- Hỗ trợ học bổng, tài trợ kinh phí cho giảng viên, sinh viên tham gia các chương trình trao đổi giữa hai trường
- Hỗ trợ kết nối Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN với công ty Intel
nhằm phát triển hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực Trí tuệ nhân tạo (AI).
Ảnh lưu niệm
DUT và PSU dự kiến sẽ triển khai ký kết biên bản thỏa thuận ghi nhớ MOA trong thời gian sớm nhất, nhằm hiện thực hóa các nội dung hợp tác đã thảo luận, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành Chip bán dẫn cho đất nước.
Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN