Kỳ thi Lập trình quốc tế ACM/ICPC 2016 khu vực châu Á tại Nha Trang: Lần thứ hai, ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng có đại diện giành giải 3 toàn châu lục

04/12/2016 09:37

Nhóm BDTT.NeverGiveUp (trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng) với 3 thành viên là: Đỗ Minh Thắng, Đoàn Công Danh, Nguyễn Tấn Bảo đã xuất sắc giành giải 3 (bảng CHUYÊN), kỳ thi Lập trình quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á lần thứ 42, diễn ra từ ngày 29/11 đến ngày 2/12/2016 tại TP Nha Trang-Việt Nam.

alt

Đây là lần thứ hai, trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng giành giải 3 ở cấp châu lục (lần đầu được giải này và năm 2008 tại TP Hồ Chí Minh). Và Team BDTT.NeverGiveUp cũng với 3 thành viên gồm Đỗ Minh Thắng, Đoàn Công Danh, Nguyễn Tấn Bảo, còn giành giải Nhì ACM/ICPC toàn quốc.

alt

Giấy chứng nhận thành tích giải Ba của Nhóm BDTT.NeverGiveUp (trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng). Dẫn dắt đoàn ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng dự thi năm nay là TS Phạm Minh Tuấn (Giảng viên khoa Công nghệ thông tin của Trường; Trường đoàn kiêm HLV)   

(ảnh do TS Phạm Minh Tuấn chụp và gửi về từ Nha Trang).

Tham dự kỳ thi Lập trình quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á lần thứ 42-2016 có 116 Nhóm/Đội đến từ 57 trường Việt Nam và châu Á. Trong đó, có 13 đội mạnh đến từ các trường ĐH nổi tiếng như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Giao thông vận tải Trung Quốc,  Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Quốc gia Indonesia...)

Cũng nằm trong bảng CHUYÊN, Đh Bách khoa-ĐH Đà Nẵng còn có các đại diện khác giành các giải thưởng cấp khu vực và cấp toàn quốc, đó là:

- Team Danang Thoor với 3 thành viên (Phạm Linh Đan,  Phạm Quốc Trọng, Đỗ Phúc Hòa) giành giải Nhất ACM/ICPC Miền Trung và Team BDTT.NeverGiveUp với 3 thành viên gồm Đỗ Minh Thắng, Đoàn Công Danh, Nguyễn Tấn Bảo, giành giải Nhì ACM/ICPC toàn quốc.

Được sự bảo trợ của Hiệp hội máy tính (ACM), kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC (International Collegiate Programming Contest) được tổ chức lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1970, đến nay đã thu hút được hàng chục ngàn sinh viên xuất sắc nhất của các khoa/ngành trong lĩnh vực máy tính trong hệ thống ĐH toàn cầu.

Cuộc thi có mục đích nhằm phát triển sự sáng tạo, làm việc nhóm và sự đổi mới trong cách xây dựng các chương trình phần mềm mới và cho phép sinh viên kiểm tra năng lực thực hiện của họ dưới một áp lực thời gian rất cao. Đây là kì thi lập trình lâu đời nhất, lớn nhất và có uy tín nhất trên thế giới.

Các trường ĐH trên toàn thế giới có thể đăng ký trực tiếp dự thi trong khu vực của châu lục mình trên mạng (tại địa chỉ : http://cm2prod.baylor.edu/login.jsf).

Mỗi trường ĐH đăng ký nhiều đội dự thi, mỗi đội gồm 3 sinh viên và 1 huấn luyện viên. Các đội sẽ phải giải từ 8-15 bài, giải đúng qua hệ thống chấm tự động trực tuyến (test online) được 1 điểm, nộp chấm lại bị phạt thời gian thêm 20 phút, nếu các đội có cùng điểm sẽ được xếp thứ bậc căn cứ vào thời gian nộp bài giải được. 
Căn cứ vào thành tích tại các điểm thi châu lục (mỗi châu lục được lựa chọn đến 20 điểm vòng loại căn cứ theo số lượng đội trường đăng ký), các đội đứng đầu từng vòng loại châu lục được quyền vào vòng Chung kết (World Finals), mỗi năm được tổ chức tại một nước.

alt

Giấy chứng nhận thành tích giải Nhì ACM/ICPC toàn quốc của Nhóm BDTT.NeverGiveUp (trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng).

Mỗi trường ĐH chỉ có thể có 1 đội đại diện duy nhất vào vòng chung kết.

Vòng chung kết sẽ là trận đọ sức giữa 100 đội tuyển đến từ 100 trường ĐH khác nhau trên toàn cầu, là đại diện xuất sắc nhất từ các châu lục tham gia (Châu Á chúng ta thường chọn được khoảng 30 đội có mặt ở World Finals).

Vong chung kế toàn cầu kỳ thi ACM/ICPC sẽ diễn ra tại Hoa Kỳ vào tháng 5/2017.

Năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức thành công kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á, điểm thi thứ 12 tại Đại học Công nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội, từ 24-25 tháng 11 năm 2006.

Các năm 2007, 2008 Việt Nam đăng cai tổ chức thành công kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á tại ĐH Đà Nẵng, ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Đến năm 2010, 1 trong 30 điểm thi cấp Châu Á tiếp tục được Việt Nam đăng cai tại ĐH Công nghệ-ĐH Quốc Gia Hà Nội vào trung tuần tháng 11 năm 2010. Liên tục từ năm 2005, Việt Nam chúng ta luôn có từ 1 đến 2 đội tuyển lọt vào World Finals.

* Năm 2016, cùng với kỳ thi Lập trình quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á, TP Nha Trang cũng là nơi diễn ra kỳ thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 25. Kỳ thi đã thu hút gần 700 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đến từ các trường ĐH và CĐ trên toàn quốc.

Được Hội Tin học Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam sáng lập từ năm 1992, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam là một sân chơi bổ ích và hấp dẫn dành cho sinh viên quy mô lớn nhất Việt Nam. Kỳ thi được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm khuyến khích phong trào học tập tin học và thúc đẩy các tài năng tin học trẻ phát huy sáng tạo của mình.

Việc kết nối Olympic Tin học với kỳ thi Lập trình sinh viên Quốc tế không những nâng cao kỹ năng lập trình của sinh viên Việt Nam theo chuẩn quốc tế, kỹ năng làm việc nhóm mà còn từng bước đưa thương hiệu các trường đại học, cao đẳng Việt Nam "sánh vai" top 100 trường đại học hàng đầu về công nghệ thông tin trên thế giới.

Tại kỳ thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam lần thứ 25, trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng tiếp tục được xướng danh tại buổi trao giải với thành tích của các em:

- Ở bảng CHUYÊN, em Đoàn Công Danh, giải Nhì; 2 em Nguyễn Thành Nhân và Phạm Quốc Trọng, giải Ba. Đối với bảng KHÔNG CHUYÊN, 2 em Trần Trung Thông và Đỗ Thị Minh Thúy giải khuyến khích.

alt

TS Nguyễn Văn Đông (Trưởng Phòng Công tác SV, ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng) & Thanh Liêm thực hiện