Lễ Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
19/05/2014 09:26
Sáng ngày 19/5/2014, tại Hội trường khu F, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2014) và tổng kết, khen thưởng những tấm gương tiêu biểu trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tham dự buổi Lễ có PGS.TS Trần Văn Nam – Thành Ủy viên, Giám đốc Đại học Đà Nẵng; PGS.TS Lê Kim Hùng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; cùng các đồng chí trong Ban Giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn, lãnh đạo Hội Cựu giáo chức, cựu chiến binh, lãnh đạo các Khoa, Phòng, các thầy cô giáo và gần 400 sinh viên đại diện cho 18000 sinh viên đã đến tham dự.
Trong diễn văn khai mạc PGS.TS Lê Kim Hùng đã ôn lại những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đối với Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; khẳng định Việt Nam luôn ghi nhớ công lao và tích cực học tập theo tấm gương của Người.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra giữa lúc dân tộc Việt Nam đang trong cảnh lầm than, tủi nhục dưới ách thống trị của thực dân Pháp, lớp lớp sỹ phu và đồng bào yêu nước đã đứng lên chiến đấu dành lại độc lập tự do nhưng đều thất bại. Sứ mệnh lịch sử đặt ra cho dân tộc, cho mỗi một người dân yêu nước, cũng như cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới lúc bây giờ là tìm ra phương sách cứu nước cứu dân. Đó là thách thức lớn của thời đại.
Từ thuở thiếu niên, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã tiếp thu truyền thống yêu nước nồng nàn và hấp thu nền văn hoá lâu đời của nước nhà. Người lại được hưởng nền giáo huấn yêu nước và thương dân của gia đình, nền văn hoá và truyền thống tốt đẹp của mảnh đất Hồng Lam - mảnh đất đau thương nhưng vô cùng quật khởi.
Chứng kiến cảnh nước nhà bị ngoại bang xâm chiếm, người dân cơ cực lầm than, ngày 5/6/1911 tại Bến cảng Nhà Rồng, trên con tàu đô đốc Latuso Torevilo, bắt đầu trong vai trò một người phụ bếp, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Cùng trong những năm bôn ba ấy, cùng sống làm việc và hoạt động với quần chúng lao khổ. Người đã mở rộng tình thương với đồng bào mình, với dân tộc mình tới tình thương nhân loại với mọi dân tộc bị áp bức. Người đấu tranh không mệt mỏi vì mục tiêu giải phóng dân tộc Việt Nam và giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Qua thực tiễn đấu tranh ở nhiều lục địa đã dần dần hình thành ở Nguyễn Ái Quốc một luận điểm: Giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giải phóng nhân loại.
Với hành trang là chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam và khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào, trải qua cuộc sống lao động, học tập, nghiên cứu lý luận và nhất là qua thực tiễn đấu tranh cách mạng phong phú ở nhiều nước, Người đã thấy vấn đề giải phóng dân tộc và con người là nhu cầu cấp thiết không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các dân tộc thuộc địa và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới. Tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất của thời đại mới mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã đi tới khẳng định : "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".
Vạch ra con đường cứu nước đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu nhất của cách mạng nước ta. Đó là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc. Đó là việc xây dựng thành công lực lượng cách mạng với Mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở nước ta. Đó là việc xác định chính xác phương pháp cách mạng phù hợp với thực tiễn đất nước để thực hiện thành công các nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trước các biến động hết sức phức tạp trong các quan hệ quốc tế. Đường lối cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã tạo nên sức mạnh tổng hợp và phát huy tác dụng, đưa tới những thắng lợi rực rỡ của cách mạng nước ta.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử nước ta, đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam từ nô lệ trở thành độc lập, tự do.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa làm cơ sở cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Với những thắng lợi đó, dân tộc ta không chỉ thi hành "Bản án chế độ thực dân" ở Việt Nam, giành lại độc lập dân tộc, xây dựng xã hội mới vì tự do, hạnh phúc của nhân dân ta, mà còn cùng với các dân tộc thuộc địa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đấu tranh loại bỏ vết nhơ áp bức của chủ nghĩa thực dân, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
"Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta". Công lao của Người với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam và dẫn dắt dân tộc ta tiến đến tương lai tươi sáng”.
Đặc biệt, trong những ngày này, khi tình hình biển Đông trở nên căng thẳng và phức tạp, chúng ta lại càng phải khắc sâu những bài học quý giá mà Hồ Chí Minh để lại, đó là tinh thần đấu tranh không ngừng vì nền độc lập dân tộc, là bài học về sự tăng cường khối đoàn kết trong nước và tận dụng sự ủng hộ của quốc tế đối với vấn đề chủ quyền biển Đông của Việt Nam, là bài học về sự khéo léo, tỉnh táo trong cách ứng xử. Cũng là thời điểm mà chúng ta cần nhìn nhận rằng, cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của chúng ta là cuộc đấu tranh lâu dài, kể cả trong thời bình, là cuộc đấu tranh trên tất cả các mặt trận kinh tế, chính trị, tư tưởng văn hóa, an ninh quốc phòng, đấu tranh ngoại giao… Và quan trọng hơn cả, chúng ta cần tỉnh táo trong một cuộc chiến không có tiếng súng.
Tại buổi Lễ, Nhà trường cũng đã trao tặng Giấy khen cho 04 tập thể và 08 cá nhân là những tấm gương tiêu biểu trong cuộc vận động học tập & làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.