Cựu sinh viên Khoa Hóa đạt giải Nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia năm 2023

22/02/2024 15:44

Với Dự án “AWT-Carbon” nuôi trồng tảo tạo sinh khối, làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, cựu sinh viên Nguyễn Quốc Vương, ngành Kỹ thuật Dầu khí, Khoa Hóa - Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN đã xuất sắc đạt giải Nhất "Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia" năm 2023.


Dự án “AWT-Carbon” của Nguyễn Quốc Vương nhận giải Nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2023. Ảnh: Báo Diễn đàn doanh nghiệp


CSV Nguyễn Quốc Vương được vinh danh, khen thưởng tại Chương trình tổng kết và bế mạc Năm Khởi nghiệp - Quảng Nam 2023

Cựu SV Nguyễn Quốc Vương cho biết, mô hình của dự án là nuôi trồng tảo trong các ao, hồ để tạo ra sinh khối, từ đó tảo sẽ được vận chuyển về các nhà máy tạo ra thức ăn chăn nuôi. Nguồn doanh thu của Dự án đến từ các hợp đồng xử lý nước, bán sinh khối tảo đến các nhà máy, chuyển giao công nghệ và bán ra tín chỉ các bon.

Chia sẻ hành trình đến với Dự án, Quốc Vương cho biết, cơ duyên bắt đầu từ niềm đam mê Hóa học. Khi trở thành sinh viên ngành Kỹ thuật dầu khí, Khoa Hóa - Trường Đại học Bách Khoa, ĐHĐN, Quốc Vương có cơ hội tham gia sâu hơn những nghiên cứu ứng dụng của Tảo.

Trải nghiệm đầu tiên của Quốc Vương vào năm 2019 với Dự án “Nuôi Tảo trong hầm Biogas để tạo dầu Diesel”. Do kết quả không như mong đợi nên tạm khép lại Dự án để tìm hướng đi mới.


Quy trình sản xuất nuôi trồng tảo tạo ra sinh khối, xử lý nước, đồng thời tạo thêm nguồn làm thức ăn chăn nuôi

“Rút kinh nghiệm từ nghiên cứu trước, tôi bắt tay vào nghiên cứu các ứng dụng của tảo để giải quyết những vấn đề bức thiết của xã hội và tạo ra giá trị bền vững. Sau một thời gian ngắn, tôi nhận thấy tiềm năng lớn của việc nuôi trồng vi tảo xử lý nước thải thủy sản. Phương pháp này vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa có thể thu sinh khối tảo tạo ra nhiều nguồn thu phụ khác, hoàn toàn phù hợp với xu hướng kinh tế xanh” - Vương chia sẻ.

Manh nha lối đi mới, Vương dành toàn bộ thời gian cho các thí nghiệm với vi tảo. Mỗi lần kết thúc một thử nghiệm, Vương không quên gửi mẫu đến các trung tâm để kiểm tra, đánh giá, tìm ưu - nhược điểm. Suốt hai năm, từ thử nghiệm nuôi trồng trong nhà, ngoài trời cho đến các môi trường ô nhiễm khác nhau… chàng sinh viên này hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học kỳ công của mình và tự tin đăng ký bằng sáng chế. Kinh phí cho công trình nghiên cứu này khoảng 1,5 tỷ đồng.

Dự án Vương hướng đến ban đầu đã thành công nửa chặng đường. Phần còn lại là sử dụng sinh khối để tạo sản phẩm cuối cùng, tạo ra vòng tròn khép kín. Năm 2022, Vương thành lập Công ty Tư vấn và phát triển công nghệ xanh Việt Nam, trụ sở đặt tại TP. Đà Nẵng nhằm phát triển công nghệ điện phân trong thu hồi tảo để nước thải ra môi trường đạt chuẩn loại A và sử dụng sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.


Quốc Vương lắp đặt hệ thống tại một đơn vị

Đề tài nghiên cứu về công nghệ này được Nguyễn Quốc Vương và Sở KH&CN TP. Đà Nẵng thực hiện ngay sau đó. Tin vui đến ngay sau đó khi một đơn vị chăn nuôi gà hữu cơ ở Bến Tre đề nghị hợp tác, triển khai xây dựng dây chuyền đáp ứng nhu cầu chăn nuôi khoảng 100 tấn thức ăn/tháng. Tiếp đà thành công, Vương cùng cộng sự mở rộng, áp dụng công nghệ này đến nhiều tỉnh, thành khác như Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Yên, Cần Thơ, Bến Tre, TP.Hồ Chí Minh… Dự kiến, doanh thu trong năm 2024 của công ty có thể đạt khoảng 10 - 15 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, Quốc Vương mong muốn mang dự án về quê nhà để góp sức cho sự phát triển của quê hương. Dự định của Vương sẽ thuê lại những ao, hồ, đầm, các đoạn kênh, sông ứ đọng,… áp dụng công nghệ nuôi vi tảo để xử lý môi trường. Đồng thời xây dựng dây chuyền đáp ứng từ 100-200 tấn thức ăn chăn nuôi mỗi tháng. Dự tính anh sẽ thực hiện mô hình điểm tại Bầu Dài, huyện Đại Lộc và bày tỏ mong mỏi được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền các cấp để thực hiện được ý định này.


Nguyễn Quốc Vương trăn trở với nghiên cứu, ứng dụng phát triển Kinh tế xanh bền vững

Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cùng kiến thức chuyên môn được trau dồi từ giảng đường đại học và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cựu sinh viên Nguyễn Quốc Vương đã đạt được thành tích rất đáng tự hào ở tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ. Hy vọng đây sẽ là tấm gương, là nguồn động viên, khích lệ, truyền cảm hứng hun đúc tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong SV/cựu SV và cộng đồng.

Bách khoa Đà Nẵng -  chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước luôn sát cánh cùng các thế hệ sinh viên, cựu sinh viên, những con người nhiệt huyết tài năng nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu, góp sức dựng xây cho sự phát triển giàu đẹp của quê hương, lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp đến cộng đồng.

Biên tập: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN
Nguồn: Báo Quảng Nam